Y tế và Công an cùng vào cuộc chống sữa độc

09:23, 23/09/2008

Hai đoàn thanh tra liên ngành được thành lập để tổng kiểm tra nguồn gốc tất cả các loại sữa ngoại. Trong khi cơ quan chức năng đang ráo riết xét nghiệm mẫu sữa nghi độc, người dân bắt đầu hoang mang khi mua mặt hàng này.

Sáng qua, Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập 2 đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra đột xuất về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm sữa và sản phẩm được làm từ nguyên liệu sữa (cả trong nước và nước ngoài).

 

Thành viên các đoàn gồm: Thanh tra, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế; Cục cảnh sát môi trường, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an; Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương...

 

Ông Bùi Đức Phong, phó chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết, Bộ xác định đây là vấn đề rất nóng và cần nhanh chóng thanh kiểm tra, xác định rõ loại sữa nào đảm bảo chất lượng để người tiêu dùng yên tâm.

 

"Trước mắt, người tiêu dùng nên tránh sử dụng các sản phẩm sữa có nguồn gốc Trung Quốc và cần xem xét kỹ xuất xứ của sản phẩm bởi hàng Trung Quốc có thể không phải đến từ nước này mà còn qua các nước thứ ba khác", ông Phong nói.

 

Theo kế hoạch, quá trình thanh tra sẽ diễn ra trong 5 ngày.

 

Một thông tin khác, hôm qua, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm xác nhận với báo chí đã cấp phép lưu hành 11 sản phẩm sữa Trung Quốc trong đó có 3 loại sữa nguyên liệu, 6 loại sữa tiệt trùng và 2 loại sữa bột, trong đó có sữa YiLi (loại sữa được nhà phân phối tại Việt Nam công bố có malemine). Cục khẳng định các loại sữa Trung Quốc nhập khẩu đều có kiểm định chất lượng hàm lượng. Việc sữa lưu hành ra thị trường bị kém chất lượng có thể do gian lận.

 

Còn theo Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 TP HCM, nơi kiểm nghiệm và cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu nhập khẩu cho sữa YiLi, tại thời điểm xét nghiệm, chất melamine chưa được đưa vào danh mục kiểm tra.

 

Trước thông tin về việc Việt Nam chưa có đủ khả năng xét nghiệm chất melamine, bà Lê Hồng Hảo, Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm, Viện Dinh dưỡng, đơn vị trực tiếp kiểm nghiệm, cho biết: "Việt Nam đã có đủ cả công nghệ lẫn hóa chất để phát hiện ra chất này".

 

Theo tiết lộ của một cựu quan chức y tế, hiện nay Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về hàm lượng melamine trong sữa. Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Lâm, Viện phó viện Dinh dưỡng, thì với các chất bị cấm, chỉ một lượng rất nhỏ cũng không được sử dụng.

 

Hiện Viện Dinh dưỡng mới xét nghiệm được khoảng một nửa trong số 21 mẫu sữa mà thanh tra Bộ Y tế đã thu hồi. Theo Viện này 3 ngày nữa sẽ có kết quả xét nghiệm toàn bộ số mẫu trên.

 

Cũng trong chiều qua, Sở Y tế TP HCM có công văn gửi đến tất cả các giám đốc bệnh viện trong toàn thành phố nhanh chóng chỉ đạo các nhân viên y tế trong quá trình khám chữa bệnh cho trẻ phải chú ý khai thác tiền sử bệnh sử về việc sử dụng sữa, đặc biệt là các loại sữa xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Nếu phát hiện có ca nghi ngờ nhiễm bệnh liên quan đến sữa, phái báo cáo ngay với Sở Y tế để có hướng xử lý.

 

Giám đốc Sở Y tế TP HCM cũng đồng thời ký công văn gửi đến Sở Giáo dục đào tạo yêu cầu tăng cường chỉ đạo việc giám sát sữa tại các trường học, đặc biệt là trường mầm non.

 

Theo Sở Y tế, trong thời điểm nhạy cảm về sữa, các căng tin trường học cần rà soát lại nguồn gốc xuất xứ các loại thực phẩm có liên quan đến sữa và chỉ dùng sản phẩm của những công ty có chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, nhà trường cũng nên khuyến cáo phụ huynh tính nguy hại của sữa không rõ nguồn gốc.

