Thư trung thu của Bác Hồ từ Thủ đô gió ngàn

10:22, 13/09/2008

Sinh thời, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta luôn dành tình cảm đặc biệt cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Vào dịp khai giảng năm học, ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, Bác thường có thư, làm thơ, gửi tới các cháu những tình cảm yêu thương đằm thắm cùng những lời dạy của người ông đối với đàn cháu nhỏ.

Bài thơ đầu tiên Bác gửi cho các cháu thiếu niên nhi đồng vào năm 1941, khi đất nước còn chìm trong cảnh nô lệ lầm than, Bác đã thương yêu các cháu và ví:

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan

 Bác mong mỏi và tin tưởng:

Bao giờ đánh đuổi giặc Tây

                        Trẻ em ta sẽ là bày con cưng.

          Vào dịp Tết Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, ngày 15/9/1945 Bác Hồ dã có “Thư gửi các cháu thiếu nhi Việt Nam”:

            “ Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do và các cháu đã trở thành những người tiểu chủ nhân của một nước độc lập.

            Hôm nay các cháu tha hồ vui chơi cho thoả chí, ngày mai mong các cháu ra sức học tập ( tất cả các cháu đã biết chữ quốc ngữ chưa, cháu nào chưa biết thì phải học cho biết) phải siêng tập thể dục thể thao cho mình mảy được nở nang”

   

       Không bao lâu sau Tết Trung thu độc lập, thực dân Pháp đã cho quân gây hấn và xâm lược nước ta một lần nữa. Kháng chiến Toàn quốc bùng nổ. Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã rời Thủ đô Hà Nội lên ATK chiến khu Việt Bắc để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

           

Năm 1948, Sau cuộc tấn công lên chiến khu Việt Bắc bị tổn thất nặng nề, thực dân Pháp vẫn còn cụm lại tại thị xã Bắc Kạn và một số điểm ở biên giới. Công cuộc kháng chiến của nhân dân ta còn nhiều khó khăn gian khổ. Tết Trung thu năm ấy từ vùng rừng núi Phú Đình của ATK Định Hoá, Bác Hồ đã gửi thư cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Với lời lẽ rắn rỏi và đanh thép, Bác đã mang đến cho các cháu cùng mọi người ý chí và niềm tin sắt đá vào công cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Trong thư  Bác viết:

 

“ Mặc dù giặc Tây độc ác, chúng quyết không thể ngăn trở trăng thu vừa đẹp vừa tròn; Mặc dù giặc Tây hung tàn, chúng quyết không thể ngăn trở các cháu vui tươi và hăng hái; Mặc dù giặc Tây bạo ngược, chúng quyết không thể ngăn trở chúng ta kháng chiến thắng lợi, thống nhất và độc lập thành công”.

 

Theo lời Bác dạy, các cháu thiếu nhi cả nước đã hăng hái thi đua học tập và tham gia kháng chiến, nên lập được nhiều thành tích và tiến bộ. Tết Trung thu 1949, cũng từ ATK Chiến khu Việt Bắc; Bác Hồ có thư  gửi các cháu thiếu niên nhi đồng cả nước, Bác kịp thời động viên khen ngợi:

 

 “ Các cháu tiến bộ hơn năm ngoái” về mặt “thi đua học hành” và cả về  mặt “tham gia kháng chiến”.

 

Chiến thắng biên giới Thu-Đông 1950, thế địch phong toả bao vây căn cứ địa Việt Bắc đã bị phá vỡ. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã bước sang thời kì phát triển mới với nhiều thắng lợi to lớn hơn. 

Trung thu năm 1951, trong lán Tỉn Keo giữa núi rừng Phú Đình Định Hoá, Bác Hồ thanh thản ngồi ngắm trăng thu. Bác vẫn nhớ tới các cháu, Bác làm thơ để gửi tới các cháu nhi đồng và mở đầu với 4 câu thơ đầy xúc động

                        “Trung thu trăng sáng như gương

                        Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng

                        Sau đây Bác viết mấy dòng

                        Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”

Với hai từ “nhớ nhung” Bác muốn thể hiện tấm lòng luôn nhớ và nghĩ đến các cháu một cách da diết khôn nguôi. Ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã bao lần ngắm “cảnh khuya” ngắm vầng trăng soi “lồng lộng” và tuy bận “bàn bạc việc quân” và  phải “lo nỗi nước nhà” nhưng bác vẫn da diết “nhớ thương nhi đồng”.

           

Sau chiến thắng Hoà Bình (Đông-Xuân 1951-1952) và Tây Bắc (Thu- Đông 1952) với niềm lạc quan, trong thư Trung Thu năm 1952, sau lời căn dặn, khen ngợi và động viên các cháu, Bác Hồ kết thúc bức thư bằng những vần thơ thật chân thành tha thiết, đầy xúc động:

“ Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh/ Tính các cháu ngoan ngoãn/ Mặt các cháu xinh xinh/ Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tuỳ theo sức của mình/ Để tham gia kháng chiến/ Để gìn giữ hoà bình/ Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh”

 

Những câu thơ trên của Bác đã lắng đọng trong đáy lòng bao thế hệ thiếu niên nhi đồng từ những ngày đó tới nay và cũng từ  tình cảm đặc biệt đó, tổ chức đội thiếu nhi của nước ta được vinh dự mang tên người: Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

 

Tết Trung thu năm 1953, Tết Trung thu cuối cùng Bác Hồ ở ATK Định Hoá, Tết Trung thu năm đó Bác rất vui và phấn chấn. Trước hết Bác khen ngợi sự khôn lớn trưởng thành của các cháu qua 9 năm trường kì  kháng chiến .

Chín tết trung thu/ Tám năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng.

 

Bác gửi tình cảm yêu thương bao la của mình tới các cháu cả nước

 Thu này Bác gửi thơ chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa.

 Bác rất vui và báo cho các cháu cùng toàn dân về cuộc Kháng chiến đã gần đến thắng lợi hoàn toàn.

  Thu này hơn những thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần/ Khắp nới Nam, Bắc, Tây, Đông/ Đưa tin thắng lợi cờ hồng tung bay/ Các cháu vui thay! Bác cũng vui thay/ Thu sau so với thu này vui hơn

 

Bác Hồ đã làm cho Tết Trung thu truyền thống mang thêm ý nghĩa là “Tết thiếu nhi”. Đêm rằm Trung Thu hàng năm, tiếng trống ếch luôn rộn ràng đường phố, xóm thôn; những chiếc đèn ông sao lung linh ánh nến; những ánh mắt ngây thơ, những nụ cười hồn nhiên; những lời ca cất lên trong trẻo “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng thiếu niên nhi đồng”.