Xăng giảm giá sao taxi không giảm cước?

08:47, 18/09/2008

Giá xăng tăng lên 19.000 đồng/lít vào ngày 21-7, các hãng taxi trên toàn quốc đồng loạt tăng giá. Tuy nhiên, ở Thái Nguyên hầu hết các doanh nghiệp taxi “nhất định không chịu” tăng giá để “bảo vệ lợi ích” người tiêu dùng…!? Khi giá xăng tiếp tục giảm lần thứ 2, taxi Thái Nguyên vẫn giữ giá. Thực tế, người tiêu dùng Thái Nguyên luôn phải chịu mức cước cao hơn từ 5-10% so với Hà Nội, cá biệt có thời điểm cao hơn tới  trên 20%.

Trong thời kỳ giá giá xăng dầu không ổn định như hiện nay, việc tăng, giảm cước của các loại hình vận tải được đánh giá là phù hợp trên nguyên tắc chung nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của 3 bên: Doanh nghiệp, người tiêu dùng và người lao động. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp mượn chuyện thủ tục để kéo dài thời gian điều chỉnh giá.

 

Qua khảo sát của chúng tôi, hiện giá cước taxi ở Thái Nguyên giao động từ 13.000-20.000 đồng/km cho 3 km đầu tiên, tùy theo chất lượng xe và quy định của mỗi doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp tính giá mở cửa cụ thể từ 10.000-12.000 đồng cho 500m hoặc 1 km đầu tiên như Doanh nghiệp taxi Cường Tùng (756-756) và Công ty CP Thương mại và du lịch Hà Lan (759-759). Từ km 4 đến km 20, giá cước giao động từ 8.000 (xe Matiz) đến 14.000 đồng/km (xe đời mới từ 5-8 chỗ). Trong số 8 doanh nghiệp hoạt động vận tải taxi, chỉ có Công ty CP Thương mại và du lịch Hà Lan thông báo giá cước thay đổi theo hướng tăng và áp dụng từ ngày 23-7-2008 (sau khi giá xăng tăng kịch điểm), còn lại hầu hết vẫn áp dụng mức giá từ tháng 5-2008 như: Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Quý Đa (856-856); doanh nghiệp Cường Tùng; doanh nghiệp tư nhân Hoa Mai (758-758)…Như vậy, so với các hãng taxi Hà Nội như Vạn Xuân; Mai Linh; Hương Lúa và Thế Kỷ…với mức giá từ 8.500- 15.000 đồng/km đầu tiên, từ 7.000- 11.000 đồng/km tiếp theo tùy theo chất lượng từng loại xe thì taxi Thái Nguyên bình quân đắt hơn taxi Hà Nội từ 5-10%, cá biệt nếu so sánh thời điểm giá xăng ở mức 14.500 đồng/lít (tháng 5-2008) thì giá cước Thái Nguyên cao hơn tới trên 20%.

 

Sau khi giá xăng tăng tới 19.000 đồng/lít, các hãng taxi ở Thái Nguyên cũng nhóm họp, tuy không đạt được sự đồng thuận cao, nhưng cũng được các cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng đánh giá cao quyết tâm: “sát cánh cùng Chính phủ trong nỗ lực kiềm chế lạm phát bằng cách không tăng giá cước!” Chính vì vậy, thời điểm giá xăng giảm lần thứ 2 trong 1 tháng (hiện còn 17.000 đồng/lít), khi được phỏng vấn các doanh nghiệp tỉnh bơ: “có tăng đâu mà giảm!”…

 

Giải thích với chúng tôi về lý do giá cước taxi Thái Nguyên cao hơn bình quân, không linh hoạt tăng, giảm theo giá nhiên liệu như một số tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là so với các đô thị lớn như Hà Nội, một số giám đốc doanh nghiệp cho rằng: Đặc thù đô thị, nhu cầu di chuyển bằng taxi chưa trở thành thói quen nên lượng khách của Thái Nguyên ít, đặc biệt phải chi phí nhiên liệu đi đón khách: Nếu như các hãng taxi Hà Nội ít, hoặc không mất số km chạy xe không đón khách (do khách chủ yếu vẫy taxi dọc đường), thì ở Thái Nguyên, nhiều khi phải đón khách cách nơi đỗ xe 3-5 km, thậm chí 10 km, nhưng khách chỉ đi 1-2km, nên doanh nghiệp phải đẩy giá cước lên để bù chi phí nhiên liệu khi chạy xe không. Về việc không linh hoạt trong việc tăng, giảm giá cước cũng là do hiện nay, thủ tục kiểm định, điều chỉnh đồng hồ và dán tem giá cước mới, điều tiết lộ trình… mất rất nhiều thời gian, chi phí đi lại tốn kém. Với giá cước như hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu bù vào lương cho lái xe, lợi nhuận của doanh nghiệp không đáng kể. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều cho rằng, việc tăng giá như con dao hai lưỡi. Nếu cước quá cao, sẽ có nhiều hành khách sẽ bỏ taxi, như vậy doanh nghiệp tự lấy dao cứa vào chân mình…

 

Tại cuộc họp tại Sở Giao thông vận tải, bàn về vấn đề vận chuyển hành khách công cộng ngày 17-8 vừa qua, đại diện Sở Tài chính cho rằng: Hiện còn rất nhiều doanh nghiệp không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng theo thông tư liên bộ về kê khai giá cước vận tải. Nhiều doanh nghiệp không kê khai giá cước theo quy định với ngành Tài chính nhưng vẫn tự ý phát hành vé, nhiều doanh nghiệp khi nâng giá cước vận tải không thuyết minh được với cơ quan chức năng về các chi phí để xây dựng giá cước. Đặc biệt, hiện giá cước taxi rất phức tạp, Sở Tài chính và Cục thuế tỉnh không quản lý được! Các doanh nghiệp chỉ thông qua Sở Khoa học công nghệ làm thủ tục, xuống Hà Nội kiểm định, kẹp chì đồng hồ là xong.

 

Có thể nói, sau gần 5 năm đi vào hoạt động, 8 hãng taxi ở Thái Nguyên  ra đời với gần 100 đầu xe các loại đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, nâng cao an toàn giao thông đô thị, góp phần tạo nên diện mạo mới trong hoạt động vận tải khách công cộng trên địa bàn. Tuy nhiên, việc quản lý về giá cước, việc xây dựng ý thức ứng xử văn hóa, tập huấn về tay nghề, về chấp hành Luật Giao thông đường bộ vẫn còn buông lỏng, chưa có sự phối hợp đồng bộ. Theo chúng tôi, dù không can thiệp về giá, nhưng Sở Giao thông vận tải phải yêu cầu các doanh nghiệp taxi ký cam kết thực hiện nghiêm các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, an ninh xã hội, đồng lòng chia xẻ những khó khăn với Chính phủ, với tỉnh và người dân. Các doanh nghiệp phải cam kết thực hiện nghiêm việc đăng ký, kê khai giá cước theo quy định; tính toán tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, bình ổn về giá cước từ nay đến cuối năm, đồng thời thực hiện đầy đủ chế độ lương, bảo hiểm và ổn định đời sống vật chất cho người lao động, tránh tình trạng để xảy ra lãn công, hay đình công của các lái xe như ở Hà Nội vừa qua.