Chương trình 135 giai đoạn II: Xã làm chủ đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu

09:08, 29/10/2008

Chương trình 135 giai đoạn II sẽ giao cho UBND xã trực tiếp làm chủ đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu tại địa phương. Chủ trương này sát thực với nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, khi xã làm chủ đầu tư lại nảy sinh một số bất cập do năng lực quản lý, trình độ chuyên môn của cán bộ xã chưa đáp ứng được nhu cầu  công việc...

Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II từ năm 2006 đến nay, Thái Nguyên được Trung ương phân bổ 143,921 tỷ đồng, nhân dân các xã được hưởng lợi đóng góp trên 9,5 tỷ đồng và trên 8,6 tỷ đồng huy động từ các nguồn vốn khác. Số tiền trên đã được đầu tư cho 44 xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh để  đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ, nhân dân; hỗ trợ sản xuất và đặc biệt là đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu tại địa phương như: Đường giao thông nông thôn, trường học, công trình thuỷ lợi...Trong 3 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II đã có 168 công trình được xây dựng, 17.424 lượt người được tập huấn kiến thức về các lĩnh vực và hàng nghìn hộ nghèo được trực tiếp hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống.

 

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai Chương trình 135 giai đoạn II tại các xã trong tỉnh đã nảy sinh một số vấn đề như: Thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng cơ bản quá nhiều; yêu cầu về trình độ quản lý nguồn vốn, lập kế hoạch, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát đòi hỏi rất cao trong khi trình độ của cán bộ lại hạn chế. Điều đó đã dẫn tới: Những xã cán bộ có năng lực thì vai trò làm chủ đầu tư thể hiện rất rỏ ràng, hiệu quả nên chất lượng công trình đảm bảo, vật tư không bị thất thoát; người dân địa phương có cơ hội tìm được việc làm để nâng cao thu nhập ngay từ các công trình này; tiến độ công trình và các thủ tục thanh quyết toán được thực hiện đúng theo quy định. Ngược lại, có tới 60% số xã lúng túng khi làm chủ đầu tư, mọi thủ tục từ lập dự án, phê duyệt quyết định đầu tư, thẩm định, duyệt thiết kế, dự toán công trình, chỉ thầu...đều phải thuê hoặc nhờ cán bộ chuyên môn của huyện giúp đỡ.

 

Đồng chí Nguyễn Công Thành, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này cho biết: Chủ trương phân cấp cho UBND xã làm chủ đầu tư là hoàn toàn hợp lý vì phát huy được tính dân chủ, nhân dân trực tiếp tham gia giám sát, nguồn vốn đầu tư đúng mục đích. Nhưng thực tế thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II ở Võ Nhai cho thấy những công trình có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì không phải xã nào cũng đảm trách được vì năng lực cán bộ còn yếu trong lĩnh vực này.

 

Đồng chí Nguyễn Minh Tú, Phó phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Định Hoá lại thông tin: Dự án đào tạo cán bộ xã chưa thể thực hiện được vì không có giảng viên, dự án hỗ trợ sản xuất có số vốn nhỏ, đòi hỏi chuyên môn không cao nên 100% số xã trong huyện đã thực hiện làm chủ đầu tư. Đối với dự án xây dựng cơ bản thì trong giai đoạn từ năm 2006-2008 mới có khoảng 50% số xã đăng ký làm chủ đầu tư, riêng một số công trình đòi hỏi kỹ thuật cao như xây dựng trạm biến áp, xây dựng cầu treo thì khả năng của cấp xã chưa thể đáp ứng được và UBND huyện vẫn phải trực tiếp làm chủ đầu tư.

 

Vấn đề này sẽ còn nảy sinh những vướng mắc, khó khăn trong thời gian tới bởi mới đây Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo từ năm 2009 sẽ tăng cường phân cấp hơn nữa cho UBND xã làm chủ đầu tư các công trình từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II. Như vậy là Chủ tịch UBND của 44 xã thuộc Chương trình 135 của tỉnh sẽ phải đảm nhận vai trò làm chủ đầu tư của mình, kể cả với công trình phức tạp.

 

Để làm được việc này, các ngành liên quan của tỉnh, UBND các huyện có xã được hưởng Chương trình 135 cần tiếp tục tăng cường tập huấn nghiệp vụ về lĩnh vực này cho cán bộ xã. Đối với những công trình có số vốn lớn, kỹ thuật phức tạp các huyện nên cử cán bộ chuyên môn xuống trực tiếp giúp đỡ xã và đồng thời thực hiện kiểm tra, giám sát đề ngăn chặn nếu có sai phạm xảy ra do nguyên nhân chủ quan, khách quan khi xã làm chủ đầu tư các công trình, dự án.