Ám áp bản người Mông Chòi Hồng

08:27, 17/11/2008

Con đường vào bản Mông Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai) tuy còn gập ghềnh khó đi nhưng xe ô tô đã đến được trung tâm xóm. Cuộc sống của bà con giờ đã khấm khá hơn rất nhiều.... Trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân không khí ấm áp tràn đầy trong những nếp nhà.

Một sự kiện có lẽ là quan trọng nhất trong năm vừa xảy ra ở bản người Mông được bà con hồi hộp chờ đón trong niềm háo hức. Ngay từ sáng sớm khi làn sương đêm vẫn còn vương trên những cành lá, cái lạnh đầu đông làm cóng tay người thì bà con đã quần áo gọn gàng, sắc mầu rực rỡ có mặt đông đủ trước sân nhà văn hóa của xóm để đón khách. Ông Dương Văn Sình, Trưởng xóm Chòi Hồng phấn khởi: Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức hàng năm vào ngày 18-11 nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên được tổ chức có quy mô lớn và sự có mặt chia vui, động viên của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện và xã. Bà con háo hức lắm. Các tiết mục văn nghệ được tập luyện thuần thục để biểu diễn chào mừng Ngày hội.

 

Có mặt tại đây chúng tôi thấy vui lây với không khí tưng bừng, phấn khởi của người dân. Những cô gái Mông trong bộ váy áo truyền thống của dân tộc do chính bàn tay khéo léo của mình làm ra. Khi được hỏi về chiếc váy mầu sắc sặc sỡ được đính kim sa đủ màu, chị Sùng Thị Pình 30 tuổi khoe: “Váy áo mình tự khâu lấy đấy, phải mất gần một năm mới xong và chỉ mặc trong dịp lễ, Tết thôi. Con gái Mông khoảng 9-10 tuổi là mẹ đã dạy cách khâu váy áo để diện rồi”. Khó nhất là thêu đai áo, thắt lưng phải tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ không sẽ rất xấu. Chỉ nhìn cách đính kim sa, hạt nhựa nhiều màu để trang trí là đã thấy người con gái Mông có con mắt thẩm mỹ thế nào. Diện váy áo đẹp khi mặc đi hội đám con trai sẽ biết ngay chủ nhân của nó là người thế nào. Đó là chiếc áo mặc trong ngày hội, còn chiếc áo khi về nhà chồng lại được các cô gái Mông làm cầu kỳ hơn. Đó là sản phẩm “ghi điểm” của các nàng dâu trong mắt mẹ chồng và anh em bên chồng...

 

Trở lại Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc. Tại đây, những chàng trai, cô gái Mông đã trình diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc của dân tộc mình làm ấm lên không khí Ngày hội. Tiếng vỗ tay vang dội từ phía khán giả cho những tiết mục: Về với bản em, Đến với Chòi Hồng..., ấn tượng nhất là tiết mục múa sạp của các nam thanh, nữ tú tay trong tay nhịp nhàng theo điệu nhạc.

 

Điểm qua vài nét nhỏ như vậy có thể thấy bản Chòi Hồng là bản mang đậm bản sắc văn hóa của người Mông. Bản có 156 hộ thì có tới 154 hộ dân tộc Mông, với hơn 900 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân bản Mông giờ đã khác xưa nhiều lắm. Không còn tình trạng du canh, du cư, đốt phá rừng làm nương rẫy, không còn những mái nhà nằm cheo leo trên sườn núi mà người dân giờ đã sống quần tụ. Trước đây họ chỉ trồng cây ngô giống địa phương là cây lương thực chủ lực, giờ họ đã biết thâm canh các giống ngô lai cao sản. Giống lúa lai cũng được bà con gieo trồng ở những chân ruộng gần nguồn nước. Đồng thời, họ còn được cán bộ nông nghiệp xã, huyện tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng các giống mới. Người Mông đã biết ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nên năng suất cây trồng đã cao hơn. Đối với những diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả người dân đã biết chuyển đổi sang trồng mía nấu đường. Cả xóm có vài chục hộ trồng mía chủ yếu là mía trắng, trong đó có số ít diện tích mới trồng giống mía Đài Loan, điển hình là gia đình ông Mã Văn Lý trồng hơn 2ha mía, mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Nhận thức của người dân đã dần thay đổi, cuộc sống định canh định cư đã mang lại no ấm cho đồng bào nên họ không còn phá rừng làm nương rẫy nữa mà tích cực phủ xanh đất trống, đồi trọc. Nhiều hộ đã thóat nghèo nhờ trồng rừng như gia đình ông Đào Văn Sùng trồng hơn 3ha rừng keo... Năm trước, bản có 63 hộ nghèo, đến nay 36 hộ đã thóat nghèo; 50% số hộ có xe máy, phương tiện nghe nhìn... Các hộ nghèo được vay vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện với tổng số tiền gần 200 triệu đồng để phát triển kinh tế.

 

Cuộc sống vật chất của người ngày một khấm khá hơn, đời sống tinh thần cũng được quan tâm, các hộ dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đóng góp đầy đủ các loại quỹ; bản không có người mắc tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh nhà mình và ngõ xóm. Nhờ đó phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được thực hiện tốt, niềm vui, phấn khởi rạng rỡ hiện trên khuôn mặt mỗi người.