Giải pháp hạn chế tình trạng quá tải học lái ô tô

09:20, 08/09/2008

Trong thời gian gần đây, trái ngược với các đại lý bán xe ô tô đang ế ẩm trước cơn bão giá của thị trường, số người đăng ký học lái xe Hạng B trên địa bàn Thái Nguyên gia tăng đột biến, gây quá tải tại các cơ sở đào tạo.

Thực tế trên không những ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, nảy sinh tiêu cực mà còn dẫn đến tình trạng lạm dụng sơ hở trong các quy định hiện hành đào tạo lái xe B1 vượt tuyến tỉnh, vượt ngoài tầm quản lý của Ban Quản lý sát hạch các tỉnh.

 

Từ chuyện mất cân đối cung cầu.

 

Trước vấn đề quá tải trong công tác đào tạo lái xe, đặc biệt là lái xe Hạng B1-B2 trên địa bàn (B1- Lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, ô tô tải dưới 3.500kg không kinh doanh vận tải; B2- Lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, ô tô tải dưới 3.500kg kinh doanh vận tải), trong giá cả lạm phát, sức mua giảm, đặc biệt là mặt hàng ô tô, phải chăng tồn tại nghịch lý?.

 

Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi được biết, tính đến hết tháng 6-2008, toàn tỉnh có 33.432 người được cấp giấy phép lái xe ô tô (GPLX)/14.553 phương tiện ô tô các loại, tương đương tỷ lệ 2,29 GPLX/1 phương tiện (do việc loại bỏ một số ô tô cũ, nát và xe công nông tự chế nên số phương tiện thực tế chỉ còn khoảng trên 11.000 xe các loại, tương đương tỷ lệ 3 GPLX/1 phương tiện), trong khi đó tỷ lệ ở xe mô tô chỉ có 1,14 GPLX/1 phương tiện.

 

Cũng theo số liệu tại Trung tâm Sát hạch lái xe Thái Nguyên, từ tháng 1-2007 đến hết ngày 30-6-2008, số học viên của Thái Nguyên tại 4 cơ sở đào tạo trong tỉnh gồm: Trường Trung cấp nghề Số 1 Bộ Quốc phòng; Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Việt Bắc; Phân hiệu Cao đẳng Giao thông vận tải Miền Núi và Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên chiếm tới hơn 60% số học viên của 5 tỉnh phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn và Thái Nguyên) dự thi lái xe, 7.458/13.334 học viên.

 

Những số liệu trên cho thấy, Thái Nguyên là một trong những địa phương có tỷ lệ GPLX/đầu phương tiện cao nhất toàn quốc, tuy nhiên cũng giống như các cơ sở đào tạo tại các tỉnh, thành khác, số người đăng ký học lái xe Hạng B1-B2 tại 4 cơ sở đào tạo trên địa bàn luôn trong tình trạng quá tải, nhiều học viên đến đăng ký phải chờ đợi từ 3-6 tháng mới được nhập học. Chính vì sự quá tải trong đào tạo cộng với những biến động do giá xăng dầu, giá xe ô tô dùng cho tập lái tăng cao đã ảnh hưởng nhiều tới chất lượng đào tạo, nảy sinh tiêu cực không đáng có...

 

Nguyên nhân và giải pháp

 

 Nguyên nhân quá tải trong công tác đào tạo lái xe Hạng B1-B2 trên địa bàn, theo anh Bùi Xuân Trưởng, Phó Phòng Quản lý Vận tải (Sở Giao thông vận tải): Khi kinh tế, xã hội phát triển, mức sống của đại đa số cán bộ, công chức và nhân dân được nâng lên thì nhu cầu sở hữu phương tiện ô tô của nhiều người cũng định hình rất rõ ràng, mà việc sở hữu một tấm GPLX ô tô là việc mà người ta nghĩ đến đầu tiên. Ngoài ra, do mức học phí đào tạo lái xe Hạng B1-B2 hiện nay còn thấp (trên 2,7 triệu đồng đối với lái xe Hạng B1, gần 3,3 triệu đồng đối với lái xe Hạng B2) so với mặt bằng chung, đặc biệt việc thời gian gần đây do giá xăng dầu tăng cao, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh tăng mức học phí đào tạo lái xe B1 lên trên 5,7 triệu đồng/người; mức B2 lên gần 6 triệu/người cùng với những tin đồn thất thiệt sẽ tăng thời gian đào tạo gấp đôi...khiến rất nhiều người đăng ký học theo phong trào, học chạy trước khi tăng giá. Bên cạnh đó, hiện các cơ sở đào tạo trong tỉnh tuy đã cố gắng đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, củng cố sân bãi tập... nhưng đội ngũ giáo viên giỏi ít, tỷ lệ xe đời mới còn thấp, số lượng xe chưa tương xứng với nhu cầu đào tạo dẫn đến tình trạng quá tải như hiện nay.

 

Để giải quyết tình trạng quá tải trong đào tạo lái xe nói chung, đào tạo lái xe Hạng B1-B2 nói riêng, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, trong thời gian qua, Sở Giao thông vận tải đã có những giải pháp quyết liệt: Yêu cầu các cơ sở đào tạo triển khai đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ xung xe tập lái đời mới, triển khai xây dựng trung tâm sát hạch loại II, III; yêu cầu niêm yết các quy định về thủ tục tuyển sinh, thông báo công khai về số lượng hồ sơ học lái ô tô, báo cáo thường xuyên kế hoạch mở lớp về Sở Giao thông vận tải để quản lý; thường xuyên mở các lớp đào tạo giáo viên dạy thực hành và chú trọng bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cán bộ quản lý, sát hạch viên, giáo viên; xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác đào tạo, sát hạch; đặc biệt, trong thời gian tới, 3 cơ sở đào tạo lái xe ô tô đã được quy hoạch gồm: Trường Cao đẳng công nhân kỹ thuật Việt Đức (Sông Công); Trung tâm đào tạo lái xe Tiến Bộ (Công ty TNHH Thái Hà) và Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật nghiệp vụ GT-VT (Sở Giao thông vận tải) đi vào hoạt động với lưu lượng đào tạo 700 học viên sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải như hiện nay.

 

Bên cạnh các giải pháp trên, theo chúng tôi, cần đẩy mạnh xã hội hoá công tác đào tạo lái xe ô tô cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định hiện hành, đồng thời Bộ Tài chính sớm điều chỉnh học phí cho sát với thực tế để các cơ sở đào tạo thực hiện đúng, đủ nội dung, chương trình đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, giảm những tiêu cực nảy sinh và tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực đào tạo lái xe...