Làm gì để hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ trong quản lý bảo vệ rừng ?

10:50, 26/10/2008

Là tỉnh miền núi, có diện tích rừng và đất rừng gần 180 nghìn ha, vì vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thái Nguyên.

Trong những năm gần đây với những nỗ lực của các địa phương và lực lượng kiểm lâm, công tác quản lý bảo vệ rững trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tiến bộ, không còn những điểm nóng về khai thác lâm sản trái phép; tình trạng cháy rừng đã được hạn chế tốt; nhận thức của các cấp, các ngành, các chủ rừng trong quản lý, bảo vệ rừng đã được nâng cao một bước.

 

Tuy nhiên, do lợi nhuận từ khai thác, vận chuyển lâm sản rất cao và đời sống của một bộ phận đồng bào vùng sâu, vùng cao còn khó khăn, nên tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn chưa được ngăn chặn một cách hiệu quả và tính bền vững chưa được xác lập. Cũng do lợi nhuận cao, nên những người cố tình vi phạm pháp luật quản lý, bảo vệ rừng “lâm tặc” đã có nhiều thủ đoạn để qua mặt chính quyền địa phương và kiểm lâm, trong đó có cả những vụ lâm tặc tấn công, chống lại những người thi hành công vụ quản lý bảo vệ rừng. Những đối tượng chống người thi hành công vụ có cả những đối tượng nghiện hút và đã nhiễm HIV…

 

Theo dõi diễn biến các vụ việc chống người thi hành công vụ bảo vệ rừng trong những năm gần đây cho thấy ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng và phức tạp, có vụ có tổ chức. Năm 2006, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 33 vụ chống người thi hành công vụ, đặc biệt nghiêm trọng là vụ lâm tặc dùng dao chém trọng thương đồng chí Trường cán bộ xã Thần Sa, huyện Võ Nhai khi bắt giữ gỗ nghiến vận chuyển trái phép; vụ xẩy ra tại xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, sau khi kiểm lâm bắt giữ gỗ vận chuyển trái phép, các đối tượng đã tổ chức lực lượng gần 60 người tấn công lực lượng kiểm lâm, làm 8 kiểm lâm viên bị thương, cướp đi 03 xe máy, đốt cháy 01 xe máy; vụ xẩy ra ngày 27/10/2006, lâm tặc đã dùng xe máy vận chuyển gỗ trái phép lao thẳng vào kiểm lâm viên Nguyễn Xuân Đính, làm đồng chí Đính bị thương nặng phải điều trị tại bệnh viện nhiều ngày… Năm 2007, xẩy ra 25 vụ, đặc biệt nghiêm trọng là vụ lâm tặc dùng dao chém trọng thương (đứt gân tay và nhiều nhát vào người đồng chí Duy) trong lúc đồng chí Duy đang cùng đồng đội thi hành công vụ kiểm tra bắt giữ vận chuyển gỗ trái phép tại T.X Sông Công.

 

Từ đầu năm 2008 đến nay, cũng đã xảy ra 18 vụ chống người thi hành công vụ bảo vệ rừng. Nghiêm trọng là vụ xẩy ra ngày 16/6/2008 tại Quốc lộ 1B. Khi bị phát hiện vận chuyển lâm sản trái phép, lâm tặc đã dùng xe máy phân khối lớn lao thẳng vào tổ công tác của của Đội Kiểm lâm cơ động-Phòng cháy, chữa cháy và lao xe vận chuyển gỗ qua barie vào khu quân sự, buộc các chiến sỹ vệ binh phải tập trung vây bắt. Lâm tặc đã chống trả quyết liệt bằng dao dài rất nguy hiểm. Vụ xẩy ra đêm 17/9/2008, lâm tặc đã tập trung gần 40 người, trong đó có các đối tượng nghiện hút, nhiễm HIV đến uy hiếp “đặt vấn đề xin lại” 108 khúc gỗ nghiến tròn và 80 hộp gỗ nghiến dạng khuôn cửa tại tổ công tác Hạt Kiểm lâm Võ Nhai đang thu giữ tại xóm Nà Lẹng, xã Nghinh Tường. Khi bị từ chối, chúng dã doạ đốt xe máy và dùng tới hàng chục bao tải đá ném vào tổ công tác làm đồng chí Đinh Văn Hoàng cán bộ kiểm lâm bị ngất do đá ném trúng đầu. Các kiểm lâm viên đã phải nổ súng để tự vệ và đưa người bị thương đi cấp cứu. Lâm tặc đã tẩu tán số gỗ thu giữ. Hiện vụ án đang được điều tra để xử lý.

