Nơi ấy Ba Vũng Tân Cương

10:02, 11/09/2008

Ba Vũng - Tân Thái nghe vừa quen vừa lạ, vừa gần vừa xa. Quen và gần bởi vì đây là một miền đất chỉ cách trung tâm xã có gần 3km đường chim bay. Đứng ở bên này dốc Trùm Ty, có thể nhìn được toàn bộ bầu trời Ba Vũng. Xa và lạ bởi đây là vùng đất ít người đặt chân tới và muốn đến đây phải mất hàng giờ lội suối, vượt đèo bằng xe máy phân khối lớn.  

Một Ba vũng của những số không...

 

Ba vũng- cái tên xóm xa nhất của xã Tân Cương- thành phố Thái Nguyên có từ bao giờ, không ai nhớ. Thế hệ sau và những ai đặt chân đến mảnh đất đầy gian khó này muốn tìm hiểu, đều được giải thích rằng: Dòng suối uốn lượn chảy từ chân dãy Tam Đảo ra, khi đến vùng này do mưa nguồn, nước lũ từ năm này qua năm khác đã tạo ra những hố nước lớn trước khi đổ ra đập Nghềnh Chè, thế rồi dân đến lập nghiệp cứ quen gọi là xóm Ba Vũng, sau này đổi tên là Tân Thái.

 

Ba Vũng - Tân Thái nghe vừa quen vừa lạ, vừa gần vừa xa. Quen và gần bởi vì đây là một miền đất chỉ cách trung tâm xã có gần 3km đường chim bay. Đứng ở bên này dốc Trùm Ty, có thể nhìn được toàn bộ bầu trời Ba Vũng. Xa và lạ bởi đây là vùng đất ít người đặt chân tới và muốn đến đây phải mất hàng giờ lội suối, vượt đèo bằng xe máy phân khối lớn.

 

Lần đầu tiên tôi đặt chân lên xóm Ba Vũng này vào năm 1993, khi theo đoàn cán bộ của thành phố Thái Nguyên vào chúc tết nhân dân. Ba Vũng ngày ấy hiện ra trước mắt tôi là ngút ngàn cỏ tranh lau lách. Khi đó, cả xóm mới chỉ có trên 20 nóc nhà tranh và hơn 100 nhân khẩu. Dân ở đây chủ yếu là bà con Thái Bình, Nam Hà và nhiều nơi khác đi xây dựng vùng kinh tế mới hoặc từ lòng hồ Núi Cốc và lòng hồ Ghềnh Chè lên lập nghiệp. Cả xóm với chu vi 3km vuông, nằm gọn trong một thung lũng được bao bọc bởi bốn bề núi cao hiểm trở thuộc dãy núi Tam Đảo, gần như cách biệt hoàn toàn với xã hội bên ngoài. Đường vào xóm duy nhất là một lối mòn treo leo, vắt qua các ngọn đồi trọc để nối với xóm Soi Vàng, Tân Cương. Chúng tôi đã chứng kiến một xóm toàn là những con số không: Không một mét đường; không xe đạp, không xe máy; không tivi; không điện thoại; không điện thắp sáng; không trường học; không một ngôi nhà cấp bốn và không một cháu nào học qua hết cấp 2.

 

Có thể nói đây là một xóm cực nghèo của xã Tân Cương thời đó. Lần ấy lãnh đạo thành phố đã quyết định tặng cho xóm một máy phát điện; một tủ sách học sinh; một lớp ghép cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 và quyết định đầu tư mở con đường lâm nghiệp dài hơn 4km nối Tân Thái với bờ phải Sông Công để từ đây mong Tân Thái sẽ thoát nghèo.

 

Một Ba Vũng đang hồi sinh nhưng...

Tháng 8 năm 2008, tôi trở lại Ba Vũng. Lần này, với cương vị là Giám đốc Đài TT-TH, tôi đem theo một chủ trương của lãnh đạo thành phố lắp đặt tặng cho xóm một cụm truyền thanh không dây với 4 loa công suất lớn. Đồng chí chủ tịch xã Nguyễn Thị Học cho biết, trận mưa của cơn bão số 4 đã phá nát đường vào, đang phải tu sửa lại chưa chắc xe máy đã đi được. Biết vậy, nhưng sự thôi thúc đến với vùng sâu vùng xa nên anh em tôi vẫn quyết tâm đi. Đưa đường và đón chúng tôi là Trưởng xóm kiêm Trưởng Ban mặt trận và kiêm cộng tác viên dân số Vũ Đức Viên.

 

 Năm nay Viên mới 26 tuổi và là người duy nhất của xóm đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh nhiều năm. Thi Đại Học Y không đỗ, Viên đã theo học một trường trung cấp kỹ thuật. Với lực học giỏi Viên được giữ lại làm giáo viên của trường nhưng năm 2007 anh đã quyết định trở về xây dựng quê hương. Thấy chúng tôi đi xe máy Viên ái ngại. Hiểu ý, tôi bảo cứ đi, chỗ nào đi được thì đi xe máy, chỗ nào không được thì ta đi bộ. Nói thì nói vậy nhưng thực tình tôi vẫn rất lo vì chưa biết điều gì sẽ sảy ra ở phía trước. Cuộc thử sức bắt đầu. Ngược dốc Trùm Ty rẽ trái xe cứ số 1 số 2 mà gài. Vượt dốc lên đèo mặt cứ ngửa lên nhìn trời, xe chồm lên đá mà tiến, hai chân luôn luôn phải dang ra làm chân chống. Xuống dốc thì toàn thân đè lên phanh chân, bóp hết cỡ phanh tay mà xe vẫn ào ào lao xuống.

