Hò hẹn mãi, cuối cùng tôi cũng có được chuyến công tác lên Văn Lăng, một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ. Lúc mới có ý định, anh bạn đồng nghiệp cùng cơ quan, bảo: "Thời tiết này nên tranh thủ đi ngay, nếu mưa xuống thì không thể lên đến trung tâm xã chứ đừng nói gì đến chuyện muốn lên với các bản người Mông
Không như tôi hình dung, và cũng khác xa với những gì anh bạn đồng nghiệp mô tả, đường lên Văn Lăng bây giờ trải nhựa phẳng lỳ, nên chỉ sau hơn một giờ đồng hồ, chiếc u-oát đã đưa chúng tôi lên tới trung tâm xã. Chưa 8 giờ sáng, trụ sở xã đã khá nhộn nhịp. Đặt vấn đề làm việc ở xã với Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Thịnh, biết ý định của chúng tôi, anh nói ngay: "Các nhà báo muốn lên tận bản Tèn thì phải tranh thủ đi ngay, nếu không sẽ không kịp về ăn cơm trưa đâu". Xã đội phó Đặng Văn Lâm, người được anh Thịnh cử làm "hướng dẫn viên", cùng ngồi lên chiếc u-oát tiếp tục ngược lên bản Tèn.
Con đường lên bản Tèn mới được mở còn tươi màu đất mới. Xe đi được mấy chục phút là bắt gặp con đường độc đạo, phải vượt qua sông Cầu. Xã đội phó Lâm bảo, đoạn này qua sông khi nước chưa lớn thì ô-tô vẫn đi được, mùa nước lớn thì phải đi bộ qua cầu treo nhỏ phía bên dưới. Nhưng nhìn dòng nước chảy xiết, nên chúng tôi phải dừng lại để trinh sát kỹ.
- Các chú bộ đội lên bản Tèn à?- Chị phụ nữ đang giặt bên bến sông, hỏi. Lâm nhanh nhảu:
- Vâng, lên bản Tèn chị ạ! Chị có thấy xe ô-tô vào qua đây được không?
- Vào thường xuyên mà, xe còn to hơn xe này cũng vào được đấy!...
"R…ào!"- Chiếc xe vừa chạm nước đã thấy trệu trạo trên vô vàn đá cuội ở lòng sông. Hai bên thành xe nước bắn lên tung tóe. Đang giữ dòng, bỗng bánh xe khựng lại, quay tròn, nước ào vào trong xe ướt cả chân giày. "Không được rồi. Tháo giày xuống đẩy thôi!". Lái xe Trần Khang phải rời ca-bin xách dụng cụ xuống cài cầu. Chúng tôi cùng cởi giày tất, xắn quần lội ào xuống dòng nước xiết. "H…ai…ba…nào!"- Tiếng hò đẩy vang lên, khiến mấy thanh niên của bản đang đi ngang qua cũng chạy lại tiếp sức…Sau một hồi hết đẩy tiến, đẩy lùi, rồi lại tiến, cộng với sự giúp sức của mấy trai gái bản, chiếc u-oát mới chịu thoát khỏi sự thụt lún dưới lòng sông. Qua sông, đường khá rộng, nhưng càng lên càng chênh vênh. Có đoạn cua gấp tay áo rồi lại lượn lên khiến chiếc u-oát trở nên ì ạch, tiếng máy gằn khô khốc…
Lên cao nữa, Bản Tèn hiện ra giữa thung lũng bốn bề núi đá. Trung tâm bản là phân trường tiểu học. Cạnh đó, một ngôi nhà bốn mái mới được dựng lên. "Đó là nhà văn hóa của bản trị giá nửa tỷ đồng mới được tỉnh hỗ trợ xây dựng đấy!"- Lâm nói, rồi thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên về số tiền xây một nhà văn hóa bản mà lớn vậy, anh giải thích: "Đó là làm khi chưa có con đường này, nên giá vật liệu vận chuyển từ dưới kia lên đến đây đắt gấp mấy lần đấy!". Chúng tôi cùng "à" lên. Phân trường bản Tèn có 5 lớp học tiểu học. Có năm thầy giáo "cắm bản", chỉ có thầy Hiệp là người ở xã, còn lại đều ở xa cả. Thày giáo Đỗ Xuân Đạt, quê dưới thị trấn Sông Cầu, cách đây cũng hơn ba chục cây số. Đạt lên Văn Lăng dạy học đã 14 năm. Anh mới được điều lên bản Tèn hơn một năm nay. Cả thời trai trẻ của Đạt gắn bó với học sinh vùng cao nên suýt…ế vợ. Anh bảo: "Mình đi vùng cao lâu quá, ở nhà thì mọi người cứ nghĩ mình có vợ ở vùng cao rồi, lên đây thì lại bảo chắc mình đã có vợ ở nhà, nên mãi không lấy được vợ. Với lại, lấy vợ mà để vợ con khổ thì không đành, nấn ná mãi đến tuổi 35 mình mới cưới. Vợ mình đang làm công nhân may ở Xí nghiệp may 6 của quân đội ở gần Quân khu 1 đấy!". Ở bản Tèn chẳng khác ở đảo, mỗi tuần, Đạt lại về xuôi một lần. Chiếc xe máy đi lên có 30 cây những phải ì ạch gần 3 tiếng. Một bình xăng đổ đầy mà đến nơi gần cạn, không dám đi nữa, để dành lúc quay ra thì mới đi được đến chân dốc bên kia mua bổ sung. Đấy là bây giờ khi đã có đường mới, chứ trước đây thì xe máy phải gửi lại ở mãi dưới dốc bên kia Vân Khánh, rồi leo bộ hơn tiếng nữa mới đến bản Tèn.
