Công tác vệ sinh lao động cần được quan tâm hơn

09:36, 21/10/2008

Công tác vệ sinh lao động trong các cơ sở sản xuất công nghiệp có vai trò hết sức quan trọng, nhưng hiện nay nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên chưa thực sự quan tâm đến công tác này khiến cho môi trường lao động ngày càng bị ô nhiễm...

Thái Nguyên hiện có gần 200 doanh nghiệp hoạt động ở các ngành nghề: Đúc, luyện kim, sản xuất và phân phối năng lượng, cơ khí chế tạo, khai thác mỏ, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, dịch vụ sửa chữa… Ông Phạm Đăng Yên, Chánh Thanh tra lao động, Sở LĐTBXH tỉnh cho biết: Theo quy định của Nhà nước, những đơn vị này phải tổ chức đo đạc các yếu tố trong môi trường lao động ít nhất một năm một lần, khi các yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép theo Quyết định 505 BYT/QĐ ngày 13/4/1992 của Bộ Y tế thì phải có biện pháp khắc phục ngay hoặc nếu thấy có khả năng xảy ra sự cố bất thường, gây nguy cơ đến sức khoẻ và tính mạng của người lao động thì phải ngừng ngay hoạt động và báo cáo cho cơ quan có trách nhiệm để kiểm tra và xử lý kịp thời. Quy định này đã được triển khai đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh lao động (VSLĐ), không thực hiện đo kiểm tra môi trường lao động hàng năm và tập huấn kiến thức về VSLĐ cho công nhân. Tại một số nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng, dây truyền thiết bị quá cũ, lạc hậu, không được thay thế kịp thời, nên trong quá trình sản xuất đã phát sinh những yếu tố như: Bụi, tiếng ồn, rung, nhiệt độ, hơi khí độc...vượt quá các giá trị cho phép theo tiêu chuẩn vệ sinh lao động, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và khả năng làm việc của người lao động, là tác nhân trực tiếp gây ra các bệnh: Bụi phổi silíc nghề nghiệp, viêm phế quản mãn tính, nhiễm độc chì vô cơ, điếc nghề nghiệp…

 

Theo kết quả đo kiểm môi trường lao động của Trung tâm y tế dự phòng Thái Nguyên tại gần 100 cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh từ 1997 đến 2007 cho thấy, 40% trong tổng số các mẫu đo về: Bụi, vi khí hậu, ánh sáng, tiếng ồn, hơi khí độc vượt quá giá trị cho phép của tiêu chuẩn vệ sinh lao động theo quy định của Bộ Y tế, trong đó số lượng các mẫu đo về bụi không đạt tiêu chuẩn VSLĐ chiếm nhiều nhất. Kết quả đo kiểm môi trường lao động 6 tháng đầu năm 2008 tại một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cỡ lớn của tỉnh cũng không mấy khả quan, xin lấy vài dẫn chứng cụ thể: Công ty cổ phần xi măng Cao Ngạn, 10 mẫu đo bụi ngẫu nhiên ở một số vị trí có người lao động tiếp xúc trực tiếp thì 6 mẫu vượt quá giá trị cho phép, vi khí hậu đo 11 mẫu, vượt 9 mẫu, ánh sáng đo 10 mẫu, vượt 5 mẫu. Tương tự như vậy tại Nhà máy cơ khí mỏ VVMI, 4/6 mẫu đo bụi, 5/9 mẫu vi khí hậu, 2/11 mẫu đo tiếng ồn vượt quá giá trị cho phép, ngoài ra còn nhiều đơn vị khác như: Công ty than Khánh Hòa, Núi Hồng, nhà máy xi măng La Hiên, Chi nhánh nhà máy xi măng Núi Voi, Công ty cơ điện luyện kim… cũng có nhiều vị trí người lao động phải làm việc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh lao động.

 

Qua khảo sát tại một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đúc, luyện kim trên địa bàn chúng tôi nhận thấy, đa số các doanh nghiệp lớn của tỉnh đã có ý thức trong việc triển khai công tác VSLĐ tại đơn vị mình như: Đầu tư hệ thống hút bụi, thông gió, giảm tiếng ồn, phun nước dập bụi…tuy nhiên hiện tại việc xử lý bụi, tiếng ồn, vi khí hậu trong môi trường lao động vẫn đang là vấn đề hết sức nan giải đối với các doanh nghiệp do cần vốn đầu tư lớn, đôi khi yêu cầu đặt ra là phải thay đổi cả dây truyền công nghệ mới giải quyết được. Đơn cử Công ty cổ phần xi măng Cao Ngạn, từ năm 2001 đến nay, đã đầu tư trên 20 tỷ đồng đổi mới thiết bị, công nghệ, cải thiện môi trường lao động và môi trường xung quanh nhưng mới chỉ giảm thiểu chứ chưa giải quyết triệt để được vấn đề về bụi, ánh sáng, vi khí hậu trong môi trường lao động. Ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều kiện sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí triển khai thực hiện công tác VSLĐ quá ít dẫn đến chất lượng hiệu quả chưa cao.

 

Nhiều cơ sở, doanh nghiệp, nhà xưởng máy móc thiết bị xuống cấp, lạc hậu, điều kiện lao động không đảm bảo yêu cầu VSLĐ, trong khi đó sức ép về vốn đầu tư, thay thế thiết bị, công nghệ, giá thành sản phẩm đã tạo ra nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về VSLĐ. Bên cạnh đó có nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa hiểu được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo VSLĐ, chạy theo lợi nhuận vẫn sử dụng những thiết bị quá cũ, mặt bằng sản xuất xuống cấp mang nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ và gây bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

 

 Một vấn đề nữa đang rất cần được quan tâm hiện nay là ý thức của người lao động khi chấp hành các quy định về bảo hộ lao động (BHLĐ), thông thường người lao động được trang bị các phương tiện BHLĐ phù hợp với công việc họ đang thực hiện, việc sử dụng trang bị BHLĐ đúng cách giúp họ tránh được các tác nhân gây bệnh nghề nghiệp, tuy nhiên ở nhiều nơi người lao động thiếu thông tin, chủ quan hoặc coi thường việc này, họ tự ý thay đổi hoặc không sử dụng trang bị bảo hộ lao động, mặc nhiên để các tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe xâm nhập vào cơ thể.

 

Công tác VSLĐ trong các cơ sở sản xuất công nghiệp cần được quan tâm quyết liệt hơn, các cơ quan chức năng của tỉnh cần chú trọng hơn nữa công tác quản lý trong lĩnh vực ATLĐ-VSLĐ, có hình thức xử phạt nghiêm minh và giám sát chặt chẽ việc thực hiện VSLĐ tại các doanh nghiệp. Về phía người lao động, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong lĩnh vực ATLĐ-VSLĐ, mỗi người cần phải tự có ý thức phòng chống các yếu tố có hại đến sức khỏe, tham gia tích cực vào các hoạt động nhằm cải thiện môi trường lao động và môi trường xung quanh, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.