Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 26/11 cho hay, khi kiểm tra 5.939 hộ dân, các cơ quan chức năng đã phát hiện 1.635 hộ vi phạm về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (chiếm 27,52%).
Xoay quanh vấn đề về thuốc ngoài danh mục, ông Nguyễn Quang Minh, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, thông thường, một loại thuốc muốn được đăng ký tại Việt Nam thì cơ quan đăng ký phải gửi hồ sơ lên Cục Bảo vệ Thực vật. Sau đó, đơn vị này sẽ tham khảo các tài liệu và nếu thấy an toàn sẽ đưa vào khảo nghiệm, xác định thời gian cách ly… rồi mới đồng ý đưa vào danh mục.
Ông Trịnh Công Toản, Chánh thanh tra Cục Bảo vệ Thực vật cho Vietnam+ hay, Cục đã từng kiểm tra một số loại thuốc ngoài danh mục. Kết quả cho thấy, có nhiều loại thuốc có những hoạt chất đã được phép sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều loại thuốc mà các cơ quan chức năng không biết tới.
“Không loại trừ thuốc trôi nổi có loại rất độc cho con người”, ông Toản nói.
PGS.TS Trần Khắc Thi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau, Hoa, Quả nhận định: “Nhiều loại thuốc trôi nổi không có nhãn mác khiến người bán và người mua lầm tưởng rồi đem thuốc chữa bệnh nọ phun cho ruộng rau bị bệnh kia... Đấy là chưa kể việc do không đọc được chữ nên dùng sai liều lượng, sai quy trình cách ly, gây hại cho người tiêu dùng”.
Trên thực tế ít có những vụ việc ngộ độc do ăn rau, quả tồn đọng nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có chăng cũng chỉ làm đau bụng, ngộ độc cấp tính. Nhưng, theo nhiều nhà khoa học, khi con người ăn phải rau có tồn đọng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong một thời gian dài thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Từ đó, các chuyên gia và nhà quản lý khuyến cáo, người nông dân phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục để bảo đảm an toàn cho chính mình và người tiêu dùng.