Trứng gà lậu vẫn bán thoải mái ở biên giới Lạng Sơn

09:37, 28/10/2008

Tại khu vực chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn), những khay trứng gà không phân biệt được đâu là trứng nhập lậu từ Trung Quốc hay trứng từ các tỉnh miền xuôi mang lên vẫn được bày bán khá thoải mái.

Mặc dù, trong những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về việc trứng gà Trung Quốc xuất ngoại có nhiễm melamine, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi tại Lạng Sơn cho thấy, người dân nơi đây rất dửng dưng với thông tin này.

Đặc biệt, những người trực tiếp tham gia vận chuyển gia cầm và các sản phầm gia cầm từ biên giới vào nội địa lại càng thờ ơ hơn.

Ở Thành phố Lạng Sơn, một số chợ như Đồng Đăng, Giếng Vuông, Chi Lăng..., những chủ quầy vẫn bày bán và người dân vẫn tiêu thụ bình thường mà không hề quan tâm chút gì đến "melamine"!

Theo thông tin chúng tôi nắm được, từ đầu năm tới nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo, đồng thời ra quân quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm.

Lực lượng chức năng đã kiểm tra và bắt giữ 169 vụ vận chuyển gia súc gia cầm nhập lậu, thu và xử lý tiêu huỷ 112 tấn gà cùng hàng trăm ngàn quả trứng và nhiều sản phẩm từ gia súc gia cầm khác.

Tại Lạng Sơn, gia cầm và sản phẩm từ gia cầm nhập lậu vào nội địa thường được vận chuyển theo hai hướng chính là khu vực xã biên giới Bảo Lâm (huyện Cao Lộc) và xã Yên Khoái (huyện Lộc Bình).

Hầu hết, trứng gà được nhập lậu qua đường tiểu ngạch, có lực lượng tham gia vận chuyển với phương tiện khá đa dạng và rất đông đảo như xe máy, ôtô loại nhỏ (thường gọi là xe cóc) và người đi bộ. Có thời điểm, số lượng gia cầm và sản phẩm gia cầm lên tới cả chục tấn một đêm.

Đã từ lâu, tình hình nhập lậu gia cầm và sản phẩm từ gia cầm qua Lạng Sơn rất phức tạp và khó kiểm soát.

Hiện nay, trứng gà lậu được tập trung nhập từ biên giới vào nội địa.

Sôi động nhất chủ yếu thuộc khu vực huyện Cao Lộc. Dân buồn lậu thường tổ chức hoạt động vào buổi chiều tối, bắt đầu từ 17h hàng ngày.

Địa điểm xảy ra các vụ buôn lậu nói chung và sản phẩm gia cầm nói riêng nhiều nhất ở huyện Cao Lộc là xung khu vực thôn Tam Lung (xã Thuỵ Hùng), sau đó dân buôn lậu di chuyển theo đường lớn vào khu vực biên giới xã Bảo Lâm.

Chúng kết hợp với những người dân địa phương thuộc thôn Co Luồng, Nà Pán (xã Bảo Lâm) ẩn náu ở khu vực giáp biên, chờ thời cơ “thông đường” là tổ chức vận chuyển từ biên giới vào nội địa.

Số người tham gia vận chuyển lên tới hàng trăm người mỗi đêm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại xã Bảo Lâm vào ngày 28/10, riêng tại xã này có khoảng trên dưới 200 người tham gia vận chuyển gia cầm nhập lậu, chưa kể đội ngũ đông đảo từ xã Thuỵ Hùng, Phú Xá tới.

Đối với khu vực xã Yên Khoái huyện Lộc Bình, trong khoảng 2 tháng trở lại đây, tình trạng nhập lậu gia cầm đang được các cơ quan chức năng địa phương làm gắt gao, nên tình hình khá yên ắng.

Anh Ấu Viết Mình (thôn Cò Luồng, xã Bảo Lâm) là người thường xuyên chở gia cầm thuê từ biên giới vào nội địa cho biết, hầu hết những người dân ở đây đều không biết gì về melamine.

Anh Ấu bảo, có người thuê chở, kiếm được được 100 ngàn mỗi tối là... cứ đi.