Mưa lũ trong những ngày qua tại các địa phương làm 50 người chết, hàng ngàn ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng.
Tại khu vực nội thành Hà Nội, đến tối 2/11 vẫn còn 50 điểm úng ngập. Nhiều điểm úng ngập kéo dài hàng trăm mét, sâu tới 1m, nước chưa có dấu hiệu rút. Trong khi đó hàng chục km đê, đập ngoại thành Hà Nội bị sạt lở nghiêm trọng. Tuyến đê sông Hồng đã xảy ra sự cố sạt, trượt mái đê, bờ sông, nặng nhất là ở các huyện Mê Linh, Đan Phượng. Ở đập Thanh Liệt, con đập ngăn nước lũ đổ từ sông Nhuệ vào thành phố Hà Nội, nước đã tràn qua. Tại đây, nhiều con trạch đã được đắp lên để ngăn nước. Tại huyện Mỹ Đức, đã có khoảng 16 km đê sạt lở, 2.000 hộ dân đã phải di dời. Nguy cơ vỡ tuyến đê của huyện rất cao vì áp lực nước đã vượt mức nước lớn, trong khi đó lũ vẫn tiếp tục tràn về. UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện, thành phố trực thuộc tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên hàng đầu cho công tác tiêu úng, đặc biệt là khu vực nội thành. Tất cả học sinh Hà Nội được nghỉ học hết ngày hôm nay.
Mực nước sông Nhuệ qua địa phận tỉnh Hà
Tại tỉnh Ninh Bình, trước diễn biến nước hạ nguồn sông Hoàng Long dâng cao, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cử cán bộ xuống cơ sở phối hợp với lực lượng phòng chống lụt bão huyện Gia Viễn gia cố đập tràn Lạc Khoái, ngăn không cho nước làm vỡ đập tràn. Tỉnh Ninh Bình và các địa phương xung quanh huyện Gia Viễn hỗ trợ các chủ thuyền xăng dầu phục vụ công tác cứu trợ, vận chuyển miễn phí nhân dân đến nơi an toàn...
Tại Nam Định, nhờ phát hiện sớm, đến nay, những điểm thẩm lậu, rò rỉ, sụt sạt trên tuyến đê sông Đáy đoạn qua 2 huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng cơ bản được khắc phục. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Ý Yên tổ chức trực ban suốt ngày đêm thực hiện “phương châm 4 tại chỗ”, thường xuyên kiểm tra, nhanh chóng xử lý sự cố trong tình huống xấu.
Tại Thanh Hoá, huyện Thạch Thành một trong những rốn lũ của tỉnh có hơn 4.300 nhà dân bị ngập nước. Hơn 4.000 người phải đi sơ tán, nhiều trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, trạm xá, điểm bưu điện, trường học và hàng trăm héc ta hoa màu bị ngập nặng.
Nghệ An: Chiều và đêm 2/11, tại các huyện miền núi Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp (Nghệ An)…mưa lớn kéo dài gây sạt lở mái ta luy dương trên quốc lộ 48, từ km 103 đến km 103 + 250, xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu), với khối lượng đất, đá bị sạt lở ước khoảng trên 5.000 m3 , gây tắc nghẽn giao thông. Đến 5 giờ ngày 3/11, tuyến đường từ huyện Quỳ Châu lên huyện Quế Phong đã bị gián đoạn. Ngoài ra, tại km 107 + 700 trên cầu tràn Khe Cong; từ km 111 + 500 đến km 112 + 163 thuộc tràn Phú Phương 1, Phú Phương 2 và từ km 120 + 830 tràn Châu Kim, nước đang ngập sâu từ 0,5-1,5 m. Ngành giao thông vận tải tỉnh đã huy động nhân lực, phương tiện san, gạt phấn đấu 18 giờ ngày 3/11 thông xe. Đối với các đoạn bị ngập, các đơn vị quản lý giao thông cử người trực gác 2 đầu vị trí ngập, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông. Huyện Hưng Nguyên một trong 3 huyện thiệt hại nặng nhất của tỉnh Nghệ An, hiện đang tập trung khắc phục hậu quả sau lụt để ổn định sản xuất vụ xuân.
Tại các tỉnh Tây Bắc, mưa lớn cũng xuất hiện trên diện rộng. Suốt ngày hôm qua đến sáng nay 3/11, tại tỉnh Lào Cai có mưa vừa và mưa to trên diện rộng. Mưa lớn đã gây sạt lở một số điểm trên các tuyến Quốc lộ 70. Các suối ngòi ở huyện Văn Bàn, Bảo Yên xuất hiện lũ. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp tỉnh Lào Cai bố trí lực lượng trực suốt ngày đêm; đồng thời chủ động di chuyển các hộ ở vùng nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn; cắm biển cảnh báo tại các ngầm tràn để nhân dân cảnh giác với lũ quét. Tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, mưa to nhưng chưa xuất hiện lũ lớn.
Mưa lớn kéo dài từ ngày 31/10 đến ngày 2/11 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh với tổng lượng mưa trung bình 307 mm, trong đó huyện Yên Phong, thị xã Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh lượng mưa ở mức từ 344 mm đến 402 mm đã gây úng ngập trên diện rộng, ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt của người dân và thiệt hại nhiều diện tích lúa và hoa màu. 141 máy bơm của 19 trạm bơm tiêu chính trên địa bàn đã hoạt động hết công suất để bơm nước tiêu úng. Ngoài ra các hợp tác xã cũng huy động bà con xã viên sử dụng máy bơm cơ động và gầu tát nước để đưa nước ra các kênh tiêu, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho lúa và cây trồng.
Tại thành phố Bắc Ninh, đến nay vẫn còn một số tuyến đường ngập sâu trong nước từ 0,3 m đến 0,5 m như ngã tư Cổng Ô, vườn hoa Bắc Ninh, đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Cao, Trần Hưng Đạo, cầu cạn Y Na, Niềm Xá... Nhiều đoạn trên tuyến quốc lộ 1A ( cũ) từ thị xã Từ Sơn đến huyện Tiên Du bị ngập, không thể tiêu thoát nước do các ao, hồ không còn khả năng điều hoà. Mưa lớn tại khu vực trung tâm thị xã Từ Sơn làm ngập đường đã khiến cho anh Đàm Công Thạo, 32 tuổi ở thôn Kim Bảng, xã Hương Mạc khi đón con đi học về do không nhìn rõ đường đã lao xuống hố ga, bị ngạt nước dẫn đến tử vong vào chiều 31/10. Khu vực nghĩa trang của xã bị ngập sâu trong nước nên linh cữu của anh Thạo đã phải an táng ở trong đồng ruộng. Tính đến ngày 3/11, diện tích lúa mùa muộn và cây vụ đông bị úng ngập của Bắc Ninh đã tăng lên 9.020 ha trong đó lúa là 2.130 ha, hoa màu là 6.890 ha. Huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh còn từ 245 đến 1.200 ha lúa mùa chưa kịp gặt. Con số thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp hiện chưa được tính toán cụ thể nhưng ước tính có trên 50% diện tích rau màu vụ đông gồm hành, tỏi, đỗ tương, rau xanh các loại bị mất trắng. Nhiều diện tích lúa bị ngập, đổ trong nước cũng bắt đầu nảy mầm. Dù trời còn mưa và nước trong đồng dâng cao, song nông dân xã Nội Duệ (Tiên Du) vẫn ra đồng gặt, mót từng cây lúa rồi dùng thuyền đưa vào bờ.
Tại tỉnh Bắc Giang, mưa lớn kéo dài trên diện rộng gây thiệt hại nhiều diện tích cây vụ Đông. Hơn 1/3 diện tích rau màu trồng sau bão số 6 tiếp tục ngập chìm trong nước, nguy cơ bị mất trắng… Theo Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Cầu Sơn, chỉ tính riêng diện tích tiêu úng tại 3 huyện: Lạng Giang, Yên Dũng và Lục Nam đã lên tới gần 1.000 ha.Bắc Giang đang tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Các công ty Khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã huy động 265 máy bơm để bơm tiêu cứu lúa và hoa màu.
Huyện Lục Ngạn tập kết 4.500 bao tải, 300 dân quân tự vệ cùng với lực lượng công an, quân đội đóng quân trên địa bàn tổ chức theo dõi, xử lý vết nứt tại đập Trại Muối (xã Giáp Sơn) và di dời 100 hộ dân ở khu vực hạ lưu đến nơi an toàn. Các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 (Học viện Chính trị Quân sự) cùng nhân dân địa phương dùng bao tải đất đắp con trạch ngăn nước trên một số tuyến đê bối ở hai xã Vân Hà và Tiên Sơn đồng thời khẩn trương thu hoạch những ruộng lúa đã chín, các ao nuôi thủy sản. Các trạm bơm lớn như Ngọ Khổng 2, Ngọ Khổng 1, Cẩm Bào ở huyện Hiệp Hòa đã hoạt động hết công suất, liên tục 24/24 giờ bơm nước ra sông kịp thời chống úng cho lúa, màu… Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCLB tỉnh, nưa lớn làm ngập úng 4.661 ha cây trồng vụ đông, trong đó có hơn 1.430 ha lúa mùa muộn và 3.231 ha hoa màu. Mưa lũ làm đổ 1 ngôi nhà, ngập 100 hộ dân và phá huỷ ngầm Vực Làng ở xã Phúc Thắng (huyện Sơn Động); đê bối tại xã Vân Hà đã tràn trên chiều dài 2km...
Phú Thọ: Hiện nay, hồ thủy điện Tuyên Quang đang mở 4 cửa xả đáy, khiến mức nước các sông tại Phú Thọ lên nhanh. Tính đến 9 giờ sáng 3/11, mức nước đo được tại Ấm Thượng là 24,70 mét, trên báo động I là 0,20 mét; tại Phú Thọ, Việt Trì đều ở mức sấp sỉ báo động I... Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh đã có 91 xã bị thiệt hại, ước tính 34 tỷ đồng với 99 ha lúa bị ngập; 6.830 ha mạ bị úng; bị ngập 615 ha hoa màu; 3.715ha ngô bị hư hại; 1.533 ha ao hồ bị tràn, vỡ; 16.210 mét đê bờ sông bị sạt lở; trên 23.610 mét ta luy bị sạt; 73 công trình thủy lợi, phai, đập bị vỡ; vỡ 3.445 mét kênh mương nội đồng. Mưa lũ đã làm anh Nguyễn Văn Trương (sinh năm 1984) tại xã Yến Mao, huyện Thanh Thủy bị chết; 99 hộ phải di dời ra khỏi vùng có nguy cơ bị sạt lở, vỡ đê... tại hai huyện là Thanh Thủy và Thanh Sơn.
Tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tập trung khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra, thực hiện nước rút đến đâu, vệ sinh đến đó để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, đồng thời giúp nhân dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng, cầu cống bị vỡ, sạt ta luy. Tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát những nơi có nguy cơ sạt lở cao để có phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân…
Hải Dương: Đến sáng 3/11, mưa lớn ở Hải Dương đã gây ngập úng cục bộ 4.950 ha trên tổng số 17.935 diện tích cây vụ đông đã trồng tại 12/12 huyện, thành phố, trong đó bị ngập nặng là 1.779 ha. Ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Diện tích cây vụ đông ngập úng nặng chủ yếu là trồng cà rốt (615 ha ở các huyện Cẩm Giàng,
Tại Điện Biên, trong hai ngày qua, mưa vừa đến mưa to đã gây sạt lở và làm tắc cục bộ một số điểm trên tuyến Quốc lộ 279 và Quốc lộ 6 đi qua địa bàn. Công ty sửa chữa đường bộ 226, Sở Giao thông Vận tải Điện Biên cho biết: mưa lớn đã làm trơn trượt nền đường cộng với việc sạt lở mái ta luy âm và dương đã làm cho nhiều đoạn đường bị tắc cục bộ. Km 6, tuyến quốc lộ 279 ở dốc Ta Cơn qua xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo và km 383 đến km 384 trên quốc lộ 6, qua đèo Pha Đin là những đoạn có nền đường trơn trượt và sạt lở nhiều nhất. Hiện nay, các đơn vị thi công ở hai đoạn đường này đã giải phóng đất đá, khai thông nền đường, rải đá chống trơn trượt đảm bảo thông xe tạm thời. Tuy nhiên, do lượng đất đá sạt lở lớn trong nhiều tháng qua, đoạn đường qua đèo Pha Đin mới chỉ đảm bảo thông cho một làn xe.
Tuyên Quang: Mưa lớn kéo dài, lượng nước từ thượng nguồn đổ về lớn nên mực nước sông Lô đang lên nhanh. Thuỷ điện Tuyên Quang tiếp tục mở thêm 4 cửa xả nước nữa để đảm bảo an toàn cho công trình. Như vậy, thuỷ điện Tuyên Quang đã mở 5 cửa xả nước với lưu lượng 4000m3/s. Theo dự báo đến 19h ngày 3/11, mực nước sông Lô sẽ đạt 23,50m cao hơn mức báo động 1 là 1,50m nên có khả năng gây ngập lụt.
Tỉnh chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và quyết tâm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có tình huống xấu nhất xảy ra. Mưa lớn đã làm ngập úng và sạt lở đường tại một số xã tại huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Huyện Sơn Dương đã có hơn 300 ha lúa và hoa màu bị ngập úng hoàn toàn. Huyện Yên Sơn có hơn 200ha lúa và hoa màu bị ngập úng; hơn 26ha ao hồ bị ngập... UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các huyện, thị xã tổ chức kiểm tra ngay các vùng xung yếu thường xẩy ra lũ ống, lũ quét để có kế hoạch sơ tán dân đến vùng an toàn. Các xã có đê tổ chức ngay việc kiểm tra đê, cống dưới đê, kịp thời phát hiện các sự cố để có biện pháp khắc phục; tổ chức tuần tra canh gác đê 24/24h. Các lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tổ chức trực 24/24 giờ, bố trí đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xẩy ra.