 

Mấy ngày nay nhiều bậc phụ huynh tỏ ra bất an khi mua sữa cho con. Tại cửa hàng sữa ở Hàng Buồm (Hà Nội) trưa 23/9, cầm hai hộp sữa Nestlé dành cho trẻ trên 1 tuổi, chị Chi ở phố Quốc Tử Giám, quận Hai Bà Trưng không khỏi lo lắng: "Từ hôm biết thông tin về sữa có chất gây sỏi thận cho trẻ ở Trung Quốc nhà tôi lo lắm. Không biết sữa con mình uống có nhiễm chất đó không, có hại không. Nghe tin Việt Nam cũng có sữa Trung Quốc mà càng ngại. Nhưng con mình thì không thể không uống sữa được nên dù lo vẫn phải mua".

 

Còn anh Thành, ở Thanh Xuân, Hà Nội, có con 8 tháng tuổi thì băn khoăn ra mặt. Anh bàn với vợ, hay cho con ngừng ăn sữa một thời gian, cho ăn thêm bữa bột, cộng với việc vợ chịu khó đi về cho con bú cho đến khi các cơ quan chức năng xác định rõ sữa nào là an toàn, sữa nào không tốt.

 

Một số phụ huynh khác còn muốn mang sữa con dùng đi kiểm nghệm. "Mình thấy choáng váng về cái vụ sữa này, giờ muốn đem sữa con đang dùng đi kiểm tra không biết có được không.", một thành viên trên diễn đàn Webtretho chia sẻ.

 

Tại các cửa hàng, siêu thị, cảnh tượng các bà mẹ hỏi han nhau về việc có nên mua sữa cho con nữa hay không đã trở nên không quá hiếm.

 

Chị Nhung, nhân viên cửa hàng Toàn Thịnh cho biết, từ hôm có thông tin sữa nhiễm độc đến nay, bất cứ khách hàng nào đến mua cũng tỏ ra lo ngại và thường hỏi kỹ càng xem ở Việt Nam có loại sữa đó không, ăn các loại khác có đảm bảo không.

 

"Dù lượng người mua không giảm nhưng ai cũng tỏ ra bất an", chị Nhung nói. Chị còn cho biết thêm, nếu như trước đây, người mua chủ yếu đến là lấy luôn loại sữa quen hay chỉ nhờ người bán tư vấn loại nào phù hợp, thì nay họ hỏi rất kỹ lưỡng, xem loại sữa nào tốt, có các thành phần chất gì.

 

Tại một số đại lý bán sữa trên phố Tây Sơn, Hà Nội, tuy lượng người mua không giảm nhưng họ cũng đều thận trọng hơn.

 

Không chỉ người tiêu dùng mà ngay cả các chủ cửa hàng cũng tỏ ra thận trọng hơn. Bà Ngô Kim Hồng, chủ cửa hàng sữa ở 124 Hàng Buồm cho biết bà chuyên kinh doanh các mặt hàng sữa của các công ty có xuất xứ từ Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan. Trước đây cửa hàng cho phép khách quen đã mua có thể đổi lại hàng, nhưng nay thì không. "Tôi làm thế để phòng trường hợp hộp sữa đó họ có thể mang về xé lớp vở mỏng rồi trộn thêm chất không tốt, xong lấy keo dán lại", bà Hồng nói.

 

Cũng theo bà Hồng, giờ nếu có đi hỏi mua sữa bột bán theo cân, kể cả để làm thức ăn cho vật nuôi trong nhà thì cũng không ai dám bán.

 

Chủ đại lý sữa Dự Phấn (số 7 Bế Văn Đàn, thành phố Hà Đông, Hà Nội) thì cho biết khách hàng mấy hôm nay tỏ ra lo lắng hơn, một số khách quen đã tự động chuyển từ dùng sữa ngoại sang dùng sữa nội vì cho rằng như thế an toàn hơn.

 

Vụ bê bối sữa bắt đầu từ ngày 10/9, khi nhiều tờ báo Trung Quốc đưa tin 14 trẻ em ở tỉnh Cam Túc nhập viện do uống sữa bột của công ty Sanlu. Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra các công ty sữa trên toàn quốc và phát hiện 69 nhãn hiệu sữa của 22 công ty (trong đó có Yili) chứa melamine, một chất gây sỏi thận. Tính tới ngày 21/9, gần 53.000 trẻ em đã mắc bệnh vì uống sữa độc. Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Malaysia, Brunei đã khuyến cáo người dân không nên sử dụng sữa bột từ Trung Quốc hoặc cấm bán những sản phẩm này.