Lương tối thiểu doanh nghiệp tăng thêm 110.000-200.000 đồng

08:40, 13/10/2008

Từ 1/1/2009, mức lương tối thiểu cao nhất đối với lao động tại doanh nghiệp trong nước là 800.000 đồng một tháng; đối với lao động ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1.200.000 đồng.

Chiều 13/10, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã công bố Nghị định của Thủ tướng quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc cho doanh nghiệp trong nước và mức lương tối thiểu vùng của lao động làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

 

Ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Lao động Tiền lương, cho biết thay vì chia làm 3 vùng, năm nay lương tối thiểu sẽ chia làm 4 vùng, sát với mức tiền công, tiền lương và mức sống tại mỗi vùng. Mức lương tối thiểu của lao động ở doanh nghiệp trong nước sẽ lần lượt là: 800.000; 740.000; 690.000 và 650.000 đồng một tháng. Mức lương tối thiểu của lao động ở doanh nghiệp FDI lần lượt là: 1.200.000; 1.080.000; 950.000 và 920.000 đồng một tháng.

 

Hiện nay, mức lương tối thiểu của lao động ở doanh nghiệp trong nước lần lượt là: là 620.000; 580.000 và 540.000 đồng một tháng; của lao động ở doanh nghiệp FDI lần lượt là: 1.000.000; 900.000 và 800.000 đồng một tháng.

 

Như vậy, so với hiện hành, lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp trong nước sẽ tăng trung bình khoảng 25%; lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp FDI tăng ít hơn, khoảng 20%. Mức tăng cao nhất là 200.000 đồng, thấp nhất là 110.000 đồng một tháng. So với tốc độ tăng giá tiêu dùng năm nay, mức tăng này không phải là cao.

 

Vụ trưởng Huân lý giải: "Trong bối cảnh lạm phát, cả doanh nghiệp và lao động cần có sự chia sẻ. Lương của doanh nghiệp FDI tăng chậm hơn là để đạt mục tiêu năm 2012 sẽ thống nhất mức lương tối thiểu giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước".

 

Cả nước hiện có 9,5 triệu người làm việc tại doanh nghiệp, trong đó khối FDI là 1,5 triệu. Tuy nhiên, không phải tất cả số người này đều được tăng lương, mà chỉ một số ít người lương thấp mới được điều chỉnh. "Theo khảo sát, trong bối cảnh lạm phát, hầu hết doanh nghiệp đã tăng lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu mới ban hành", ông Huân lý giải.

 

Đánh giá tác động của việc tăng lương tới doanh nghiệp, ông Phùng Quang Huy, đại diện doanh nghiệp, cho biết, việc tăng lương tối thiểu vùng chủ yếu làm tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, mức tăng chiếm khoảng 1,3-1,7% tổng chi phí đầu vào. "Sẽ khó tránh khỏi một số doanh nghiệp, nhất là loại vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, giới chủ nhận thấy trong thời buổi lạm phát, phải tăng lương để bù đắp một phần cho lao động", ông Huy nói.

 

Còn ông Mai Đức Chính, Phó Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá, việc công bố mức lương sớm (gần 3 tháng), kết hợp với việc phổ biến xuống doanh nghiệp để họ công bố phương án thực hiện trước 25/12 chắc chắn sẽ giúp lao động yên tâm, tránh tình trạng đình công.

 

Ông Chính cho biết thêm, giá cả tiêu dùng tăng cao đã khiến đình công năm nay tăng mạnh. Nếu như năm 2007 cả nước có 541 vụ đình công thì 8 tháng đầu năm nay có tới 650 vụ đình công và tranh chấp lao động tập thể. Trong đó 80% số vụ xảy ra ở các doanh nghiệp FDI của Đài Loan và Hàn Quốc.

 

Vùng 1: Doanh nghiệp hoạt động tại các quận và thành phố Hà Đông thuộc Hà Nội; các quận thuộc TP HCM.

 

Vùng 2: Doanh nghiệp hoạt động tại các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm, Thường Tín, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai và thành phố Sơn Tây thuộc Hà Nội; các huyện thuộc TP HCM; các quận, huyện Thủy Nguyên, An Dương của Hải Phòng; các quận, huyện thuộc Đà Nẵng; các quận Ninh Kiều, Bình Thủy thuộc Cần Thơ; thành phố Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh; thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom thuộc tỉnh Đồng Nai; thị xã Thủ Dầu Một và các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên của tỉnh Bình Dương; thành phố Vũng Tàu và huyện Tân Thành của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Vùng 3: Doanh nghiệp hoạt động tại các thành phố trực thuộc tỉnh (trừ các thành phố thuộc tỉnh nêu tại vùng 2); các huyện còn lại của thành phố Hà Nội; thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn và các huyện Quế Võ, Tiên Du, Yên Phong thuộc tỉnh Bắc Ninh; thành phố Bắc Giang và các huyện Việt Yên, Yên Dũng thuộc tỉnh Bắc Giang; thị xã Hưng Yên và huyện Mỹ Hào, Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ thuộc tỉnh Hưng Yên; thành phố Hải Dương và các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh, Kim Thành, Kim Mông thuộc Hải Dương; thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc; các huyện còn lại của Hải Phòng; thành phố Móng Cái, các thị xã Uông Bí, Cẩm Phả thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc thuộc Lâm Đồng; thành phố Nha Trang, thị xã Cam Ranh thuộc Khánh Hòa; huyện Trảng Bàng thuộc Tây Ninh; các huyện còn lại của Bình Dương, Đồng Nai; thị xã Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước thuộc tỉnh Long An; các quận, huyện còn lại thuộc thành phố Cần Thơ; thị xã Bà Rịa và các huyện Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Vùng 4: Gồm doanh nghiệp đóng trên các địa bàn còn lại.