Dưới chân núi Pò Tèn, Văn Lăng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên có 3 bản người Mông: Liên Phương, Mỏ Nước và bản Tèn. Đây là nơi đầu "vạch cắt" của đường giáp ranh giữa 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, có những cư dân đang sinh sống trong nghèo khó, nhưng vẫn chắt chiu từng hạt mèn mén dành cho con xuống núi "lấy" chữ.
49 đứa trẻ, 49 hoàn cảnh khác nhau nhưng có một điểm chung là con nhà nghèo, cùng về học chữ ở Trường THCS Văn Lăng. Giao thông khó khăn, các em đến trường đều bằng đôi chân, gần nhất là bản Liên Phương mất hơn hai giờ đi bộ. Xa hơn nữa là bản Tèn, các em phải đi bộ chừng gần năm giờ liên tục mới đến lớp. Bóng núi thì to, đường đến trường thì dài mà sức các em quá nhỏ, các em đã giấu nỗi nhớ nhà, xin cha mẹ xuống núi để học cái chữ.
Hiệu trưởng Nhà trường, cô giáo Trần Thị Thái đã tâm sự với chúng tôi: Trường thành lập hơn 50 năm nay, nhưng chưa bao giờ có học sinh giỏi cấp tỉnh, đặc biệt là với con em thuộc các bản Liên Phương, Mỏ Nước và bản Tèn, chưa có em nào từ mái trường này bước chân vào giảng đường đại học.
Với con em đồng bào người Mông Văn Lăng, đại học được coi là một khái niệm xa xỉ, vì sống người dân còn chật vật với cái ăn, cái mặc. Tiếng là sống bên sông, nhưng nước ăn còn khó lấy, nói gì đến việc sử dụng nguồn tài nguyên này phục vụ cho sản xuất. Từ lưng ngọn Pò Tèn - trên đường lên bản Tèn nhìn xuống chân núi, chúng tôi thấy thăm thẳm xanh một màu của nước, các vạt đồi, núi dốc như vá víu lại từng nương ngô, thi thoảng có tiếng khèn đâu đó, lạc lõng, vời vợi buồn cất lên.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết: 100% số hộ của 3 bản này đều thuộc diện được cấp sổ khám chữa bệnh miễn phí. Hôm mới đây, ông Ngô Văn Lực, Trưởng bản Mỏ Nước và ông Vương Văn Tình, trưởng bản Tèn đã nói với tôi: Hết năm 2008, bản chưa có hộ nào thoát nghèo. Còn thầy Nguyễn Văn Quang, Hiệu phó Nhà trường cho biết: Để các em bản Mông sau lớp 5 xuống núi học lên THCS, khó khăn lắm. Đầu năm học 2008 – 2009, giáo viên của trường đã 4 lần lên núi, đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em đến trường, vậy mà ngày khai giảng năm học mới, nhiều em đến lớp không có cặp sách, bút mực, giấy viết... cán bộ giáo viên trong trường bảo nhau quyên góp mua sách bút tặng các em, giúp các em tiền mua gạo ăn trong 2 ngày đầu đến lớp.
Ngô vẫn là cây lương thực chính của đồng bào Liên Phương, Mỏ Nước và bản Tèn. Bởi lẽ ấy con em đồng bào xuống núi học chữ phải mang theo thứ bột ngô làm mèn mén. Cậu học trò Lý Văn Hành, 16 tuổi, học sinh lớp 9 cho biết: Cháu ở bản Tèn, cách trường 16 cây số. Tuần nào cháu cũng đi bộ về nhà từ chiều thứ Sáu, chiều Chủ nhật xuống lớp lại cõng theo túi bột ngô bố mẹ chuẩn bị cho để ăn trong tuần. Bên chiếc sạp gỗ cập kênh kê làm giường ngủ, Dương Văn Mình, học sinh lớp 6 góp chuyện: Cháu 15 tuổi, có 7 anh em, từ đây về nhà cháu ở bản Liên Phương mất 4 giờ đi bộ. Còn Sùng Văn Quý, 14 tuổi, năm đầu tiên đi học xa nhà nên bạn mới chưa quen hết. Quý bẽn lẽn, hỏi gì cũng ừ à cúi mặt xuống đất 14 tuổi nhưng trông Quý nhỏ thó như cậu bé lên 9...
Thầy giáo Ngô Thế Quyền, Tổng phụ trách Đội đưa chúng tôi đi thăm bếp ăn. Bếp là một ngôi nhà xiêu vẹo, dột nát, học trò chia thành từng nhóm tự góp gạo hoặc bột ngô nấu ăn với nhau. Khi đó nhóm của Dương Tiến Thương (Liên Phương), Sùng Văn Vương (bản Tèn) và Vương Thị Sáy (bản Tèn) đang nổi lửa nấu ăn. Ngay trong gian bếp được dựng lên tạm bợ, tôi thấy có rất nhiều gạch đá kê lại thành các bếp nấu ăn khác nhau. Cậu bé Dương Tiến Thương sau khi dùng ống thổi phù phù vào ngọn lửa mới bén vào mớ củi, ngẩng lên nhìn chúng tôi, bảo: Chúng cháu cứ 3 đứa chung 1 bếp, ai có gì góp thứ đó... Tôi mở vung mấy chiếc nồi,thấy nồi sạch trơn, cậu bé Vương Văn Nùng (bản Tèn) ấp úng:
- ...Vì bột ngô bố mẹ cho chỉ đủ ăn.
- Thỉnh thoảng bố mẹ cháu bán ngô lấy tiền mua gạo cho chị em cháu đi học. - Cô bé Vương Thị Lan, nhà cuối bản Tèn bẽn lẽn.
- Các cháu ăn cơm với gì? - Tôi hỏi.
- Rau mang ở nhà xuống, hôm nào hết thì ăn với muối... Câu trả lời được nhiều cháu cùng đồng thanh. Từ góc nhà, cháu Lý Văn Lình ấp úng: Cuối tuần, chúng cháu hết đồ ăn, có bạn phải nhịn đói lên lớp, chờ hết tiết học mới trở về bản với bố mẹ. Chợt Lý Văn Hành bảo: Cháu đang cố gắng theo học hết lớp 9, còn anh trai cháu là Lý Văn Nó phải bỏ dở lớp 6 vì không có tiền đóng học.
Câu chuyện của Lý Văn Hành khiến tôi không khỏi bùi ngùi... 5 gian nhà lợp mái ngói đã xô nghiêng, trên tường quần áo treo nhằng nhịt, bàn học tập là chiếc hòm gỗ hoặc các em tự kê trên đầu gối...Tất cả đều tạm bợ, nhưng sự hồn nhiên vẫn hiển hiện trên từng khuôn mặt các em, cậu bé Lý Văn Hành đã bộc bạch với tôi: Bố cháu thường động viên cháu mỗi lần xuống núi: Bố mẹ mù chữ, các con phải gắng học, đói cũng phải học mới nên được người có ích cho xã hội.
Chứng kiến sự nhọc nhằn của học trò cùng cao, tôi thầm mong một ngày nào đó, con em đồng bào người Mông ở Văn Lăng có một ngôi nhà nội trú vững chãi, đủ che chắn nắng - mưa cho các em yên tâm học hành.