- Từ đường vào đây chẳng có chỗ nào bán hàng quán, thực phẩm, vậy các thầy ăn uống thế nào?- Tôi hỏi, thầy Đạt cười:
- Tất cả phải dự trữ từ hôm lên. Thịt, cá tươi thì kho mặn ăn dần vài ngày. Còn lại phải sử dụng đồ khô. Nhưng có đường mới, chắc hàng hóa, thực phẩm rồi sẽ tìm lên bản Tèn thôi…
Lớp 5 của thầy Đạt nằm ở góc điểm trường, đó là một căn nhà gỗ thoáng rộng. Đấy trước là nhà văn hóa của bản cho mượn. Lớp 5 chỉ có 2 em nữ. Tôi nhận ngay ra cậu học sinh vừa đánh trống ngoài sân cho cả trường tập thể dục giữa giờ. "Lớp trưởng Nông Văn Chung, đồng thời là liên đội trưởng đấy. Em là một trong hai học sinh tiên tiến xuất sắc của lớp". Chung gầy gò, nhưng gương mặt tuấn tú. Em bảo, nhà có 6 anh chị em, ai cũng được đi học cả, biết cái chữ rồi. Nay mai lên cấp hai học ở tận dưới Tân Lập, cách đây hơn hai tiếng đi bộ, nhưng em vẫn muốn học lên nữa…Nhìn ánh mắt khát khao học chữ của Chung và các em học sinh người Mông ở đây, tôi hiểu được vì sao mà các thầy giáo "cắm bản" dù vất vả đến mấy cũng vẫn yêu nghề…
Chúng tôi cùng vào nhà Trưởng ban công tác mặt trận bản Tèn Vương Văn Pá. Ông Pá phấn khởi bảo với chúng tôi: "Bản Tèn không còn đói nữa rồi. Năm ngoái, nhà mình thu được hơn 4 tấn ngô, 5 tạ thóc, dư ăn rồi. Mình nuôi 7 con lợn, 4 con trâu, 1 con bò, 30 con gà. Bây giờ có đường mới, có xe máy, mình có thể chở hàng xuống bán, mua hàng lên thuận lợi rồi!". Ông Pá cũng bảo rằng 68 hộ người Mông ở bản Tèn giờ đây chỉ còn có 3 hộ đặc biệt khó khăn nữa thôi, không phải do lười lao động mà do hoàn cảnh eo đơn, già cả. Ngồi nói chuyện với ông Páo, tiếng xua gà bên bãi ngỗ ngay trước của nhà vang lên. Từng cây ngô xanh mướt reo đùa trong gió nhẹ …
Từ trung tâm xã, đi vào con đường đá cấp phối to rộng, khoảng hơn 3 cây số là đến bản người Mông Khe Cạn. Xã đội phó Lâm nói như khoe, đấy là bản người Mông nổi tiếng cả tỉnh về làm kinh tế giỏi và xây dựng đời sống văn hóa tốt, 5 năm liền được công nhận "Bản văn hóa cấp tỉnh".
