Những năm gần đây, Phú Bình đã có nhiều biện pháp nhằm quản lý việc khai thác cát sỏi, song dường như các biện pháp đều chưa đủ sức nặng để xiết lại quy định về khai thác cát sỏi. Hằng ngày, gần 50 “con voi sắt” khổng lồ vẫn cắm những chiếc vòi dài để đào, bới, nạo, hút lòng sông Cầu thuộc địa phận huyện.
Mặc dù vẫn chưa phải là mùa khô, nhưng gia đình ông Dương Văn Vệ, Trưởng xóm Múc, xã Úc Kỳ đã hằng ngày phải quẩy xô đi xin nước các hộ quanh vùng về dùng bởi giếng nhà ông luôn trong tình trạng cạn khô. Ông Vệ cho biết: Trước kia, giếng nhà ông luôn có đủ nước phục vụ sinh hoạt cho gia đình, nhưng từ thời điểm năm 2007 đến nay dù mùa mưa hay mùa khô thì gia đình ông vẫn thường xuyên trong tình trạng thiếu nước. Nguyên nhân của tình trạng này là do Xóm Múc nằm dọc bờ sông Cầu với chiều dài 3.000m. Toàn xóm có 86 hộ, 100% đều sử dụng nước giếng khơi. Vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều tàu quốc khai thác cát sỏi thường xuyên hút, múc làm cho đáy con sông Cầu ngày càng sâu, mực nước tụt xuống khiến hầu hết các giếng nước trong khu vực đều cạn nước. Trong số 86 giếng thì có tới 63 giếng không có nước, vì vậy muốn xin nước thì cũng phải ra tận các xóm ngoài mới có, điều này khiến cho vấn đề nước sinh hoạt đã trở thành nỗi lo của các gia đình trong xóm.
Khác với nỗi lo của bà con xóm Múc, ông Dương Văn Đối, xóm Nghể, xã Nga My vẫn chưa hoàn hồn trước nỗi sợ hãi sau trận mưa xảy ra ngày 11-7-2008, đã làm sạt lở 350m đất dọc bờ sông xóm, có chỗ sạt sâu tới 10m, cuốn trôi nhiều cây cối... Căn nhà của ông Đối chỉ còn cách có 3m nữa là nằm trong khu vực bị sạt lở. Xóm ông có tới 9 hộ thuộc diện có nguy cơ bị nhấn chìm trong lòng sông. Hiện nay, xã đã phải di dời 6 hộ gần bờ. Nguyên nhân chính dẫn tới sạt lở này được xác định là do tình trạng khai thác cát sỏi bừa bãi trong một thời gian dài khiến bờ sông bị khoét sâu thành những hàm ếch, chỉ cần một trận mưa to là đổ sập.
Không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và tài sản của nhân dân 2 bên bờ sông, việc khai thác cát sỏi bừa bãi trong suốt một thời gian dài đã làm cho lòng sông bị khoét sâu thành nhiều hũng, hủm và nghiêm trọng hơn là làm thay đổi dòng chảy của sông.
Để quản lý việc khai thác cát sỏi của các chủ tàu cuốc, trong mấy năm trở lại đây, huyện Phú Bình đã có nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đưa việc khai thác này vào quy củ như: Thành lập Ban chỉ đạo quản lý khai thác sát sỏi; ký cam kết với 8 xã về không để xảy ra các trường hợp khai thác trái phép; trong đó tập trung xây dựng Đề án: Khoanh định khu vực khai thác cát sỏi trên sông Cầu thuộc địa bàn huyện ngày 14-4-2004 của UBND huyện. Theo Đề án thì có 8/9 xã ven sông được phép khai thác đó là: Đồng Liên, Đào Xá, Thượng Đình, Bảo Lý, Nhã Lộng, Xuân Phương, Úc Kỳ, Nga My.
Nhưng để khai thác, các chủ tàu cuốc phải làm các thủ tục theo quy định. Các thủ tục gồm có: Đơn xin cấp giấy phép khai thác cát sỏi, bản đồ khu vực khai thác, đề án và thiết kế kỹ thuật khai thác, các văn bản xác định tư cách pháp nhân và cam kết bảo vệ môi trường. Mặc dù huyện đã mời các chủ tàu đến để triển khai các văn bản về đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng cho đến nay mới có 3/46 tàu đăng ký, còn lại đều khai thác trái phép. Ông Dương Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã Úc Kỳ cho biết: Xã cũng đã ký cam kết với huyện là không để xảy ra trường hợp khai thác trái phép nhưng trong quá trình thực hiện đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Xã cũng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến nhưng các chủ tàu cũng không làm thủ tục đăng ký. Việc bắt các trường hợp vi phạm cũng rất khó, bởi cứ tuần tra, canh gác ban ngày thì họ lại khai thác ban đêm, mà xã thì không có đủ lực lượng để canh gác 24/24 giờ được.
Việc bắt đã khó, việc xử lý vi phạm lại càng khó hơn, các tàu khai thác rất nặng, nên khi phát hiện, không thể thu về UBND xã để giữ được, việc bắt người cũng không giải quyết vấn đề gì bởi có bắt thì cũng chỉ là bắt người làm thuê còn các chủ tàu rất khó gặp do họ thường xuyên sang tên đổi chủ hoặc nhiều cá nhân sở hữu chung 1 tàu. Ông Hoàng Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Hà Châu cũng bày tỏ những khó khăn: Hà Châu là xã duy nhất ven sông không được phép khai thác cát sỏi, nhưng bên kia sông địa phận tỉnh Bắc Giang lại cho phép khai thác, nên hằng ngày, hằng giờ và bằng nhiều cách như: Khai thác vào ban đêm, đỗ tàu giữa sông để thò vòi sang bên này sông nạo hút... Xã cũng đã làm rất quyết liệt, thường xuyên tuần tra, canh gác, thu máy, bắt người nhưng cuối cùng vẫn đâu lại đóng đấy...
Đứng trước khó khăn này, ông Luyện cũng bày tỏ mong muốn huyện quyết liệt hơn trong việc quản lý, hỗ trợ xã ngăn chặn triệt để hiện tượng khai thác cát sỏi đang diễn ra phức tạp như hiện nay.