Trong cuộc đời người ta cần sự cảm thông, biết chia sẻ của mọi người trong xã hội. Triết lý bầu - bí chung giàn như lời nhắc nhở mỗi người trong cộng đồng xã hội hãy biết sống yêu thương, giúp đỡ nhau để làng xóm dần vơi đi những địa chỉ nghèo.
Chủ tịch Hội LHPN xã Cổ Lũng (Phú Lương), bà Phạm Thị Điều đã tâm sự với chúng tôi: Phong trào xoá giảm hộ nghèo có địa chỉ do chị em đứng tên chủ hộ thật chẳng khác chuyện "Nữ Oa vác đá vá trời". Gian nan lắm, hoàn cảnh chị Nguyễn Thị Ngát, xóm 9 là một điển hình. Chồng nghiện ma tuý không lao động được, một thân chị lam lũ với đồng áng để nuôi 3 con nhỏ... Trong khó khăn, Hội LHPN xã đã phân công hội viên đến giúp đỡ chị Ngát chút vốn mua giống lúa, kinh nghiệm sản xuất và chị em cùng đến giúp thêm ngày công. Liên tục trong gần 10 năm, gia đình chị Ngát mới thoát nghèo...
Để bớt đi 1 địa chỉ nghèo, giúp một gia đình hằng ngày được đỏ lửa sôi cơm, nhất là với 1 gia đình nghèo do người phụ nữ đứng tên chủ hộ - là việc rất có ý nghĩa. Chị Nguyễn Thị Nhàn, hội viên Chi hội phụ nữ xóm 9 (Cổ Lũng) mới được công nhận thoát nghèo trong năm nay đã tâm sự: Nhờ có sự gần gũi, giúp đỡ của chị em trong Chi hội, gia đình tôi mới thoát được nghèo... Nhìn nhà cửa của chị Nhàn còn sơ sài, bà Vũ Thị Tới, Chi hội trưởng cho biết: Cùng là hàng xóm nên chúng tôi có điều kiện qua lại thăm nom, giúp đỡ nhau. Cảnh chị Nhàn có chồng nghiện ma tuý, 2 con còn nhỏ, song chị em trong Chi hội đã không xa lánh, mà phân công hội viên có kinh nghiệm đến giúp chị bày cách làm ăn.
Giây lát dừng lời, bà Tới cho biết thêm: Hơn 7 năm trước, khi Chi hội quyết định cho gia đình chị Nhàn vay vốn xoá đói, giảm nghèo bằng số tiền hơn 500.000 đồng do chị em trong Chi hội xóm 9 đóng góp được, tôi lo lắm, lỡ chị Nhàn bị chồng lấy mất số tiền đó đi mua ma tuý thì mọi cố gắng của Chi hội bằng không, mà còn mất cả phong trào nữa... Sau cùng thì số tiền đó cũng được giao cho chị Nhàn, tôi và các chị em trong Chi hội đến bày cách giúp chị Nhàn mở quán bán hàng. Rất vui, chị Nhàn đã làm cho số tiền đó sinh lời. Hiện chị đã trả đủ số tiền vay của Chi hội và có vốn hàng ngày buôn bán nhỏ.
Trong phong trào giúp chị em thoát nghèo, bà Vũ Thị Tới là một trong những tấm gương điển hình của các cấp Hội Phụ nữ huyện Phú Lương. Còn tại thị trấn Giang Tiên, bà Nguyễn Thị Mùi, hội viên Chi hội phụ nữ xóm Giang Sơn cũng không ngần ngại khi được Chi hội giao nhiệm vụ giúp đỡ chị em nghèo. Bằng tấm lòng "tương thân tương ái", nhiều chị em nghèo trong Chi hội được bà đến động viên, giúp đỡ, bày cho cách làm ăn và đã thoát nghèo.
Bà Đỗ Thanh Bình, cán bộ Hội LHPN huyện Phú Lương cho biết thêm: Thông qua mô hình giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, trong 5 năm gần đây, huyện Phú Lương có hơn 2.800 lượt hội viên phụ nữ nghèo được giúp đỡ, trên 800 hội viên đã được công nhận thoát nghèo. Hiện nay, số hộ nghèo do chị em đứng tên chủ hộ còn 1.646 trường hợp, chiếm 20% trong tổng số hộ nghèo của huyện.
Cũng trong chuyến đi tìm hiểu thực tế về phong trào giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ ở Phú Lương, khi đến Yên Lạc, vào xóm Hang Leo, tôi được nghe các chị cán bộ, hội viên phụ nữ kể về hoàn cảnh của 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Thêm. Chồng đau ốm triền miên, chị Thêm phải bán nhà, bán ruộng lấy tiền chạy chữa cho anh. Bệnh hiểm, anh qua đời, 3 mẹ con ở lại không nhà cửa... Giữa lúc buồn khổ ấy, cán bộ, hội viên Hội LHPN xã Yên Lạc đã tác động với chính quyền địa phương cấp cho mẹ con chị đất ở, Hội LHPN quyên góp được 7 triệu đồng, nhân dân trong xã đóng góp thêm được 2 triệu đồng để xây tặng mẹ con chị Thêm 1 ngôi nhà. Để chị thoát nghèo, Hội tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp chị có vốn vay phát triển sản xuất, vì thế cuộc sống của mẹ con chị đã nhanh chóng ổn định. Chị Thêm cảm động cho biết: Nếu không có tổ chức Hội, không có sự giúp đỡ nhiệt tình của chị em, mẹ con tôi sẽ không biết làm gì để sinh sống.
Sự có mặt kịp thời của các cán bộ, hội viên Hội LHPN đã tiếp sức giúp đỡ những cảnh nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của từng cuộc đời. Song quan trọng hơn, bằng các hoạt động thiết thực như giúp đỡ ngày công; bày cho chị em cách làm kinh tế gia đình, cách chi tiêu trong cuộc sống và ưu tiên các hộ nghèo do phụ nữ đứng tên chủ hộ được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi; được vay vốn ngân hàng chính sách hoặc tham gia một số dự án phát triển kinh tế... nên chị em nghèo có nhiều cơ hội tiếp cận với KHKT, có điều kiện vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Qua số liệu thống kê tại Hội LHPN huyện Phú Lương cho thấy, từ năm 2002 đến nay, trung bình mỗi năm toàn huyện có gần 150 hộ nghèo do chị em đứng tên chủ hộ thoát nghèo. Để làm lên những con số ý nghĩa này, mỗi năm Hội LHPN huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng mở được khoảng 100 lớp tập huấn chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi cho trên 1.000 lượt hội viên; tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp gần 5.000 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng...