Trưa 4.10, thứ trưởng bộ Y tế Cao Minh Quang đã làm việc với đoàn thanh tra số 2 của bộ Y tế, sở Y tế TP.HCM, viện Vệ sinh y tế công cộng, phòng PA 25 - Công an TP.HCM về các vấn đề liên quan đến melamine trong sữa.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Văn Châu, giám đốc sở Y tế TP.HCM, đoàn thanh tra sở Y tế cũng đã lấy được 65 mẫu sữa, kiểm nghiệm 41 mẫu, trong đó có 8 mẫu dương tính với melamine (5 mẫu của Yili, 1 mẫu của công ty Á Châu, 1 mẫu của công ty Lựa Chọn Đỉnh, 1 mẫu của công ty Golden Food).
Thực tế nảy sinh trong chiến dịch truy quét sữa nhiễm độc, theo bác sĩ Châu, là kết quả xét nghiệm melamine không trùng khớp nhau, bởi đến nay đã có hai doanh nghiệp tranh chấp về kết quả là công ty Golden Food và Á Châu.
Một thực tế khác, bộ Y tế mới chỉ có quyết định tiêu huỷ sản phẩm của Á Châu và 5 loại sữa Yili của Kim Ấn, vậy sản phẩm nhiễm melamine của Lựa Chọn Đỉnh và Golden Food phải xử lý ra sao?
Trả lời những vấn đề thắc mắc trên, thứ trưởng Cao Minh Quang cho biết bộ Y tế đang cân nhắc việc tiêu huỷ sản phẩm, vì trong 23 mẫu sữa nhiễm melamine, đến nay bộ Y tế mới chỉ ban hành 3 quyết định thu hồi và tiêu huỷ là sữa Yili của Kim Ấn, nguyên liệu sữa của công ty sữa HanoiMilk (Hà Nội) và Á Châu (TP.HCM).
Như vậy, còn hơn 300 tấn sữa nhiễm melamine từ các tỉnh, thành phố phải tiêu huỷ. Đối với các sản phẩm chỉ "có vết nhiễm melamine”, theo ông Quang, chúng sẽ bị thu hồi, ngưng lưu thông và vào đầu tuần tới bộ Y tế sẽ sớm ban hành giới hạn an toàn của melamine cho phép trong thực phẩm, dựa trên quy định của các quốc gia trong khu vực và của tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Cũng cần nhắc lại, kết quả nghiên cứu mới đây của các chuyên gia an toàn thực phẩm của FDA (Mỹ) đã xác định mức nhiễm 2,5 phần triệu melamine trong các loại thực phẩm không hề gây rủi ro. Tuy nhiên điều kiện an toàn là các loại sữa infant formula (sữa nhái sữa mẹ) dành cho trẻ sơ sinh phải không nhiễm melamine.