Pháp lệnh Quảng cáo của Chính phủ đã được Quốc hội khóa X thông qua từ năm 2001 trong đó quy định cụ thể nội dung, hình thức của sản phẩm quảng cáo. Tuy nhiên hiện nay, trên các đường phố Thái Nguyên vẫn tồn tại nhiều biển hiệu, biển quảng cáo vi phạm cả về nội dung và hình thức quy định.
Đi dọc các tuyến phố trong T.P Thái Nguyên, chúng ta dễ dàng bắt gặp các biển hiệu trình bày nhiều mầu sắc với những kích thước to nhỏ khác nhau được treo, đặt tùy tiện làm mất mỹ quan đô thị. Điều đáng nói là các biển hiệu, quảng cáo này vi phạm từ ít đến nhiều Pháp lệnh Quảng cáo và các Nghị định của Chính phủ về quảng cáo, biển hiệu.
Điều 30, Nghị định 11/2006/NĐCP ngày 18-1-2006, Chính phủ quy định nội dung của biển hiệu bao gồm: Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); tên gọi đầy đủ bằng chữ Việt Nam; Địa chỉ giao dịch, số điện thoại…; Điều 30, Nghị định 11/2006/NĐCP ngày 18-1-2006, Chính phủ quy định: Không được quảng cáo cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào trên biển hiệu... Mặc dù vậy, rất nhiều công ty, cửa hàng đã cố tình bỏ qua quy định này với những biển hiệu thiếu thông tin hoặc những biển hiệu hoàn toàn mang nội dung tiếng nước ngoài, thậm chí nhiều biển hiệu còn xuất hiện toàn những thông tin mang tính chất quảng cáo.
Tại cơ sở ảnh viện áo cưới số 144, đường Cách mạng Tháng Tám, nếu chỉ nhìn vào những tấm biển hiệu có kích thước tương đương với các biển quảng cáo tấm lớn mang nội dung quảng cáo hoàn toàn bằng tiếng Anh thì không thể biết được tên thật cũng như loại hình kinh doanh, đơn vị chủ quản của cửa hàng này. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các cửa hàng số 166 và 254 đường Lương Ngọc Quyến, số 66, Hoàng Văn Thụ… Thậm chí, cửa hàng thời trang số 177, Lương Ngọc Quyến còn mang tên “Sex”, mặc dù từ tiếng Anh này khi dịch ra tiếng Việt có nhiều nghĩa nhưng hầu hết các nghĩa đều gây phản cảm cho khách hàng và người đi đường.
Các biển quảng cáo, quảng cáo tấm lớn, các băng rôn quảng cáo đặt trên nóc nhà, đặt ở các vị trí ngã ba, ngã tư và đặt dọc các tuyến phố cũng vi phạm khá nhiều ở các lỗi như không ghi đầy đủ các thông tin đơn vị quản lý, đơn vị cấp phép, số giấy phép, thời hạn đặt quảng cáo theo quy định của Điều 5, Nghị định 24/2003/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 13-3-2003. Điển hình như quảng cáo tấm lớn sản phẩm của Công ty SYM, băng rôn của Mobifone, VIB Bank, ảnh viện áo cưới ZEN … Một số quảng cáo đã cũ, rách mà không được thay thế hoặc gỡ bỏ và đặc biệt là rất nhiều các rao vặt được ghim vào cây xanh bằng đinh sắt, được in trên giấy và dán dọc nhiều tuyến phố, trên các nhà chờ xe buýt, trên tường nhà… gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị. Tại các huyện và thị xã, theo quan sát của chúng tôi thì tình trạng tương tự như ở T.P Thái Nguyên cũng diễn ra phổ biến.
Thượng tá Nguyễn Văn Lương, Phó Trưởng phòng Bảo vệ An ninh nội bộ và Văn hóa Tư tưởng, Công an tỉnh cho biết: “Từ năm 2007, lực lượng an ninh văn hóa đã phát hiện ra nhiều vi phạm trong việc viết, đặt biển hiệu và hoạt động quảng cáo nên đã có Công văn số 190/BC-PA25 ngày 9/1/2007 báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Do không có chức năng quản lý Nhà nước về văn hóa nên chúng tôi đã đề nghị cơ quan quản lý nhà nước là Sở Văn hóa - Thông tin xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, những vi phạm trên vẫn tiếp diễn”. Ông Lương cũng cho biết thêm, đã xảy ra nhiều trường hợp quảng cáo không đúng sự thật, phô trương hình thức nhiều hơn khả năng của đơn vị quảng cáo, gây bức xúc trong nhân dân.
Năm 2007, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập biên bản và xử lý 12 trường hợp vi phạm trong hoạt động quảng cáo, 9 tháng đầu năm 2008, Thanh tra ngành đã ra quyết định xử lý 2 trường hợp vi phạm. Tất cả 14 trường hợp này đều là các quảng cáo hết hạn không gỡ bỏ và quảng cáo không phép, con số này là quá nhỏ so với ước tính hàng nghìn biển hiệu, biển quảng cáo sai phạm.
Ông Nguyễn Thanh Bình, phụ trách Thanh tra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Nguyên nhân của tình trạng vi phạm trên là do hiểu biết về luật pháp của một số đơn vị, cá nhân còn hạn chế, hơn nữa lực lượng Thanh tra của Sở chỉ có 4 người và phải đảm nhậm công tác thanh tra hàng chục lĩnh vực nên rất khó kiểm soát hết hoạt động quảng cáo.” Ông Bình cũng cho biết thêm, sau khi sáp nhập vào tháng 5/2008, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa bổ nhiệm lại chức danh Chánh thanh tra, vì vậy theo quy chế, Thanh tra Sở không thể thực hiện lập biên bản và ra quyết định xử lý các trường hợp vi phạm. Điều này cũng gây khó khăn không nhỏ đến công tác thanh kiểm tra.
Được biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành các thủ tục cần thiết để trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án Quy hoạch vị trí tuyên truyền, cổ động chính trị và Quảng cáo thương mại trên địa bàn tỉnh. Đây là việc làm phù hợp và cần thiết để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong hoạt động quảng cáo, đưa quảng cáo vào hoạt động đúng luật, tạo vẻ đẹp cho đô thị Thái Nguyên.