 

Sau một tiếng đồng hồ vượt đèo lội suối, đoàn đã vào đến trung tâm xóm. Thấy tôi quần sắn "móng lợn" phóng xe máy vào, ông Trần Xuân Thiết, nguyên Trưởng ban mặt trận xóm trầm trồ khen "giám đốc giỏi đấy". Còn tôi, đây là lần đầu tiên tôi có một chuyến đi lịch sử như thế này. Ông Thiết bảo, kỳ trước có đoàn cán bộ khuyến nông vào đây khi trở ra có người không dám tự lái xe ra mà phải nhờ xóm đưa ra hộ.

 

Suốt cả chặng đường vào Tân Thái hôm nay, trong tôi vẫn luôn ám ảnh về những con số không của Ba Vũng 15 năm trước. Thậm chí, những ấn tượng về Ba Vũng ngày ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí, khiến tôi không thể tự hình dung nổi sự thay đổi của nó sẽ như thế nào. Khi lên đến đỉnh dốc Bồ Đề, một mầu xanh bạt ngàn của Keo Tai Tượng sắp được khai thác ẩn hiện giữa những làn mây bạc, trải dài tới tận chân dãy Tam Đảo. Với tâm trạng đầy hứng khởi, tôi đứng dụi mắt và định thần nhìn kỹ, dưới thung sâu thấp thoáng những ngôi nhà lợp ngói đỏ nằm giữa những đồi chè xanh mướt… Ba Vũng đổi thay nhiều quá- cảm xúc trong tôi trào dâng… Đón tiếp chúng tôi có đủ lãnh đạo xóm, Bí thư chi bộ Mạch Trí Thanh, Trưởng Ban mặt trận kiêm Trưởng xóm Vũ Đức Viên, phó xóm Trần Xuân Từ... Qua tâm sự của các anh tôi được biết dẫu rằng chưa giàu có nhưng Tân Thái đã có sự đổi thay. Các anh bảo, từ khi thành phố cho con đường tới nay Tân Thái đã khá lên rất nhiều. Với thế mạnh là rừng và chè, nay cả xóm đã có tới 50% gia đình có nhà ngói, 40% có xe máy, 90% có tivi; 30% số hộ có mức sống khá, đã có 4 con em học hết trung học phổ thông.

 

Trong câu chuyện giữa chủ và khách, tôi hỏi Bí thư chi bộ Mạch Trí Thanh về công tác xây dựng Đảng, anh cho biết, hiện chi bộ chỉ có 3 đảng viên, từ trước đến nay chưa kết nạp được một đảng viên nào. Tôi hỏi lý do, thì bí thư nói trong ái ngại: Anh biết đấy toàn là đảng viên già, nên các đồng chí ấy rất khắt khe và ngại làm thủ tục kết nạp Đảng, nhất là khâu xác minh lý lịch. Tôi bảo đó là trước đây, còn bây giờ thì sao? Bí thư Thanh cười và chỉ tay về các cán bộ trẻ của xóm nói: Em là bộ đội mới nghỉ hưu và mới nhận chức Bí thư, nhưng em tin là tới đây chi bộ sẽ phát triển được đảng viên và nhất định chúng em sẽ đưa Tân Thái đi lên. Tiếp lời Bí thư, Vũ Đức Viên tâm sự: Cháu được đi nhiều nơi, họ còn khó hơn đây rất nhiều, tại sao họ vẫn làm giàu được. Tân Thái chúng cháu có rất nhiều thế mạnh sao lại chịu nghèo? Nghĩ vậy nên cháu không đi thoát ly mà quyết định ở lại xây dựng quê hương. Tân Thái phải giàu có- Viên khẳng định. Tôi tin các anh và thầm mong tâm nguyện đó sớm thành hiện thực…

 

Đúng dịp kỷ niệm 63 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh ngày 2/9, trạm truyền thanh với 4 loa công suất lớn (quà tặng của thành phố Thái Nguyên) đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng. Tiếng nói của Đảng Nhà nước đã đến với vùng sâu, vùng xa. Nghĩ vậy chúng tôi rất vui vì đã làm được một việc hết sức có ý nghĩa. Trở về thành phố, trong tôi cứ nặng trĩu về  "ba điều ước" của nhân dân Tân Thái. Ước được Nhà nước đầu tư để nâng cấp con đường thành đường bê tông hoặc rải nhựa, vì theo nhân dân ở đây nói có đường là sẽ có tất cả. Ước gì được mua điện của Nhà nước như các nơi khác chứ mua như bây giờ 1.800 đ/một số điện thì đã nghèo lại càng nghèo thêm vì dùng điện. Ước gì  con trẻ đến trường mà không phải đốt đuốc, đi bộ từ 4 giờ sáng vượt 6km đường đèo đến lớp như hiện nay. Những điều ước nghe mà đắng đót mà chạnh lòng. Nhưng tôi vẫn nhận thấy, trong ánh mắt những con người nơi đây đang cháy sáng một niềm tin…