Vương vấn La Bằng

15:27, 06/10/2008

Lần này đến La Bằng, trong tôi lại dâng trào một nguồn cảm xúc mới, đó là sự đổi thay nhanh chóng trên quê hương cách mạng này so với 3 năm trước. Từ những ngôi nhà ẩn hiện sau những nương chè, trạm xá, trường học, trụ sở làm việc của xã đến những con đường chúng tôi qua, phần lớn đều được xây dựng mới, tu sửa khang trang, tạo cho La Bằng một diện mạo mới.

Chúng tôi đến La Bằng khi sương sớm còn chưa kịp tan trên những búp chè non mơn mởn. Chè La bằng có hương vị thơm ngon nổi tiếng, đã tốn khá nhiều giấy mực của những nhà báo, nhà văn... như chúng tôi. Nhưng lần này đến La Bằng, trong tôi lại dâng trào một nguồn cảm xúc mới, đó là sự đổi thay nhanh chóng trên quê hương cách mạng này so với 3 năm trước chúng tôi đã có dịp đến tác nghiệp. Từ những ngôi nhà ẩn hiện sau những nương chè, trạm xá, trường học, trụ sở làm việc của xã đến những con đường chúng tôi qua, phần lớn đều được xây dựng mới, tu sửa khang trang, sáng sủa, hiện đại, tạo cho La Bằng một diện mạo mới.

 

Trong gian phòng làm việc khá tiện nghi, Bí thư Đảng uỷ Nguyễn Xuân Nang tiếp chúng tôi rất niềm nở, anh cho biết: Những năm gần đây, đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân xã La Bằng được nâng lên đáng kể,  là nhờ cây chè, cây lúa đã được đầu tư thâm canh đúng mức, nông dân tích cực đưa các giống cây trồng mới vào gieo trồng. Năng suất lúa không ngừng tăng qua các năm. Nếu như năm 2006, năng suất lúa mới đạt 53,62tạ/ha, thì vụ chiêm xuân năm nay đã đạt được 56,1 tạ /ha. Cây chè từ -60-70 tạ/ha, tăng lên 80-90 tạ/ha. Trung bình mỗi năm xã tổ chức khoảng 20 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, trồng mới thâm canh chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm... cho gần 1.000 lượt người. Xã khuyến khích, vận động nhân dân tích cực đưa các loại giống lúa lai mới, các giống chè mới như Keo Am Tích, Ô long... vào sản xuất.

 

La Bằng có nhiều mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập từ  50-100 triệu đồng/năm. Tổng thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6,3 triệu đồng/người/năm (năm 2006) lên 7,4 triệu đồng/người/năm (năm 2007) và phấn đấu đến năm 2010 đạt 9 triệu đồng/người/năm. Để đạt được những chỉ tiêu về phát triển kinh tế, Ban chỉ đạo phát triển sản xuất xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm, phân công cán bộ phụ trách từng mảng công việc và địa bàn. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi sát với tình hình thực tế địa phương.

 

Khi đời sống kinh tế phát triển bà con sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của cùng với Nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi; sẵn sàng hiến đất, tài sản để các công trình công cộng được thi công đúng tiến độ. Tổng giá trị xây dựng cơ bản của xã đến nay đã lên tới hơn 11 tỉ đồng từ các nguồn vốn vay, vốn đầu tư, tài trợ, hỗ trợ và tiền đóng góp của nhân dân.

 

Chúng tôi đi theo những con đường được trải bê tông, trải nhựa để đến thăm các xóm Rừng Vần, Lau sau, Non Bẹo... xóm nào cũng có nhiều nhà xây mái ngói, nhà cao tầng, vườn chè, vườn cây ăn quả tốt tươi. Xã La Bằng chỉ còn duy nhất 1/10 xóm chưa xây dựng được nhà văn hoá; một xóm đường đi lại còn khó khăn. 100% số xóm đã xây dựng được cụm loa truyền thanh. Trạm Y tế xã xây 2 tầng có 10 phòng khám và điều trị bệnh với khá đầy đủ các trang thiết bị khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn quy định. Các Trường THCS, tiểu học, mầm non đều xây dựng khang trang, đảm bảo công tác dạy và học. Hai trường THCS và tiểu học đang phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia vào năm học tới. Xã đã được đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch tự chảy tới 8/10 xóm, đảm bảo trên 60% số hộ dân dược sử dụng nước sạch. Hơn 15,5 km kênh mương được xây dựng kiên cố, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chợ được mở rộng và xây mới, đáp ứng nhu cầu giao thương của nhân dân trong xã. 10/10 đã được sử dụng điện lưới Quốc gia. 100% số hộ sản xuất chè có xưởng chế biến dùng động cơ.

 

Càng đi càng nắm bắt được nhiều thông tin, chúng tôi càng thêm vui trước những thành quả mà xã La Bằng đã đạt được hôm nay. Toàn xã chỉ có 880 hộ dân với trên 3.700 nhân khẩu, nhưng có tới 7 dân tộc anh em quần tụ sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số như dân tộc Ngái, Cao Lan, Sán Chí, Dao, Nùng... chiếm trên 40%. Nhưng các dân tộc anh em đã biết đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống quê hương cách mạng - nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp, vuợt qua khó khăn để đẩy lùi nghèo đói. Hiện nay, xã còn 21% hộ nghèo theo tiêu chí mới, các năm xã đều giảm số hộ nghèo vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra (năm 2006 vượt 56,76%; năm 2007 vượt 46,67%; đến hết tháng 6 năm 2008 đã giảm nghèo đạt 33,3% kế hoạch)...

 

Chia tay La Bằng khi mặt trời bắt đầu xuống núi, chúng tôi thấy thời gian trôi  nhanh quá, một ngày chưa đủ để khám phá hết những điều mới mẻ, đổi thay ở miền quê thuần nông này. Còn biết bao nhiêu cách làm hay, việc làm tốt, những tâm tư nguyện vọng, kinh nghiệm làm ăn của người dân muốn được cùng chúng tôi chia sẻ... Hẹn trở lại La Bằng vào một ngày không xa.