Hướng tới một thành phố sinh thái

09:30, 14/10/2008

Quá trình phát triển lên đô thị loại II cũng là giai đoạn Thái Nguyên đẩy mạnh việc xây dựng “Thành phố xanh-sạch-đẹp”. Có nhiều chương trình, dự án đã và đang đựơc thực thi, tất cả góp phần xây dựng thành phố Thái Nguyên văn minh, hiện đại và hài hoà với cảnh quan thiên nhiên để hướng tới một thành phố sinh thái.

Do lịch sử hình thành từ một thị xã nhỏ và được mở rộng ra các xã nông nghiệp chung quanh, nên thành phố Thái Nguyên đã có 10 xã “vùng xanh” bao quanh, rộng hơn 129 km2 bằng 70% diện tích toàn thành phố. Trong khi đó diện tích 7 phường khu trung tâm chỉ có: 16 km2 (rộng không bằng diện tích của riêng xã Phúc Trìu hay Phúc Xuân) nhưng về mật độ dân cư thì phường Quang Trung cao gấp 39,6 lần, phường Hoàng Văn Thụ gấp 32,3, phườngTrưng Vương gấp 30 lần so với xã Phúc xuân, Phúc Trìu!...

 

Với đặc điểm trên, thành phố chúng ta cần và có thể xây dựng qui hoạch tổng thể về không gian đảm bảo được sự hài hoà, cân bằng sinh thái, thân thiện với môi trường.

 

Phía Bắc thành phố, nơi có quĩ đất và đường Quốc lộ 3 mới ngang qua, tạo những yếu tố phù hợp với việc hình thành một “khu công nghiệp sinh thái” nhằm tập trung các nhà máy xí nghiệp đang còn rải rác ở các phường trung tâm, di dời đến để mở rộng qui mô phát triển sản xuất.

 

Phía Tây, địa bàn của 5 xã là một “vùng xanh” thích hợp với qui hoạch các “khu dân cư sinh thái mới” theo kiểu biệt thự, nhà vườn; xây dựng “khu văn hoá - thể thao” với những công viên cây xanh, công trình văn hoá - thể thao ; hình thành “khu khoa học kĩ thuật” qui mô với nhiều trường Cao đẳng và Đại học Thái Nguyên mở rộng... Đặc biệt là ở 3 xã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho chè Tân Cương là Phúc Xuân, Phúc Trìu, Tân Cương, xây dựng thành “vùng nông nghiệp sinh thái” với 4861,8 ha; một vùng bát ngát xanh tươi những đồi chè, một “khu du lịch văn hoá làng chè” gắn liền với “khu du lịch sinh thái quốc gia Hồ Núi Cốc” và những đồi rừng chắn gió hướng Tây Nam.

 

Ở phía Nam, nơi cửa ngõ đi vào thành phố, bên cạnh “Khu sinh thái công nghiệp Gang thép”, hai xã Tích Lương và Lương Sơn được cải tạo và qui hoạch thành “khu dân cư sinh thái mới” kết hợp với xây dựng “khu du lịch sinh thái” phía nam và các công trình dịch vụ khác.

 

Về phía Đông, xã Cao Ngạn và Đồng Bẩm với diện tích gấp hơn hai lần cả 5 phường trung tâm cộng lại, phù hợp với qui hoạch thành “khu đô thị mới” đồng bộ và văn minh, hiện đại bên bờ sông Cầu trong xanh, đồng thời cũng dành đất để phát triển vành đai xanh để cung ứng rau sạch, hoa tươi cho thành phố cũng như có vành đai rừng chắn gió hướng đông bắc trên các khu đồi cao xã Cao Ngạn.

 

Tại khu trung tâm thành phố, xây dựng đại lộ bờ Nam sông Cầu để cùng với khu đô thị mới hiện đại bên bờ Bắc hình thành “Khu du lịch sinh thái sông Cầu” không chỉ tạo cảnh quan hấp dẫn mà còn là một vùng sinh thái rộng lớn rất cần thiết cho một thành phố công nghiệp.

 

Chúng ta cũng cần cân nhắc để hạn chế việc hình thành các khu chung cư cao tầng mới tại các phường mà mật độ dân cư đã quá đông đúc. Các trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở dịch vụ... cũng cần tính toán để thích ứng và hài hoà với qui hoạch phát triển mới của một thành phố mà không gian trải rộng theo 2 trục bắc - nam và  đông - tây (mỗi trục dài những gần 20km) cũng như phù hợp với cả những gì sẽ mở mang phát triển khi mà tuyến Quốc lộ 3 mới đi vào hoạt động.

 

Tại trung tâm thị xã trước đây vốn có tới 83 ao đầm lớn nhỏ, đã từng góp phần giữ  cân bằng sinh thái cho khu vực như: Đầm xanh, đầm đục, hồ Túc Duyên, ao Phủ Liễn... Đến nay, nhiều ao đầm đã bị san lấp, thu hẹp hoặc biến thành những “ao tù” chứa nước thải sinh hoạt đầy ô nhiễm. Cần cải tạo và xây dựng các “hồ sinh thái” làm cho diện tích mặt nước trong trẻo giữa thành phố cân đối với diện tích và dân số. Cũng như vậy những khu ruộng hiện đang xen  trong các khu dân cư ở trung tâm, không nên tiếp tục cắm hết đất để làm nhà mà cần qui hoạch thành các “hồ cảnh quan”, những vườn hoa, khu cây xanh thảm cỏ, tạo nên môi trường thiên nhiên tươi đẹp, hình thành những điểm thông thoáng, tạo không khí trong lành cho các “khu dân cư nhà ống” vốn đông đúc hiện nay.

 

Có một vấn đề cần đề cập khi chúng ta xây dựng thành phố sinh thái, đó là việc qui hoạch nghĩa trang thành phố. Nhìn trên bản đồ thành phố mở rộng thì nghĩa trang Dốc Lim lại nằm ở toạ độ giữa tâm điểm của thành phố! Cần sớm đưa ra bàn thảo rộng rãi về vấn đề dịch vụ mai táng và có phương án qui hoạch mới một nghĩa trang văn minh của thành phố chúng ta.

 

Còn nhiều vấn đề đặt ra và cả những thách thức mà thành phố cần tiếp tục vượt qua để xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, hài hoà với thiên nhiên theo các tiêu chuẩn của một “thành phố sinh thái” nói chung và của từng khu chức năng nói riêng. Có điều cần nhấn mạnh là: Qui hoạch thành phố sinh thái là nhằm đáp ứng tốt nhất chất lượng cuộc sống của mọi người dân. Qui hoạch không chỉ là việc riêng của chính quyền mà còn cần thu hút được sự đồng tình tham gia của đông đảo công chúng và chỉ có thể thành công trong việc xây dựng và gìn giữ bền vững một thành phố sinh thái nếu ý thức của mỗi người dân chúng ta được nâng lên.