Vì không hẹn trước, nên người mà chúng tôi muốn gặp thì không gặp được. Đó là ông Hoàng Văn Mùi, trưởng bản, ông đã đi lên bãi làm. Tiếc không gặp được ông cũng còn có lý do khác, đấy là cả bản có hai đảng viên, thì đó là ông Mùi và anh Sỉnh, con trai ông. Người thay Trưởng bản tiếp chúng tôi là Phó bản Hoàng Văn Sự, 45 tuổi, nước da bánh mật săn chắc, giọng nói khàn khàn rất thật thà. Anh bảo, Khe Cạn ở vào vị trí thấp nhất so với các bản người Mông ở Văn Lăng nên đã có đầy đủ "Điện- đường- trường- trạm", thủy lợi. Còn hệ thống nước sạch thì đã được xây dựng từ cách đây gần chục năm. Nước được dẫn từ khe xuống, đưa vào bể lọc, có đường chảy đến từng nhà. Khe Cạn có lúa nước, có cây ngô cho hạt đủ ăn. Nhưng kinh tế khá lên nhờ cây chè, cây lâm nghiệp. Nhà anh Sự có hơn 5 sào chè, 3 ha rừng cây keo. Riêng chè cứ 40 ngày thu một lứa, bán được trên dưới 700 nghìn đồng. Cây keo đã trồng được 5 năm theo dự án PAM, hiện đang trên đà phát triển tốt. Bây giờ đây, người dân Khe Cạn đã thực sự "đổi đời".
Cùng phó bản Sự, chúng tôi ra thao trường, nơi các chiến sĩ dân quân của bản đang huấn luyện. Giáo viên lên lớp là Xã đội trưởng Dương Văn Tiến. Trong số đó có các nữ dân quân là Hoàng Thị Ban, Hoàng Thị Xuyến trong những bộ trang phục đặc sắc của dân tộc mình. "Mặc thế không sợ luyện tập nó bẩn à?"- Tôi hỏi, Hoàng Thị Ban cười bảo: "Em đi dân quân đã 4 mùa rồi, không sợ bẩn quần áo đâu, vui lắm!"…
Trở lại trụ sở xã, Bí thư Đảng ủy xã Ngô Quang Phụng, người có thâm niên nhiều năm "đứng mũi chịu sào" ở đây, khái quát mấy nét chính để chúng tôi có thể hình dung toàn cảnh về một xã vùng cao nằm ở nơi điểm cực Bắc của huyện. Trước đây nói đến Văn Lăng, người ta nghĩ ngay đến một vùng đất nằm dọc hai bên dòng sông Cầu và các thung lũng trên núi cao, nhưng quanh năm nghèo khó. Toàn xã có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân tộc Mông chiếm 1/3 với 203 hộ, 1.271 nhân khẩu. Người Mông ở Văn Lăng đều có nguồn gốc từ vùng núi cao thuộc tỉnh Cao Bằng, di cư xuống từ hồi chiến tranh biên giới. Bí thư Phụng bảo rằng: Công cuộc "tuyên chiến" với đói nghèo của xã bắt đầu từ việc vận động định canh- định cư. Người dân vùng cao bao đời với tập quán phá rừng làm nương rẫy, nay đã được giao đất, giao rừng để trồng rừng. Hàng nghìn ha đồi trọc đã được trồng theo dự án, trả lại màu xanh cho rừng. Xã đã chú trọng việc tổ chức thực hiện có hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn vay phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, chú trọng đưa cây chè, cây lâm nghiệp vào trồng cho hiệu quả tốt. Chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm đã phát triển mạnh, nâng cao thu nhập cho người nông dân vùng cao…
Con đường liên xã nối liền từ xã Hòa Bình lên đến trung tâm Văn Lăng, đường đi các thôn, bản cũng được nâng cấp, mở rộng, xóa bản "trắng" về đường giao thông. 60% số hộ đã có điện, 65% số hộ đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Xã đã có hai trường học, với 9 điểm trường, 18 phòng học cao tầng, cơ bản không còn nhà học tạm. Hai điểm trạm y tế, với 2 bác sỹ, các thôn, bản đều có nhân viên y tế...
Từ năm 2001 đến nay, số hộ nghèo của Văn Lăng đã giảm được hơn một nửa. Kinh tế phát triển cũng là điều kiện để an ninh chính trị trên địa bàn được củng cố và giữ vững… ánh mắt của Bí thư Phụng sáng lên khi chỉ tay về phía dòng sông Cầu bên kia sườn núi, ở đấy đã được khảo sát để ngăn thành con đập, xây dựng nhà máy thủy điện. Để nay mai, cả vùng cao Văn Lăng, cùng với các xã vùng cao lân cận, điện sẽ về tới tận bản người Mông xa xôi.