Thái Nguyên hiện có trên 1,1 triệu người và được đánh giá là một trong 38 tỉnh, thành phố có quy mô dân số lớn của cả nước. Năm 2008, Chi cục Dân số thuộc Sở Y tế (trước đây là Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em) xây dựng kế hoạch giảm tỷ suất sinh thô 0,2 phần nghìn, nhưng trên thực tế, chỉ tiêu này khó hoàn thành do nhiều nguyên nhân.
Trước tiến phải kể đến những nguyên nhân khách quan: Từ năm 2005, tỉnh ta đã đạt mức sinh thay thế 2,1 con/1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nên việc giảm thấp hơn nữa mức sinh thay thế là việc khó. Tỷ suất sinh thô của Thái Nguyên hiện nay là 14,89 phần nghìn thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 16,9 phần nghìn. Tính đến tháng 9-2008, tỷ suất sinh thô của cả tỉnh đạt 10,14 phần nghìn, tăng 0,04 phần nghìn so với năm 2007. Tỷ lệ sinh con thứ ba thấp chỉ chiếm khoảng 5% tổng mức sinh của cả tỉnh, so với toàn quốc tỷ lệ sinh con thứ ba đang là 16,7% nên việc hạ thấp hơn nữa tỷ lệ sinh là khó thực hiện. Chỉ tính riêng 9 tháng qua, toàn tỉnh có 11.358 trẻ ra đời, tăng 194 trẻ so với cùng kỳ, trong đó có 553 trẻ là con thứ ba trở lên, tăng 48 trẻ so với cùng kỳ nhưng cũng chỉ chiếm 4,86% thấp hơn năm 2007 (5%). Mặc dù tổng số sinh có tăng so với cùng kỳ nhưng so với tổng số dân thì tỷ lệ đó không tăng, hoặc tăng không tăng đáng kể...
Về nguyên nhân chủ quan: Thực tế hiện nay, nhiều gia đình khá giả, doanh nghiệp có điều kiện kinh tế họ sẵn sàng sinh con thứ ba vì nhiều lý do như bệnh tật, rủi ro. Thậm chí có cả cán bộ, đảng viên vẫn sinh con thứ ba. Tại các vùng dân tộc thiểu số thì tư tưởng “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, trọng nam khinh nữ còn nặng nề nên việc sinh con thứ ba, thứ tư và nhiều hơn nữa vẫn còn...
Ngoài những nguyên nhân trên, việc chia tách cơ quan dân số từ tỉnh đến cơ sở cũng ảnh hưởng đến công tác dân số, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách và các cộng tác viên dân số. Hơn nữa, phụ cấp cho cán bộ chuyên trách dân số chỉ có 190.000 đồng/tháng, cộng tác viên dân số 50.000 đồng/tháng (đã thực hiện từ năm 2000)...
Để hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh 0,2 phần nghìn của năm 2008, cần tăng cường vai trò lãnh đạo chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp với công tác dân số-KHHGĐ; đưa việc thực hiện công tác dân số- KHHGĐ vào chỉ tiêu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ kinh tế-xã hội của cấp ủy, chính quyền địa phương; tăng đầu tư ngân sách cho chương trình dân số, chế độ chính sách, phụ cấp cho hệ thống cán bộ làm công tác dân số- KHHGĐ cấp cơ sở; cấp uỷ, chính quyền các cấp khẩn trương củng cố, ổn định bộ máy làm công tác dân số- KHHGĐ các cấp, đặc biệt là Trung tâm Dân số-KHHGĐ cấp huyện, ban dân số-KHHGĐ cấp xã, phương đảm bảo chất lượng, số lượng cán bộ; đồng thời ban hành chế tài xử phạt những tập thể, cá nhân vi phạm chính sách dân số-KHHGĐ, nhất là đối với những cán bộ, đảng viên...