Chuyện ghi ở khu điều trị phong Phú Bình

01:35, 25/11/2008

Khu điều trị phong Phú Bình (Trực thuộc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS và da liễu tỉnh) có nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân phong ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. 121 bệnh nhân đang điều trị ở đây là 121 hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung nhất là họ đều coi Khu điều trị là ngôi nhà của mình, bởi họ đều không nhận được sự quan tâm từ phía gia đình.

Các y, bác, sỹ ở đây ngoài chăm lo cho từ miếng ăn, giấc ngủ đến việc hậu sự khi bệnh nhân về thế giới bên kia. 18 năm gắn bó với công việc chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân phong, bác sỹ Lê Thị Bình tâm sự: “Nhiều bạn bè bảo tôi hâm, bao nơi làm việc tốt thế không xin, lại đâm đầu vào nơi này. Tôi thì nghĩ khác, đã là người thầy thuốc, không bao giờ có quyền phân biệt bệnh nhân".

 

Được biết, chế độ của Nhà nước dành cho mỗi bệnh nhân phong mỗi tháng 230 nghìn đồng tiền ăn. Trong khi giá cả biến động tăng cao, nên cuộc sống của bệnh nhân khá vất vả. Song các y, bác sỹ đã vận động bệnh nhân tích cực tăng gia lao động, sản xuất để nâng cao đời sống. Hiện Khu điều trị đã giao trên 10 ha đất canh tác nằm của đơn vị cho các gia đình bệnh nhân gieo cấy, trồng trọt để nâng cao đời sống. Bên cạnh đó, lãnh đạo Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS và da liễu tỉnh đã tích cực vận động các tổ chức từ thiện như Hội chống phong Đức, Hà Lan, Nhật... tài trợ làm chân, tay, răng giả, hỗ trợ thêm tiền ăn cho bệnh nhân. Cũng bằng tấm lòng với những bệnh nhân đã khuất, cán bộ, CNVC Trung tâm đã đóng góp trên 30 triệu và vận động các tổ chức, cá nhân từ thiện xây dựng lại trên 300 ngôi mộ cho bệnh nhân. Không chỉ quan tâm đến sức khoẻ, cuộc sống của bệnh nhân mà nhiều con bệnh nhân sau khi học xong, được lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện trở về đây làm việc, có một cuộc sống ổn định bên người thân của mình.

 

Nhận xét về các y, bác sỹ Khu điều trị phong Phú Bình, bệnh nhân Lương Thị Phấn, 53 tuổi, quê ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn cho rằng: “Không có lời nào có thể diễn tả hết lòng biết ơn của chúng tôi đối với các y, bác sỹ ở đây.Tính đến tháng 10 vừa qua tôi đã ở và điều trị bệnh tại Khu điều trị phong Phú Bình tròn 24 năm. Khi được 3 tuổi bố mẹ mất, tôi phải ở với chị gái. Cái tuổi đẹp nhất của người con gái là quãng 19,  đôi mươi thì tôi phát hiện ra mình hay bị tê chân tay. Nhưng cũng chẳng biết là bệnh gì. Đến khi chân tay co quắp, tôi tự lấy chỉ khâu thắt cho rụng đốt chân ra. Khi anh trai tôi đi bộ đội về, thương em chạy vạy khắp nơi mới biết ở Thái Nguyên có nơi điều trị và đưa tôi xuống đây. Nhưng từ đó tới nay chẳng có ai trong gia đình đoái hoài tới tôi. Phần lớn bệnh nhân ở đây đều cao tuổi, đau ốm luôn, nhưng đêm hôm các y, bác sỹ không quản ngại khó khăn, vất vả, chăm sóc còn hơn cả chính bố mẹ của mình".

 

Cũng giống hoàn cảnh bác Phấn, song bác Phạm Sỹ Thường, ở xã Thành Công, Phổ Yên hạnh phúc hơn vì đã tìm được người bạn đời để nương tựa vào nhau lúc xế chiều. Vợ bác là bà Vũ Thị Tài, quê ở Hải Dương, vào đây điều trị căn bệnh này từ những năm 60 của thế kỷ trước.

 

Chúng tôi rời Khu điều trị phong Phú Bình khi mặt trời khuất sau dãy núi. Bất chợt gặp cảnh bà Trần Thị Quyến nhà ở ngay cổng Khu điều trị đang ngồi nghe cô cháu nội mới đi học lớp 1 đọc truyện bên hiên nhà. Ánh mắt bà chan chứa hạnh phúc. Khi bước chân vào Khu điều trị phong Phú Bình, bà những tưởng ước mơ lớn nhất của người con gái là có mái ấm gia đình không thể thực hiện được. Nhưng bà đâu có ngờ, đến nơi này, không những được điều trị khỏi bệnh, bà đã tìm thấy hạnh phúc của mình, được làm mẹ rồi làm bà. Cuộc sống của gia đình bà và 120 bệnh nhân khác đã được hồi sinh nhờ những tấm lòng tràn đầy lòng nhân ái, “lương y như từ mẫu” của các y, bác sỹ nơi đây.