Người Mông Mỏ Chì: Dùng dằng chuyện ở chuyện đi!

09:18, 10/09/2008

Hơn 16 năm nay, người Mông ở bản Mỏ Chì (xã Cúc Đường -Võ Nhai) đã trở thành công dân của Thái Nguyên và từ 25 hộ dân khi mới lập bản mới đến nay đã có 95 hộ với gần 500 nhân khẩu. Định cư tại Mỏ Chì, cuộc sống của đồng bào Mông có nhiều thay đổi, ổn định hơn nhiều so với những ngày sống tại xã Quang Trung, huyện Hoà An (Cao Bằng).

Tuy nhiên, họ  vẫn ở trên núi cao, hàng hoá làm ra phải mang trên lưng người qua đoạn đường gần 2km mới tới chợ, con em đi học khó khăn…Chính những điều này khiến trưởng bản Hoàng Văn Tài day dứt và anh quyết định thực hiện hành trình lần 2-hạ sơn để có cuộc sống ổn định dài lâu.

 

Gian khó và kỳ vọng

 

Năm 1992, 25 hộ người Mông trú tại xã Quang Trung, huyện Hoà An (Cao Bằng) thấy bắp ngô trên nương đã ngắn lại, hạt chắc ít đi, chim thú nơi bìa rừng thưa vắng nên trưởng bản và một số trai tráng đã lên đường đi tìm vùng đất mới. Sau nhiều ngày luồn rừng, vượt núi họ đã tìm được nơi "đắc địa"  là vùng rừng Mỏ Chì  thuộc xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai. Tìm được đất, 25 hộ đã bỏ lại nương bãi tại xã Quang Trung chỉ mang theo hạt giống và ít đồ dùng thiết yếu để thực hiện cuộc du canh, du cư với quãng đường dài trên 200km. Vùng rừng Mỏ Chì ngày đó hoang vắng, cách xa với các bản làng của đồng bào Tày, Nùng, Kinh đang sinh sống ở Cúc Đường nhưng với sự chịu đựng vất vả, khả năng khuất phục núi rừng, 25 hộ đồng bào Mông đã nhanh chóng dựng nhà, khai phá đất đai lập bản mới. Sức người đã biến cả vùng đất Mỏ Chì thành những nương ngô bạt ngàn và những mái nhà sàn ẩn hiện dưới mầu xanh của cây rừng và mây núi. Bản Mông thành lập được ít lâu thì chính quyền xã Cúc Đường đến tận nơi vận động đồng bào kê khai nhân khẩu và làm các thủ tục theo quy định để nhập cư, chính thức là công dân của Thái Nguyên.

 

Cũng từ đây cuộc sống của bà con cứ từng ngày thay đổi, nhưng có lẽ điều thay đổi lớn nhất chính là sự kiện người thanh niên ưu tú Hoàng Văn Tài của bản được Đoàn Thanh niên xã Cúc Đường bồi dưỡng, giới thiệu với tổ chức để kết nạp vào Đảng năm 2004. Tổ chức tín nhiệm, dân bản tin yêu nên ngay sau khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, Hoàng Văn Tài lại được bầu làm Trưởng bản. Để không phụ niềm tin của tổ chức, dân bản, Hoàng Văn Tài đã cố gắng phát triển kinh tế, đưa gia đình trở thành một hộ khá và luôn tìm hiểu những cái mới để giúp bà con ở Mỏ Chì phát triển kinh tế-xây dựng đời sống văn hoá.

 

Ngoài sự nỗ lực của đồng bào Mông ở Mỏ Chì, Nhà nước đã đầu tư mở một con đường cấp phối lên lưng chừng núi, rút ngắn quãng đường lên bản, một lớp học được dựng tại bản để dạy chữ cho con em. Những buổi tập huấn về cây trồng, vật nuôi giống mới được tổ chức thường xuyên tại bản và những con bò lai Sind được đưa về đây chăn thả, cây ngô lai dần thay thế cây ngô truyền thống, trên 25ha đất bạc mầu bị bỏ hoang lâu nay bà con đã trồng kín cây keo lai, 100% số hộ trong bản nuôi lợn lai thay giống lợn "tên lửa" nuôi cả năm mới to hơn quả bí. Điều bà con trong bản vui hơn là trong lớp học tại Mỏ Chì ngày ngày tiếng cô giáo người Kinh đánh vần từng chữ và tiếng trẻ nhỏ bi bô đọc theo. Sau những buổi học đó, trên cầu thang, cách cửa, sàn nhà của các gia đình chỗ nào cũng thấy chữ o, chữ a, hình cây trái ra hoá kết quả...Nhìn vào đó khiến ai cũng vui và hy vọng một ngày con em Mỏ Chì sẽ dời núi rừng để học cao hơn.

 

Theo trưởng bản Lý Văn Día hiện cả bản có gần 50 cháu được đi học, trong đó có 2 cháu Ngô Thị Chi, Hoàng Văn Giang đã học tới bậc THPT. Trong bản có đảng viên trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo dân bản về mọi mặt, cấp uỷ, chính quyền xã Cúc Đường đặc biệt quan tâm nên các đoàn thể xã hội ở Mỏ Chì hoạt động ổn định. Vào những buổi tối giữa núi rừng Mỏ Chì vang lên tiếng thanh niên ca hát, tiếng hội viên nông dân bàn nhau cách làm giàu, các chị phụ nữ cười e thẹn khi chị cộng tác viên dân số hướng dẫn cách kế hoạch hoá gia đình. Từ những hoạt động nêu trên đã tạo ra bộ mặt mới cho bản người Mông Mỏ Chì: Trên 80% số hộ trong bản có xe máy, 20 hộ có ti vi, gần 70% số hộ có đủ nước sạch sinh hoạt, số hộ sinh con thứ 3 giảm dần theo từng năm…

 

Hành trình hạ sơn

 

Trong căn nhà sàn rộng, thoáng, bao quanh là ngô, lúa ở khu Nước Hai, xã Cúc Đường, đảng viên Hoàng Văn Tài ngồi trò chuyện với chúng tôi một cách hào hứng về hành trình hạ sơn của gia đình mình và một số hộ đồng bào Mông ở Mỏ Chì khác. Anh vào chuyện: Sau nhiều đêm suy nghĩ tôi thấy dù có cố gắng đến mấy thì ở trên núi cao cuộc sống cũng không thể khá được vì Nhà nước không thể bỏ ra cả núi tiền làm đường giao thông, điện lưới và các công trình hạ tầng khác phục vụ cho vài chục hộ dân. Nghĩ vậy, tôi đã đến khu vực Nước Hai này tìm hiểu, thấy đất bằng phẳng, có nguồn nước, gần đường giao thông, phía trên có đường điện lưới chạy qua, giá đất sản xuất lại không quá đắt. Sau chuyến khảo sát đó, tôi tổ chức một cuộc họp bàn chuyện hạ sơn với một số người già trong bản và đồng chí phó bản Lý Văn Día nhưng ai cũng lo lắng và từ chối vì cho rằng tập quán sinh hoạt, sản xuất của người Mông ở trên núi cao, có rừng mênh mông để sống, giờ hạ sơn lấy đất đâu sản xuất, cuộc sống bí bó lắm! Không nhận được sự đồng tình nhưng tôi vẫn quyết định hạ sơn, để có tiền mua đất tôi đã bán 3 con bò và căn nhà gia đình đang ở, cộng thêm số tiền tiết kiệm từ trước tổng cộng được 18 triệu đồng. Xuống Nước Hai, tôi dựng tạm căn nhà lá, số tiền mang theo mua trên 2 mẫu đất, một số đồ dùng khác và khai phá thêm được gần một mẫu đất nữa. Ơn trời năm đó thời tiết mưa thuận nên gia đình tôi thu được gần 5 tấn ngô, thóc, cộng thêm tiền bán gà, lợn do vậy cuộc sống nhanh chóng ổn định!

 

Cái thuận khi hạ sơn có nhiều nhưng điều day dứt đối với Hoàng Văn Tài cũng không ít và qua lời anh được biết sự kiện anh xuống núi khiến người dân trong bản nghi ngại, lo lắng, vợ anh-chị Lý Thị Dê cũng u sầu về quyết định đột ngột của chồng. Một số người dân trong xã còn bàn tán, đặt câu hỏi tại sao đang là trưởng bản lại bỏ dân để hạ sơn? Trong cuộc họp của Chi bộ Trung Sơn (chi bộ anh Tài sinh hoạt ghép từ khi được kết nạp) cấp uỷ đã yêu cầu anh phải làm rõ nguyên nhân tại sao là đang viên, cấp uỷ phụ trách khu vực Mỏ Chì lại bỏ bà con để xuống núi. Lời giải trình của anh Tài với tổ chức rất ngắn gọn: Tôi muốn cuộc sống gia đình no ấm hơn và là tấm gương để thay đổi tập quán du canh, du cư của đồng bào Mông. Trước tổ chức anh thẳng thắn trình bày suy nghĩ của mình và các đồng chí trong chi bộ khi nghe ra đã hiểu tâm tư nên đều động viên anh nhưng đêm về anh lại nghĩ phải chăng mình đang chạy trốn? Tự vấn rồi anh lại tự trả lời rằng mình đang đi đúng đường và điều phải làm là cần cố gắng để thành công, tạo niềm tin cho người thân và các hộ dân khác trong bản. Xuống núi được nửa năm, anh Tài đã làm đơn xin thôi giữ chức trưởng bản vì lý do khoảng cách từ Nước Hai đến Mỏ Chì dài gần 3km nên anh không thể thường xuyên có mặt tại bản để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con. Chính quyền xã Cúc Đường chấp thuận nhưng đảng viên Hoàng Văn Tài vẫn đảm trách chức vụ cấp uỷ của Chi bộ Trung Sơn phụ trách khu vực Mỏ Chì, Nước Hai.

 

Thấy anh Tài hạ sơn làm ăn thuận lợi nên ngay cuối năm 2006 đã có thêm 4 hộ xuống núi theo và đến giờ đã có 24 hộ hạ sơn tạo thành một cụm dân cư ở khu vực Nước Hai. Những hộ dân khi di cư xuống khu vực Nước Hai đã mua lại đất của một số hộ dân ở xóm Trung Sơn, khai phá thêm đất bãi ven suối Goong Then để trồng trọt và phát triển chăn nuôi nên không còn lo đói và họ đều thừa nhận hạ sơn cuộc sống thuận lợi hơn ở trên núi rất nhiều.

 

Tuy nhiên, niềm vui khi bà con đồng bào Mông về ở Nước Hai sẽ nhiều hơn nếu Nhà nước giúp đỡ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Anh  Lý Văn Mình cho biết: “Giờ chúng tôi chỉ mơ ước Nhà nước đầu tư xây dựng một công trình thuỷ lợi nhỏ giúp bà con ở đây có thể cấy lúa được cả 2 vụ trong năm, hạ thế đường điện để có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất...!”. "Việc hạ sơn của một số hộ đồng bào Mông ở Mỏ Chì là điều cấp uỷ, chính quyền xã rất khích lệ nhưng vì điều kiện ngân sách eo hẹp nên chưa có gì hỗ trợ bà con. Tính ra số tiền đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi ở Nước Hai chỉ hết khoảng 200 triệu đồng, đường điện cao thế đã qua ngay nóc nhà của các hộ nên việc đưa điện về cho bà con sử dụng cũng không quá khó nếu được cấp trên quan tâm. Anh Lương Quốc Thuỵ, Phó Chủ tịch UBND xã Cúc Đường bộc bạch khi trao đổi với chúng tôi về chuyện hạ sơn của các hộ dân ở Mỏ Chì. 

 

Hạ sơn xuống khu vực Nước Hai là điều nhiều hộ đồng bào Mông ở Mỏ Chì đang mong muốn nhưng do quỹ đất ở đây có hạn và giá đất sản xuất giờ lên tới 10 triệu đồng/ sào nên chuyện hạ sơn của các hộ còn lại quả không dễ. Hạ sơn được là điều tốt, xong ở lại cũng không phải không có cơ hội phát triển được bởi theo anh Tài và tân trưởng bản Lý Văn Día thì số hộ còn ở lại Mỏ Chì kinh tế cũng đã dần ổn định vì phong trào trồng cỏ nuôi bò, trồng cây công nghiệp lấy gỗ đang mang lại hiệu quả. Khó khăn chưa qua, song đồng bào Mông ở Nước Hai, Mỏ Chì đang nỗ lực từng ngày để đẩy cái đói nghèo, lạc hậu lại phía sau, mở ra hướng đi mới để mạng lại sự no đủ, ổn định dài lâu.