Các địa phương khẩn trương đối phó, di dời dân đến nơi an toàn - Bão suy yếu thành vùng áp thấp - Chuyển từ phòng, chống bão sang tập trung phòng, chống mưa lũ, úng ngập
Từ trưa 17-11, tâm bão số 10 đã bất ngờ đổi hướng đi lên phía Bắc và đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Nam Trung Bộ. Như vậy, bão đã vào bờ sớm hơn nhiều giờ và hướng đi lệch rất xa so với dự báo trước đó của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và gây thiệt hại tại một số địa phương. Ngay từ sáng 17-11, nhiều tỉnh, thành từ Nam Trung Bộ đến Tây Nam Bộ đã chủ động, tích cực chuẩn bị chống bão.
Tại tỉnh Phú Yên, mưa bão đã gây đổ, làm tốc mái hơn 40 ngôi nhà ở xóm Lẫm, thôn Uất Lâm, xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa); sạt lở 2 điểm ở phía Nam hầm Vũng Rô 1 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua Phú Yên khiến đường sắt bị ách tắc trong nhiều giờ. Có hai tàu cá của ngư dân tỉnh này chưa vào được bờ, đang chờ ứng cứu. Đến hết ngày 17-11, mưa bão đã làm chết 4 người ở tỉnh Phú Yên.
Tại tỉnh Khánh Hòa, đến 17 giờ ngày 17-11, bão số 10 làm chìm 90 tàu, thuyền đánh cá của ngư dân trong tỉnh. Ở thị xã Cam Ranh có một người bị chết vì chập điện do bão.
Tại tỉnh Ninh Thuận, đến 16 giờ ngày 17-11, tỉnh này huy động lực lượng bộ đội, công an phối hợp với chính quyền cơ sở vận động 2.125 hộ với 8.379 người dân ở những vùng ven biển, ven sông, ven núi có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi trú ẩn an toàn. Lực lượng biên phòng tỉnh Ninh Thuận đã gọi 2.081 tàu cá với 12.628 lao động vào nơi trú ẩn.
Tại tỉnh Long An, đến chiều 17-11, đã có gần 2.000 hộ dân trong vùng bão tự di dời đến nơi an toàn. Hàng trăm tàu, thuyền đánh cá ven bờ thuộc các huyện Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc cũng đã được gọi vào bờ neo đậu.
Tại tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Phòng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết đã điều động 500 thanh niên xung kích đến làm công tác hỗ trợ các đê biển. Đến 16 giờ ngày 17-11, tất cả các tuyến đê bao xung yếu đã được gia cố.
Tại tỉnh An Giang, các cơ quan chức năng tỉnh này đã chỉ đạo các huyện khẩn trương di dời dân vùng ven sông, vùng có nguy cơ xảy ra dông lốc, lũ núi đến nơi an toàn; ngành nông nghiệp thông báo nông dân tạm ngưng xuống giống vụ đông xuân 2008 từ ngày 17-11 đến khi bão tan sẽ chỉ đạo tiếp; kiểm tra các bờ đê, chuẩn bị bơm chống úng.
Tại tỉnh Trà Vinh, vào sáng 17-11, đã có 1.040 tàu với 5.191 thuyền viên về neo đậu ở cảng cá Láng Chim và bến cá Định An.
Tại tỉnh Bạc Liêu, sáng 17-11, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này chỉ đạo chuẩn bị triển khai phương án sơ tán hơn 330.000 người dân sinh sống ở vùng ven biển, những khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến các điểm an toàn để tránh bão. Đến chiều cùng ngày, tất cả 219 tàu cá của tỉnh Bạc Liêu với 2.037 thuyền viên đều đã nhận được tín hiệu kêu gọi vào nơi trú ẩn an toàn.
Tại tỉnh Kiên Giang, đến 19 giờ ngày 17-11, đã có khoảng 2.000 tàu cá đã vào bờ trú ẩn, hơn 2.500 tàu đang trên đường vào bờ. Tuy nhiên, vẫn còn hàng ngàn phương tiện đánh bắt đang hoạt động trên biển.
Tại tỉnh Cà Mau, theo thống kê của Bộ đội Biên phòng tỉnh này, đến 17 giờ cùng ngày, còn hơn 400 tàu đánh bắt của ngư dân Cà Mau đang hoạt động trên biển.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, khoảng 15 giờ - 16 giờ ngày 17-11, bão số 10 đã đi vào địa phận các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận. Sau khi vào đất liền, bão suy yếu rất nhanh thành một vùng áp thấp. Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển về phía Tây, suy yếu và tan dần.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chiều 17-11, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, nhận định cơn bão này có diễn biến phức tạp, tốc độ nhanh nhưng nhờ cường độ bão nhỏ nên không gây thiệt hại lớn về người và của. Khi bão suy yếu và tan dần, các địa phương, các ngành liên quan chuyển từ phòng, chống bão sang tập trung phòng, chống mưa lũ, úng ngập. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT ngày 17-11 đã có công điện gửi giám đốc các sở GD-ĐT, hiệu trưởng các trường cao đẳng, đại học các địa phương có tâm bão đi qua yêu cầu cho học sinh, sinh viên nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ. Bộ Y tế cũng đã có công điện khẩn gửi sở y tế các tỉnh, TP từ Thừa Thiên - Huế đến Cà Mau yêu cầu triển khai ngay phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân; tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ; sẵn sàng nhận và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do mưa, bão gây ra.