Hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn Thái Nguyên thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt, việc UBND cấp xã được thực hiện chứng thực đã góp phần cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi có nhu cầu chức thực các loại văn bản, giấy tờ tuỳ thân. Tuy nhiên quá trình thực hiện lại nảy sinh một số bất cập…
Sau hơn 1 năm hoạt động, 2 phòng công chứng của Sở Tư pháp đã công chứng được 1.702 vụ việc, Phòng Tư pháp của các huyện, thành, thị chứng thực được trên 900 việc. Riêng cấp xã đã thực hiện kiểm tra bản chính để chứng thực trên 294 nghìn bản sao tiếng Việt. Hoạt động công chứng, chứng thực đã góp phần thúc đẩy các giao dịch dân sự, kinh tế của các tổ chức, cá nhân, giúp nhân dân trên địa bàn quản lý tốt văn bản, chứng chỉ, bằng cấp, giấy tờ tuy thân...
Tuy nhiên, trong hơn 1 năm thực hiện việc phân cấp hoạt động công chứng, chứng thực từ cấp tỉnh, cấp huyện xuống tới cấp xã đã nảy sinh một số vấn đề như: Hoạt động công chứng tại Phòng Công chứng số 1, Phòng Công chứng số 2 giảm tới 50% số việc, tương tự hoạt động này tại Phòng Tư pháp của 9 huyện, thành, thị cũng giảm. Nhưng ngược lại, tại một số phường, thị trấn hoạt động chứng thực lại quá tải vì nhu cầu của nhân dân tăng nhanh trong khi thiếu cán bộ tư pháp, cơ sở vật chất phục cho hoạt động này chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thực tế tìm hiểu tại các phường: Phan Đình Phùng, Đồng Quang, Trưng Vương của T.P Thái Nguyên chúng tôi thấy: Mặc dù Chủ tịch UBND các phường đã bố trí một đồng chí Phó Chủ tịch UBND thường trực làm công việc này, tăng thêm một cán bộ hợp đồng, cùng đó là yêu cầu cán bộ làm các nhiệm vụ khác cùng hỗ trợ cán bộ tư pháp hoạt động chứng thực trong tất cả các ngày làm việc và ngày thứ 7 nhưng vẫn quá tải.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Tư pháp T.P Thái Nguyên cho biết: Việc giải quyết những khó khăn trong công tác chứng thực tại thành phố đang vướng vì các phường trung tâm thì đề nghị tăng số cán bộ tư pháp lên 2 người và thêm một cán bộ hợp đồng nữa mới đảm bảo cho công tác này, nhưng tại các xã ngoại thành thì lãnh đạo UBND lại đề nghị cho rút thời gian thực hiện chứng thực xuống còn 1/2 các ngày làm việc và không trực thứ 7 vì công việc quá ít. Tại một số xã của Đại Từ, Phú Bình và Võ Nhai hoạt động chứng thực vẫn duy trì nhưng số việc không nhiều, lượng phí bình quân thu được dưới 3 triệu đồng/tháng và một cán bộ tư pháp đủ khả năng đảm nhiệm được công việc này.
Nhu cầu công chứng, chứng thực của nhân dân trên địa bàn tỉnh là lớn song không đồng đều mà chỉ tập trung tại Phòng Công chứng số 1 và các phường, thị trấn còn tại Phòng Công chứng số 2, các xã lại rất ít. Do đó, nếu chúng ta áp dụng một mô hình hoạt động giống nhau là chưa phù hợp và lãng phí mà cần sớm nghiên cứu để có giải pháp phù hợp.
Thêm một vấn đề nữa các văn bản được công chứng, chứng thực có giá trị pháp lý khi giao dịch, vì vậy, nếu hoạt động này không được giám sát chặt chẽ từ khâu kiểm tra bản gốc các loại văn bản, giấy tờ trước khi công chức hoặc quản lý, lưu giữ các bản sao không đảm bảo an toàn sẽ gây tranh chấp khi có khiếu kiện xảy ra, nhất là đối với các bản sao tiếng nước ngoài khi dịch sang tiếng Việt để công chứng. Theo đồng chí Nguyễn Hùng Tráng, Giám đốc Sở Tư pháp thì thời gian qua chưa xảy ra vụ tranh chấp dân sự, hình sự nào từ các văn bản, giấy tờ đã công chứng, chứng thực. Nhưng nếu việc quản lý bản sao không tốt để xảy ra thất lạc hoặc hoả hoạn sẽ rất phức tạp...
Từ thực tế nêu trên cho thấy việc phân cấp về mức độ trong hoạt động công chứng, chứng thực từ cấp tỉnh, cấp huyện tới cấp xã trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải cách hành chính trong hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần có sự chỉ đạo, chặt chẽ, để có thể đáp ứng được yêu cầu của nhân dân trong lĩnh vực này.