 

Có thể nói lực lượng kiểm lâm cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn, phức tạp và cả nguy hiểm đến tính mạng do tình trạng các đối tượng vi phạm lâm luật cố tình chống người thi hành công vụ quản lý bảo vệ rừng. Nhiều kiểm lâm viên đã bị đánh trọng thương và trên phạm vi cả nước cũng đã có chiến sỹ kiểm lâm hy sinh vì màu xanh của rừng. Nhiều vụ vi phạm đã được đưa ra xét xử trước pháp luật, trong đó tại tỉnh ta một số đối tượng chống người thi hành công vụ quản lý bảo vệ rừng đã bị pháp luật trừng trị như: Xử tù giam Dương Quang Định, Nguyễn Văn Thảo và xử tù án treo đối với Nguyễn Văn Hưng …

 

Tuy nhiên để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chống người thi hành công vụ quản lý bảo vệ rừng chúng tôi đã tìm hiểu và trao đổi với nhiều đồng chí lãnh đạo các địa phương có rừng và các cán bộ kiểm lâm thì chúng ta cần tăng cường hơn nữa một số giải pháp sau: Tổ chức cho nhân dân ký cam kết không vi phạm các quy định quản lý bảo vệ rừng; phát động toàn dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ phát triển rừng; tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của chính quyền cơ sở, nhất là ở các xóm, bản, các vùng giáp ranh giữa các tỉnh Thái Nguyên với Bắc Kạn, Bắc Giang.

 

Về  chính sách cần có cơ chế thưởng xứng đáng cho những người tích cực tham gia quản lý bảo vệ rừng, tích cực phát hiện và chống lại các hành vi vi phạm pháp luật quản lý bảo vệ rừng. Đối với những người dân ở vùng núi cần có những hỗ trợ để đồng bào có điều kiện sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực cho họ để họ an tâm bảo vệ rừng, không tham gia tiếp tay cho các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

 

Trong công tác đấu tranh, ngăn chặn vi phạm cần có sự phối hợp đồng bộ giữa lực lượng kiểm lâm, các cấp chính quyền, lực lượng công an để xác minh làm rõ những đối tượng cầm đầu cố tình xâm hại rừng, đặc biệt là những đối tượng có các hành vi chống người thi hành công vụ; điều tra, thống kê các đối tượng có phương tiện thường tham gia vận chuyển lâm sản, các “cai đầu nậu lâm sản” , yêu cầu họ ký cam kết thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng…. Các cơ quan thực thi pháp luật cần xử lý nghiêm minh các vụ chống người thi hành công vụ để tăng hiệu lực ngăn chặn, răn đe tội phạm...

 

Về xây dựng lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ rừng cũng cần có chính sách khuyến khích, động viên thu hút nhân dân tham gia các tổ quần chúng bảo vệ rừng ở thôn bản. Trong thực hiện xã hội hoá bảo vệ và phát triển rừng thì lực lượng kiểm lâm phải thực sự làm nòng cốt; công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho kiểm lâm viên cần được tăng cường, trong đó coi trọng việc nâng cao phẩm chất, đạo đức cán bộ kiểm lâm; kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức kiểm lâm thiếu trách nhiệm, có hành vi tiêu cực, vi phạm các quy định của ngành, đưa ra khỏi lực lượng những kiểm lâm thoái hoá, biến chất, dung túng, bao che, tiếp tay cho những hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.