Phòng, ngừa trẻ em làm trái pháp luật

14:43, 06/10/2008

Là địa phương có Đảng bộ và chính quyền vững mạnh, nhân dân đoàn kết, có truyền thống yêu nước và xây dựng quê hương, xã Hùng Sơn (Đại Từ) luôn quan tâm và đề cao trách nhiệm chăm lo, xây dựng về mọi mặt cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên.

Xã phối hợp cùng các nhà trường, gia đình tạo những điều kiện tốt nhất để thanh thiếu niên học tập, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy, số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng không ngừng tăng qua các năm. Nếu năm 2006, toàn xã có 23 em thi đỗ đại học thì năm 2007 là 29 em và năm 2008 là 36 em.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, xã Hùng Sơn là địa phương có tỷ lệ tội phạm và tệ nạn xã hội tượng đối cao, với 33 đối tượng tù treo, 54 đối tượng sử dụng ma tuý.

 

Theo số liệu thống kê của Công an địa phương, tính đến ngày 15-9-2008, trên địa bàn xã có 60 thanh thiếu niên, học sinh hư với những biểu hiện hoạt động vi phạm pháp luật như: Đánh nhau, trộm cắp, cờ bạc, tụ tập thành nhóm ruợu chè , gây rối trật tự công cộng; tự ý bỏ nhà; bỏ học, coi thường thầy cô giáo; đe doạ bố mẹ... Cụ thể: Trong độ tuổi sinh năm 1991-1996 có 36 cháu; sinh năm 1984-1990 có 24 cháu, chiếm 1,21% trên tổng số 2.953 cháu.

 

Con số tuy không lớn, nhưng mức độ hư của các em là nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, xã Hùng Sơn đã tìm ra những nguyên nhân để có biện pháp phòng ngừa kịp thời, hiệu quả.

 

Và Hùng Sơn vừa được Công an tỉnh chọn là xã điểm trong xây dựng mô hình phòng ngừa, quản lý, giáo dục trẻ em làm trái pháp luật. Nguyên nhân trước tiên được nhận định là: Đời sống kinh tế-văn hoá-xã hội phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, nhưng mặt trái của sự phát triển đã tác động không nhỏ đến tầng lớp thanh thiếu niên, nhiều em bị cuốn vào các trò chơi điện tử, internet, phim ảnh đồ truỵ, biết sử dụng ruợu bia quá sớm...

 

Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn thấp, chính cha mẹ không làm gương cho con cái trong lời ăn tiếng nói, hành vi cư xử với nhau trong gia đình. Nhiều ông bố bà mẹ đánh chửi nhau thường xuyên; rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, ly hôn, thiếu sự chăm lo đến con trẻ.

 

Một số gia đình lại nuông chiều con quá mức, đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ, cho tiền tiêu xài không quản lý, cho mua điện thoại di động, đồ dùng đắt tiền, sành điệu... vô tình tạo cho các em thói quen tiêu tiền, khi không có thì nghĩ đến chuyện trộm cắp. Có bậc cha mẹ lại mải mê lo làm ăn kinh tế, không dành thời gian chăm lo tới con em mình, xem các con làm gì, học hành thế nào, chơi với ai, phó mặc con em cho nhà trường và xã hội... Một trăm lẻ một những lý do đẫ đẩy một bộ phận thanh thiếu niên sa vào con đường hư hỏng. Trách nhiệm thuộc về ai?

 

Đó là câu hỏi mà cấp uỷ, chính quyền xã Hùng Sơn đã phải dành nhiều thời gian bàn bạc, thống nhất đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa, quản lý, giáo dục trẻ em làm trái pháp luật trên địa bàn. Cấp uỷ, chính quyền, nhà trường, gia đình cùng đồng lòng, có sự phối hợp chặt chẽ, để giúp đỡ, giáo dục, cảm hoá các em khi chưa quá muộn. Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội từ xã đến cơ sở thôn xóm trong quản lý, giáo dục, phòng ngừa trẻ em làm trái pháp luật tại cồng đồng dân cư.

 

Thành lập Ban chỉ đạo phòng ngừa, quản lý, giáo dục trẻ em làm trái pháp luật từ xã đến cơ sở. Ban chỉ đạo cấp xã do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban; cấp cơ sở do đồng chí Bí thư chi bộ-Trưởng ban mặt trận xóm làm Trưởng ban. Ban Công an, các tổ chức đoàn thể phối hợp với nhà trường, gia đình, phân công người trực tiếp quản lý, giáo dục số trẻ em đã được điều tra phân loại, kịp thời phát hiện, bổ sung những trường hợp mới phát sinh.

 

Kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với những trường hợp không tiến bộ, cố tình vi phạm. Ban Văn hoá, Ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Ban Tư pháp, Công an xã xây dựng các bản tin để tuyên truyền trên cụm loa truyền thanh của xóm về Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em; phòng ngừa, phòng chống các loại tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, tội xâm hại trẻ em; biểu dương những người tốt việc tốt. Các gia đình cũng cần xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ nuôi dạy con cái, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục con em mình... Những giải pháp trên là quan trọng và cần thiết, song quan trọng hơn vẫn là sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của chính những thanh thiếu niên.