Ứng dụng công nghệ thông tin ở Điện lực Thái Nguyên

14:16, 02/10/2008

Với nhiệm vụ kinh doanh điện và cung cấp các dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh, Điện lực Thái Nguyên đang quản lý trên 1.200 trạm biến áp;  1.300 máy biến áp và 3 triệu km đường dây dẫn với 120.000 khách hàng sử dụng dịch vụ điện, 46.000 khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông.

Với một khối lượng tài sản và công việc như vậy, việc ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) là cần thiết, mang lại hiệu quả trong quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh ở Điện lực Thái Nguyên.

 

Trao đổi với chúng tôi,  ông Trần Hồ Nam, Trưởng phòng CNTT & Viễn thông Điện lực Thái Nguyên cho biết từ năm 2006, Điện lực Thái Nguyên đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động chuyên môn bằng việc đưa vào sử dụng quản lý công tác kinh doanh trên chương trình CMIS- phần mềm dựa trên cơ sở dữ liệu Oracle9i hiện đại. Qua triển khai rộng rãi chương trình CMIS trong toàn Điện lực Thái Nguyên đã mang lại hiệu quả cao như: Phản ánh kịp thời, chính xác các thông tin về công tác kinh doanh; giảm chi phí thay đổi, bảo trì hệ thống quản lý kinh doanh điện năng; cung cấp một kho thông tin đầy đủ và chính xác về khách hàng dùng điện, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, nâng cao năng suất lao động cũng như năng lực của cán bộ quản lý…

 

 Cùng với đó, công tác quản lý tài chính bằng phương pháp thủ công trên sổ sách hoặc dùng bảng tính điện tử Excel trước đây của đơn vị đã được thay thế bằng chương trình hạch toán kế toán ( FMIS). Đây là chương trình sử dụng mô hình Clienl-Server, bằng ngôn ngữ Visual Basic.Net, với cơ sở dữ liệu là SQL 2000 server. Dữ liệu tập trung ở máy chủ đặt tại Điện lực, phân quyền sử dụng cho các đơn vị. Việc ứng dụng FMIS đã giúp cho Điện lực Thái Nguyên hoàn thành tốt các chỉ tiêu về thu tiền điện, chỉ tiêu tổn thất điện năng, điều tiết việc cung ứng điện năng cho các phụ tải một cách hợp lý; quản lý vốn, chi phí, vật tư có hiệu quả góp phần giảm chi phí giá thành, nâng cao năng lực kinh doanh.

 

Mặt khác, thông qua chương trình quản lý kỹ thuật an toàn lưới điện (PINET) bao gồm: Quản lý lý lịch các thiết bị, thông tin thí nghiệm, kiểm tra, đại tu và sửa chữa, các thông số kỹ thuật, thông tin vận hành, sự cố; báo cáo thống kê và phân loại tình trạng vận hành của từng đường dây cao thế, trung thế và từng trạm (từ trung gian đến các trạm phụ tải); cung cấp thông tin về sự cố hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng của từng đường dây, từng trạm và từng thiết bị; đưa ra các số liệu thống kê, cảnh báo nhằm hỗ trợ cho việc lập kế hoạch chỉ tiêu và sửa chữa.

 

Việc ứng dụng các chương trình quản lý CMIS, FMIS, PINET đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh điện như: Giúp người quản lý sau khi được khách hàng báo sự cố sẽ tìm được ngay vị trí sự cố trên hệ thống máy tính để khắc phục, sửa chữa; tính toán được sản lượng tiêu thụ điện; thu nộp kịp thời tiền điện và quản lý được giá bán của khách hàng…

 

Từ ngày 1-8-2008, Điện lực Thái Nguyên đã ứng dụng chương trình quản lý công văn trên hệ thống mạng LAN nội bộ. Công văn được chuyển đến các phòng, ban có hệ thống, không gây thất lạc, qua đó các phòng ban chức năng xử lý kịp, thời nhanh chóng. Đồng thời, giúp cho Lãnh đạo Công ty có mối liên hệ chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn, cập nhật các thông tin, dữ liệu được thường xuyên của đơn vị để từ đó xử lý, điều hành hoạt động được kịp thời và chính xác.

 

Nhờ việc ứng dụng CNTT,  Điện lực Thái Nguyên ngày càng phát triển: Doanh thu hàng năm tăng bình quân 10-12%; tổn thất điện hàng năm giảm từ 0,2-0,3%; giá bán điện bình quân hàng năm tăng 17,1 đồng/KWh; phát triển khách hàng tăng từ 10-15%. Kết quả kinh doanh điện thương phẩm qua 9 tháng của năm 2008 đạt trên 850 triệu KWh (kế hoạch dự kiến cả năm là 1,2 tỷ KWh). Tỷ lệ tổn thất điện năng 5,72%, tiết kiệm được 10.224.902 KWh. Công tác kinh doanh viễn thông điện lực đạt mức tăng trưởng cao. Nếu như năm 2006 số thuê là 10.458, doanh thu 4.501 triệu đồng thì đến hết 6 tháng đầu năm 2008 số thuê bao đạt 43.000, doanh thu tăng lên 13 tỷ đồng.

 

Thời gian tới Điện lực Thái Nguyên sẽ tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn, với số lượng tăng lên đột biến đến trên 300.000 khách hàng, nên việc tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và sản xuất kinh doanh là rất cần thiết.  Chính vì vậy, để duy trì đều đặn và ổn định hệ thống CNTT, thời gian tới Điện lực Thái Nguyên sẽ tiếp tục đầu tư trang bị, bổ sung thiết bị, đồng thời cử một số cán bộ đi học chuyên sâu về CNTT để cập nhật những công nghệ mới nhất, nhằm đáp ứng nhu tốt hơn yêu cầu về phát triển, ứng dụng CNTT của ngành Điện.