Ngày 28/9, đoàn thanh tra liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) Bộ Y tế đã đến kiểm tra Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thương mại và chế biến thực phẩm Minh Hoa (Lô 7-5 khu công nghiệp Hà Nội, Đài Tư - 386 Nguyễn Văn Linh, Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội).
Tại đây, đoàn kiểm tra đã được lãnh đạo công ty thông báo trong tháng 7/2008, Công ty đã nhập về 10 tấn bột sữa Danno của Công ty Danou, An Huy, Trung Quốc. Tuy nhiên, số sữa này đã sử dụng hết 3,2 tấn vào làm các loại kem. Đến nay, trong kho còn khoảng 32 bao, tương đương với 800 kg chưa sử dụng đến.
Trước thông tin về chất melamine, công ty đã dừng sử dụng các sản phẩm bột sữa này, đồng thời lấy mẫu gửi Trung tâm Y tế dự phòng thành phố để chuyển Viện Dinh dưỡng Quốc gia làm xét nghiệm. Thay vào đó, Cty đã sử dụng bột sữa nguyên kem của New Zeland để tiếp tục sản xuất.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện trong kho 1 bao bột sữa của Trung Quốc. Trên bao bì có ghi nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam là Công ty cổ phần XNK nông lâm sản thực phẩm Đông Nam Á (số 2, ngõ 107/3 đường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội). Đại diện của Chi cục quản lý thị trường thành phố cho biết, trong lần kiểm tra trước đây đã không tìm thấy Công ty Đông Nam Á cũng như các sản phẩm sữa bột mà Công ty này đã cung cấp ra thị trường Việt Nam.
Lãnh đạo công ty cho biết, đây là sản phẩm "đối tác gửi". Công ty Minh Hoa đã xuất trình được đầy đủ các giấy tờ nhập khẩu đối với 4 tấn bột sữa Danno. Đoàn kiểm tra cũng đã đối chiếu và đưa ra kết luận 2 loại sữa bột có trong kho của Công ty đều không thuộc danh mục 22 loại sữa của Trung Quốc đã nhiễm melamine.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy 2 mẫu sữa đối với bột sữa nguyên kem của hãng Danno và bột sữa của Công ty cổ phần XNK nông lâm sản thực phẩm Đông Nam Á phân phối.
TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Công ty tạm dừng việc sử dụng các mẫu sữa của Trung Quốc vào sản xuất kem, trong khi chờ kết quả xét nghiệm các mẫu sữa sẽ có trong tuần tới.
Đồng thời, ông Tuấn cũng yêu cầu lãnh đạo Cty Minh Hoa trong sáng 29/9 phải đem toàn bộ chứng từ, hồ sơ mua bán các nguyên liệu sữa bột của New Zeland tới làm việc với Sở Y tế.
Sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng
Trước tình hình sữa Trung Quốc có chứa chất melamine, ngày 28/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã có công văn số 6696 /BYT-ATTP gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các sản phẩm sữa.
Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tập trung thông tin, tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu đúng, chính xác về vụ việc một số sản phẩm sữa của Trung Quốc có chứa chất melamine; cần thông báo rõ rằng hiện tại, trên thị trường Việt Nam mới phát hiện một số sản phẩm sữa của Trung Quốc có chứa chất melamine và đã được các cơ quan chức năng, nhà nhập khẩu thu hồi triệt để để tiêu huỷ.
Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng chỉ sử dụng các loại thực phẩm nói chung, trong đó có các sản phẩm sữa có nguồn gốc xuất xứ, có nhãn mác theo đúng quy định; tên, địa chỉ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, hạn sử dụng,... phải được ghi đầy đủ, rõ ràng theo quy định. Cũng cần nhận mạnh rằng: không phải tất cả các sản phẩm sữa đang lưu thông trên thị trường Việt Nam (bao gồm sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu) đều có nguy cơ chứa chất melamine; người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn và tiếp tục sử dụng các sản phẩm sữa theo khuyến cáo nêu trên để bảo đảm chế độ dinh dưỡng và sức khoẻ cho bản thân, gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em.
Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục tuyên truyền việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu của trẻ và tiếp tục cho bú song song với việc cho trẻ ăn thức ăn bổ sung dinh dưỡng thích hợp cho tới hai tuổi.
Các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra thị trường sữa Việt Nam. Các cơ quan chức năng sẽ thông báo ngay lập tức trên các phương tiện thông tin đại chúng nếu phát hiện các sản phẩm thực phẩm có chứa chất melamine và công khai tên của sản phẩm, tên của nhà nhập khẩu/sản xuất và phân phối sản phẩm sữa để cảnh báo cho người tiêu dùng.
Việc thông tin, tuyên truyền cần có nội dung chính xác, khách quan, kịp thời, thời lượng phù hợp... với mục tiêu hàng đầu là bảo vệ quyền lợi.