Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm: Tiếp cận người dân ở nông thôn

14:19, 23/09/2008

Trong 3 năm trở lại đây, công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trong tỉnh đã được ngành Lao động Thương binh và Xã hội Thái Nguyên thực hiện theo hướng xã hội hoá nhằm thu hút nhiều nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Đồng thời, ngành thực hiện chủ trương đa dạng loại hình đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ hội để người lao động tiếp cận, chọn lựa nơi làm việc.

Về mạng lưới cơ sở đào tạo nghề, ngoài các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh có khả năng đào tạo nghề cho hàng vạn lao động, đến nay 9/9 huyện, thành, thị trong tỉnh đã có trung tâm dạy nghề đi vào hoạt động. Với nhiều hình thức đào tạo nghề như vậy nên từ năm 2005 đến đầu năm 2008 đã đào tạo nghề ngắn, dài hạn cho 36.092 lao động, trong đó, các đơn vị trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các huyện, thành, thị tổ chức đào tạo nghề cho 9.433 lao động ở nông thôn, 2.382 đối tượng chính sách được đào tạo nghề ngắn, dài hạn, 239 lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp được đào tạo nghề mới, 520 người tàn tật được đào tạo các nghề thêu ren, tin học văn phòng. Các tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước cũng đã tiến hành đào tạo, đào tạo lại cho hàng chục nghìn lao động trong tỉnh...

 

Thực hiện Đề án xuất khẩu lao động của tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã kiểm tra tư cách pháp nhân để giới thiệu 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động về tuyển dụng lao động ở tất cả các huyện, thành, thị trong tỉnh. Trong 3 năm qua, 50 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đã tuyển dụng được 7.434 lao động trong tỉnh đi lao động ở các thị trường: Hàn Quốc, Đài Loan, Ma-lai-xi-a, Trung Á... nhằm giải quyết việc làm và giảm nghèo.

 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động và tìm việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm, duy trì website “Người tìm việc, việc tìm người”. Riêng sàn giao dịch việc làm đã duy trì mỗi quý một lần từ tháng 12-2007 đến nay, đã tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho gần 3.000 lượt người. Sở cũng đã thực hiện quản lý, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm (Chương trình 120) để tạo cơ hội cho nhân dân trong tỉnh vay vốn với lãi suất ưu đãi phục vụ phát triển sản xuất, tạo việc làm mới cho khoảng 14 nghìn người.

 

Trong 3 năm qua đã có 43.147 lao động được tạo việc làm qua các hình thức như: Xuất khẩu lao động, vào làm việc tại các doanh nghiệp trong nước; tạo việc làm tại chỗ… tăng trên 30% so với giai đoạn 2001-2005. Để hoàn thành chỉ tiêu về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện 4 giải pháp quan trọng: Phát huy hiệu quả của các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh để tạo cơ hội phát triển việc làm, ưu tiên đầu tư nguồn vốn giải quyết việc làm cho các dự án thu hút nhiều lao động, giải quyết việc làm tại chỗ, khuyến khích phát triển ngành, nghề mới nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động. Tiếp tục triển khai Đề án xuất khẩu lao động; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến việc làm; tăng cường kiểm tra việc thực hiện Luật Lao động trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân...