Người tiêu dùng vẫn chưa hết lo

11:08, 28/09/2008

Sau đợt kiểm tra, Đoàn kiểm tra chưa phát hiện sữa, các sản phẩm có thành phần từ sữa nguồn gốc Trung Quốc trên thị trường Thái Nguyên. Nhưng, theo Ông Dương Văn Thắng, Chánh Thanh tra Sở Y tế: Tuy chưa phát hiện ra sữa, các sản phẩm có thành phần sữa nguồn gốc Trung Quốc, thế nhưng không ai có thể khẳng định là không có.

Chúng tôi tìm gặp lãnh đạo Chi cục Quản lý Thị trường - Cơ quan Trường trực Ban chỉ đạo 127 của tỉnh. Tại đây, đồng chí Nguyễn Tiến Hoàn, Phó Chi cục trưởng cho biết: Chúng tôi đã liên hệ với Sở Y tế thành lập đội liên ngành của tỉnh; chỉ đạo các đội nghiệp vụ, phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố, thị xã  tiến hành kiểm tra đột xuất một số cơ sở kinh doanh sữa, sản xuất các sản phẩm có thành phần sữa nguồn gốc Trung Quốc…

 

Biết được kế hoạch kiểm tra của Đoàn liên ngành, chúng tôi đề nghị với đồng chí Chi cục phó được đi theo.Và như vậy, chúng tôi đã trở thành "thành viên" của Đoàn truy tìm sữa, các sản phẩm có thành phần từ sữa nguồn gốc Trung Quốc trên thị trường Thái Nguyên.

 

Ngày thứ nhất (25-9), chúng tôi đến cơ sở sản xuất bánh ngọt Hương Tràm, tổ 19, Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên. Tại đây, chủ cơ sở Nguyễn Thanh Nhàn đi vắng, các nhân viên của cơ sở bảo phải đợi 15 phút để gọi về. Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi lên tầng hai - nơi công nhân sản xuất bánh ngọt đang làm việc. Thấy chúng tôi chụp ảnh, ghi hình, một số công nhân đã vội vàng thu dọn các dụng cụ, bao gói, thau chậu… Điều mà chúng tôi thấy là các công nhân trong quá trình sản xuất bánh ngọt đều không đeo găng tay, có người đeo khẩu trang, người không; vị trí sản xuất mặc dù ở tầng hai, nhưng vẫn ẩm thấp, do nước thải đổ ra.

 

Khi chủ cơ sở về, dẫn chúng tôi đi kiểm tra kho hàng, thì không phát hiện ra sữa. Các thành viên trong Đoàn quyết định kiểm tra thật kỹ thì thấy có một xô nhỏ, đang chứa khoảng trên 1kg sữa bột. Hỏi về xô sữa này, các công nhân cho biết, đây là sữa bột, được đổ từ bao ra xô. Đó là lượng sữa "cuối cùng" mà cơ sở còn để sản xuất bánh gọt.

 

Qua kiểm tra sổ sách hóa đơn đầu vào, thì Đoàn đánh giá bình quân một tháng cơ sở tiêu thụ khoảng 100kg sữa. Tuy vậy, trên hóa đơn đầu vào  ở mục chủng loại chỉ ghi hai từ đơn giản "sữa bột" hoặc "sữa béo" hoặc "sữa ba bò"… mà không ghi rõ nguồn gốc từ đâu? Chủ cơ sở Nguyễn Thanh Nhàn giải thích: "Loại sữa bột đó được nhập từ Công ty TNHH Long Quang - Hà Nội. Còn chất lượng, nguồn gốc từ đâu thì… xin các anh xem xét".

 

Tại một cơ sở sản xuất lớn như vậy, nhưng khi Đoàn kiểm tra đến lại chỉ phát hiện còn hơn 1kg sữa? Chủ cơ sở chưa chứng minh được nguồn gốc sữa? Thế nhưng, điều lạ là Đoàn liên ngành lại không đưa chi tiết đó vào biên bản, với lý do còn quá ít sữa!

 

Sau cơ sở sản xuất bánh gọt Hương Tràm, Đoàn đến kiểm tra Siêu thị Minh Cầu. Tại Siêu thị kinh doanh rất nhiều loại sữa, các sản phẩm có thành phần sữa, nhưng đoàn cũng không phát hiện thấy có sữa, các sản phẩm có thành phần từ sữa nguồn gốc Trung Quốc.

 

Ngày thứ hai (26-9), chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến cửa hàng tự chọn Tuyết Thuỷ, số 124, đường Lương Ngọc Quyến, T.P Thái Nguyên và Chợ Thái. Đây là những cơ sở kinh doanh đa dạng các loại hàng hóa, trong đó có tới gần 20 loại sữa. Chủ cửa hàng tự chọn Tuyết Thuỷ, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, cho biết: "Cửa hàng hoàn toàn không bán sữa Trung Quốc mà chỉ bán các loại sữa có nguồn gốc từ Mỹ, Úc, New zeland… Còn các sản phẩm có thành phần từ sữa thì nhiều, nhưng làm sao tôi biết được nguồn gốc từ đâu!".

 

Trong quá trình kiểm tra tại cửa hàng, Đoàn nhận thấy loại sữa hộp nhãn hiệu Ancomilk có hình ảnh giống nhau, nhưng do hai cơ sở sản xuất khác nhau: Ở xã Thuận Thành - huyện Phổ Yên - tỉnh Thái Nguyên và Nhà máy sữa Nutifood, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Theo địa chỉ này, chúng tôi về Công ty cổ phần ELOVI Việt Nam, có trụ sở sản xuất tại Thuận Thành, Phổ Yên, Thái Nguyên. Tại đây, ông Nguyễn Thế Ngọc, Phó Giám đốc Công ty cho biết: "Đó là sản phẩm sữa của Tập đoàn ANCO, được Công ty gia công thuê, nên phải ghi địa chỉ sản xuất ở Thuận Thành, Phổ Yên, Thái Nguyên. Còn thực tế tại Khu công nghiệp phía Nam huyện Phổ Yên chỉ có duy nhất một cơ sở sản xuất sữa của chúng tôi. Thương hiệu ELOVI Việt Nam đã có uy tín trên thị trường, nên trong quá trình sản xuất, chúng tôi chỉ nhập sữa từ Mỹ và New zeland, hoàn toàn không nhập sữa từ Trung Quốc".

 

Sau hai ngày, Đoàn kiểm tra chưa phát hiện sữa, các sản phẩm có thành phần từ sữa nguồn gốc Trung Quốc trên thị trường Thái Nguyên.. Ông Dương Văn Thắng, Chánh Thanh tra Sở Y tế khẳng định: "Hiện nay, con đường của sữa, các sản phẩm có thành phần sữa nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam rất phức tạp, ngoài đường chính ngạch, còn có những luồng sữa nhập lậu trái phép. Thế nên, công tác kiểm tra, quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Trên thị trường Thái Nguyên, tuy chưa phát hiện ra sữa, các sản phẩm có thành phần sữa nguồn gốc Trung Quốc, thế nhưng không ai có thể khẳng định là không có".

 

Theo những gì mà ông Thắng cho biết, thì có nghĩa là người tiêu dùng chưa hết lo! Chúng tôi thấy, vấn đề ở chỗ, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương vào cuộc truy tìm như thế nào? Trước mắt, khi mà chưa phát hiện được sữa, các sản phẩm có thành phần từ sữa nguồn gốc Trung Quốc bị nhiễm melamine thì người tiêu dùng cần nâng cao ý thức khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, nhất việc lựa chọn hàng hóa nguồn gốc Trung Quốc.