Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu Liên bộ Tài chính - Công Thương khẩn trương hoàn thiện căn cứ pháp lý điều hành thị trường xăng dầu, cũng như bảo đảm vốn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoạt động.
Theo quyết định số 79 do Bộ Tài chính ban hành, từ ngày 16/9, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được tự quyền quyết định giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng dầu.
Căn cứ vào giá nhập khẩu, thuế, phí, lợi nhuận... doanh nghiệp được tự tính toán mức giá cụ thể đến tay người tiêu dùng. 3 ngày trước khi ban hành giá bán mới, doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký với Liên bộ Tài chính - Công Thương.
Trong 3 ngày nếu liên bộ không có ý kiến, doanh nghiệp được phép áp dụng mức giá bán đã đăng ký. Ngược lại nếu phát hiện các yếu tố bất hợp lý, liên bộ sẽ không chấp nhận giá bán xăng dầu và thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp.
Các văn bản hướng dẫn đang được Liên bộ Tài chính - Công Thương cân nhắc để ban hành. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, khi quyết định trao quyền cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý đã tính toán rất kỹ những rủi ro có thể xảy ra. Trên thực tế, Nhà nước không dốc ngân sách ra bù lỗ cho xăng dầu, còn nguyên tắc là khi doanh nghiệp điều chỉnh giá bán vẫn phải đăng ký với Liên bộ Tài chính - Công Thương trước thời điểm áp dụng 3 ngày. Nếu doanh nghiệp thấy thị trường thế giới giảm giá nhưng không tự động đăng ký điều chỉnh giảm, liên Bộ có quyền thông báo tới các doanh nghiệp để buộc phải giảm giá.
Còn Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Cẩm Tú thì khẳng định trao quyền cho doanh nghiệp không có nghĩa là thả giá, doanh nghiệp muốn ấn định giá bán bao nhiêu cũng được. Xăng dầu là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá vì vậy, nó vẫn phải vận hành theo sự điều hành của Nhà nước. Doanh nghiệp sẽ căn cứ trên giá thế giới, chi phí, lợi nhuận… để xác định giá bán nhưng giá bán này phải được đăng ký với các cơ quan quản lý để giám sát và đảm bảo rằng, mức giá đó không bất hợp lý.