Cảnh báo nguy cơ tử vong do bệnh dại

10:36, 17/09/2008

Từ năm 2007 đến nay trên địa bàn Thái Nguyên đã có 3 trường hợp chết vì bệnh dại trong khi từ năm 1999 đến 2006 không có trường hợp nào chết vì bệnh này. 3 trường hợp tử vong trên đều do chủ quan không đi tiêm phòng dại, có trường hợp còn dùng thuốc nam để chữa nên dẫn đến cái chết thương tâm.

Thực tế cho thấy, ngay tại vùng có bệnh nhân tử vong do bệnh dại là xã Đào Xá, huyện Phú Bình ngày 2-5-2008 thì số chó được tiêm phòng trước và sau khi có dịch mới được 920/4.200 con, đạt 21% mà muốn đạt được miễn dịch trên đàn chó thì tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 85-100% ở vùng đang có dịch lưu hành. Những địa phương khác chưa có dịch tỷ lệ đàn chó được tiêm phòng rất thấp. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Oanh, thư ký Chương trình Phòng, chống bệnh dại- Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Để hạn chế tử vong do bệnh dại trước hết phải tiêm phòng và quản lý chặt chẽ đàn chó, nếu người bị nghi súc vật mắc bệnh dại cắn hoặc cào, liếm đều phải đi chích ngừa. Đây là biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả. Tuy nhiên, giá tiền cho một liệu trình điều trị vào khoảng gần 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nên đã có nhiều người khi bị súc vật nghi dại cắn, cào không đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng.

 

Trong 8 tháng năm 2008, số người đến khám và tư vấn khi bị súc vật nghi dại cắn tại các cơ sở y tế trên địa bàn là gần 3.000 người. Theo khuyến cáo, nếu người bị chó, mèo dại hoặc nghi dại cắn thì phải coi đó là một trường hợp cấp cứu. Trước hết phải xử trí tại chỗ vết thương bằng cách rửa nhiều lần bằng xà phòng dưới vòi nước chảy từ 5-10 phút, khi rửa không nên bóp, nặn vết thương. Rửa lại bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng. Bôi thuốc sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc, cồn Bettidin… sau đó đến các điểm tiêm phòng dại tại Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh, trung tâm y tế các huyện để được các thày thuốc chuyên khoa khám, tư vấn và có biện pháp điều trị cụ thể cho từng trường hợp. Tuyệt đối không được dùng thuốc nam để chữa bệnh hoặc biện pháp dân gian (xoa ớt, liếc dao…) vì các biện pháp này không có hiệu quả. Khi vết cắn nhẹ và xa thần kinh trung ương, tại thời điểm chó, mèo cắn người vẫn sống bình thường, không có dấu hiệu nghi ngờ dại thì theo dõi con vật trong vòng 15 ngày. Nếu con vật không có biểu hiện bất bình thường như ốm, bỏ ăn, chết, mất tích, hoặc bị bán mất, mổ thịt thì không cần tiêm phòng. Ngược lại, nếu vết cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục hoặc vết cắn sâu, tại nơi bị cắn có dịch dại của súc vật hoặc con vật đang lên cơn dại, nghi dại, không thể theo dõi được sức khoẻ con vật thì người bị cắn phải đi tiêm ngay để phòng bệnh, tránh được nguy cơ tử vong.