Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (Ban Chỉ đạo), tính đến sáng 8-11, đã thông báo kêu gọi được 23.576 tàu/118.629 ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển biết hướng di chuyển của bão số 9 (tên quốc tế là Maysak) để chủ động di chuyển phòng tránh
Ngày 8-11, Ban Chỉ đạo đã có công điện gửi tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và các bộ, ngành liên quan. Theo đó, 2 địa phương và các bộ, ngành bằng mọi biện pháp sử dụng tất cả các phương tiện thông tin và truyền thông để thông báo và kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Để đối phó với bão số 9, Bộ đội Biên phòng có công điện chỉ đạo biên phòng tuyến biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và 3 Hải đoàn Biên phòng 18, 28, 48 chỉ đạo công tác đối phó với bão số 9 và kêu gọi tàu thuyền. Tổ chức bắn pháo hiệu tại 39 điểm và đã huy động 1.975 cán bộ, chiến sĩ và 146 tàu, xuồng, ô tô các loại thường trực cơ động phòng chống bão.
. Trước tình hình cơn bão số 9 diễn biến phức tạp, các tỉnh, TP như: Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng... đều chuẩn bị phương án đối phó, kêu gọi hàng trăm tàu bè của ngư dân vào bờ.
. Tại Quảng Bình, có mưa rất to, từ 150 - 200 mm, nước các sông lên nhanh.
. Tại Huế, có mưa to đến rất to, mực nước hầu hết các sông đều ở mức báo động 2; Sở GD-ĐT đã chủ động cho học sinh nghỉ học. Tại Đà Nẵng, tối 8-11, bộ đội biên phòng đã kêu gọi hơn 300 tàu của ngư dân vào bờ, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện đón bão.
. Tại TPHCM, lúc 13 giờ 30 ngày 8-11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM- Trưởng Ban Phòng chống lụt bão TP Nguyễn Trung Tín đã chỉ đạo cuộc họp khẩn để triển khai phương án ứng phó. Ông Tín yêu cầu tất cả đơn vị phải dự trù tình huống xấu nhất, phòng ngừa cả trường hợp bị cô lập hoàn toàn, để chủ động ứng phó giảm thiểu thiệt hại do bão. Đặc biệt phải đối phó hiệu quả với đợt triều cường ở hạ lưu sông Đồng Nai, Sài Gòn. Tất cả các sở-ban-ngành, quận-huyện, phường-xã-thị trấn và các cơ quan phải tham mưu 24/24 giờ để nắm chắc tình hình, chủ động tác chiến.