Công bố 11 loại sữa Trung Quốc từng được phép lưu hành tại VN

07:33, 25/09/2008

Viện phó Vệ sinh y tế công cộng Nguyễn Xuân Mai sáng nay vừa công bố với báo chí, tên 11 sản phẩm sữa Trung Quốc đã được cấp phép phân phối. Trong đó, 5 sản phẩm chưa nhập về, 1 sản phẩm từng được xác nhận có melamine là YiLi.

Sáu sản phẩm sữa Trung Quốc được phép lưu hành và đã có sản phẩm tại Việt Nam bao gồm:

 

Sữa bột hiệu Danou của công ty Danou An Huy do Công ty Minh Hoa ở Long Biên, Hà Nội nhập và phân phối.

 

Sữa bột nguyên kem có đường và sữa bột nguyên kem của công ty sữa Ngân Hà, Vân Nam được Công ty thực phẩm Đông Nam Á, Hoàng Mai, Hà Nội nhập khẩu.

 

Sữa bột GT&F Milk Powder được Công ty Hiền Anh, huyện Hoài Đức, Hà Nội nhập từ Công ty Taiwan Way Chain Industrial, Đài Loan.

 

Sữa tươi nguyên chất tiệt trùng hiệu YiLi của Tập đoàn công nghiệp YiLi do Công ty Kim Ấn, quận Tân Bình, TP HCM nhập khẩu.

 

Sữa bột nguyên kem Full Cream Milk Powder của Longcom Enterprise, Công ty hóa chất Á châu, quận Tân Bình, TP HCM phân phối.

 

Theo ông Nguyễn Xuân Mai, cho đến chiều 24/9, ngoài sữa YiLi, các sản phẩm còn lại đều chưa phát hiện có chất melamine.

 

Ngoài ra, năm sản phẩm khác đã được phép lưu hành nhưng chưa có sản phẩm vì chưa kịp nhập về Việt Nam, gồm: Sữa đen, sữa khuẩn axit lactic, sữa đu đủ, sữa ngô, sữa đỏ (Công ty sữa Bậc nhất Hoàng Gia - Quảng Tây) do Công ty Linh Thu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phân phối.

 

Phó chánh thanh tra Bộ Y tế Bùi Đức Phong cho biết, ngoài YiLi đã có quyết định thu hồi và tiêu hủy, các loại sữa còn lại trong danh sách vẫn bị tạm ngưng lưu hành thời điểm này. Theo ông Phong, các mẫu sữa vẫn tiếp tục được Bộ Y tế đem đi xét nghiệm.

 

Cũng trong sáng nay, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Châu, chính thức cho biết, tất cả các kết quả xét nghiệm sữa YiLi từng bán tại Sài Gòn từ ngày 5/9, đều dương tính với chất gây sỏi thận melamine.

 

Hai ngày trước đây, Công ty Kim Ấn, nhà phân phối loại sữa này từng công bố kết quả tương tự khi họ tự mang mẫu đi xét nghiệm.

 

Trước kết quả trên, ông Châu đề xuất Bộ Y tế cho phép được tiêu hủy toàn bộ 18 tấn sữa này trong thời gian sớm nhất.

 

Phó thanh tra Bộ Y tế, Bùi Đức Phong, cho rằng, trước khi có quyết định chính thức từ Bộ, Sở Y tế TP HCM nên kết hợp với Sở Khoa học công nghệ lập kế hoạch tiêu hủy trên tiêu chí không gây ô nhiễm môi trường và kiên quyết không để số sản phẩm này bị tuồn ngược ra thị trường.

 

Chiều nay, đoàn thanh tra liên ngành tại TP HCM sẽ bắt đầu đợt kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm sữa và sản phẩm được làm từ nguyên liệu sữa.

 

Trưởng đoàn Bùi Đức Phong, cho biết, nhằm tránh hiện tượng "vơ đũa cả nắm', một trong những mục đích chính của đợt thanh tra là tìm kiếm phân loại những sản phẩm sữa có chứa chất melamine và không có để người dân có thể yên tâm.

 

Sở Y tế TP HCM cũng đã cung cấp cho đoàn danh sách 111 cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm liên quan đến sữa đang hoạt động tại địa phương để đoàn tham khảo. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Xuân Mai, Phó viện Vệ sinh y tế công cộng, đoàn cần tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất theo kiểu mua sữa ngoại nhập không rõ nguồn gốc về tự pha chế đóng gói.