Hôm qua 3-11, nhiều khu vực nội thành Hà Nội vẫn chìm trong nước. Cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm gia đình tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi điện, nước thất thường, đi lại khó khăn, giá cả tăng cao, công việc đảo lộn, môi trường bị ô nhiễm…
Ngay trước cầu thang nhà B4, khu tập thể (KTT) Kim Liên, quận Đống Đa, bà Nhàn, đứng tần ngần nhìn sang bên kia đường, nơi sáng sáng bà vẫn bán xôi kiếm chút tiền lo cuộc sống của hai mẹ con. “Nước vẫn cao quá, không biết bao giờ mới rút hết”-bà Nhàn nói như muốn khóc. Mỗi nhà một cảnh, cả KTT Kim Liên đang phải chịu chung cảnh sinh hoạt bị bó buộc, “dở mếu dở cười” trong úng lụt.
Ngay tại đầu đường Phạm Ngọc Thạch, chúng tôi đã chứng kiến một người đàn ông không kìm được bực tức khi người giữ xe đòi thu 80 nghìn đồng đối với chiếc xe gửi qua đêm của anh: “Các cô trông xe hay là đi cướp?”. Cô chủ giữ xe lúng túng, nói vuốt đuôi “ở bên kia người ta còn thu cả trăm ngàn cơ”. Sau một hồi cãi vã, giá được hạ xuống còn 60 nghìn đồng. Trong khi đó, 2 chiếc xe cải tiến bằng sắt vẫn theo tay mấy anh chàng thanh niên băng băng chở người và xe vượt qua chỗ lụt với giá 50 nghìn đồng/lượt, người không thì 20 nghìn đồng/luợt.
Nước đã rút bớt, ô tô ít bị “sặc nước” hơn, nhưng xe máy vẫn tiếp tục hứng chịu hậu quả cơn “hồng thủy”. Các chủ xe máy vẫn phải bấm bụng chi cho thợ lau bu-gi, đạp nổ. “Vừa mất 45 nghìn đồng thay dầu tối qua, hôm nay lại mất thêm 30 nghìn đồng lau bu-gi anh ạ”-Nguyễn Văn Nam, sinh viên ĐH Ngoại thương cho biết, bên cạch chiếc xe vừa khởi động ở giao lộ Huỳnh Thúc Kháng-Láng Hạ. Cậu đang chờ bố mẹ gửi “tiếp tế” vì tiền mua thức ăn cũng đội lên ghê quá. “Ăn mỳ tôm mấy hôm rồi, ngán quá rồi!” - Nam nói.
Mỗi nhà mỗi cảnh
10h sáng 3-11, sau khi đặt bà mẹ già lên chiếc xe đẩy, anh Tiếp (phòng 101, nhà B6, KTT Kim Liên) cùng vợ tìm cách di chuyển ra đầu đường Phạm Ngọc Thạch để “gửi” cụ sang nhà cô em gái bên Kim Giang (quận Thanh Xuân). Hai vợ chồng lần mò từng bước, vì lo sụt xuống chỗ nước sâu. Cứ đi được một đoạn, họ lại phải dừng, vì ô tô đi qua, sóng nước dễ làm đổ xe (hầu hết cửa cuốn nhà mặt phố đều bị sóng nước làm cong méo). Loay hoay mất hơn nửa tiếng, hai vợ chồng mới đưa được bà cụ ra khỏi “vùng lụt”. “Sáng nay mất điện rồi, cả khu đã mất nước. Mẹ tôi bị ốm. Không đi thì khổ lắm anh ạ.”- anh Tiếp than vãn.
Nằm sâu trong ngõ Thái Hà, nhà anh Ngô Trọng Anh (số 3, F4/107, khu IF) đến 14h ngày 3-11 vẫn bị ngập nước gần 20cm. Phía ngoài cổng, nước sâu ngập lên quá gối. Nhà em trai anh ngay bên cạnh cũng tương tự; mọi sinh hoạt trong nhà tập trung trên chiếc giường kê cao. “Tôi bị hỏng mất chiếc tủ mới bằng gỗ dán rồi. Những đồ gỗ khác chắc cũng không thọ được lâu”- anh Trọng Anh kể.
Hai vợ chồng Trọng Anh phải gửi con bên nhà cô em gái. “Vợ chồng tôi phải trông nhà, không thì cũng sơ tán từ lâu rồi, chứ ở đây khổ quá”-anh Trọng Anh bộc bạch. Lúc chúng tôi đến, anh Trọng Anh thì đứng ngoài cổng, chị Phúc vợ anh thì “cố thủ” trên gác xép, vì “lội nước nhiều ngứa chân lắm”. Chị Phúc là công nhân Công ty Giấy Bãi Bằng, đã phải nghỉ nằm nhà từ hôm mưa to. “Xưởng và kho bên Gia Lâm bị ngập hết anh ạ”-chị cho biết. Anh Trọng Anh làm nghề buôn bán chim cảnh trên phố Hoàng Hoa Thám cũng phải nghỉ nằm nhà 3 hôm nay. Bữa cơm trưa của họ chỉ có hai món đồ khô là cá mắm và lạc rang. “Hôm qua lụt họ đi thuyền vào đây hét 40 nghìn đồng một cân bắp cải, ai dám ăn!”-anh Trọng Anh cười như mếu.
Kinh doanh ngưng trệ
Quán càphê Cây Mít, ngõ Thái Hà vào lúc 11h hôm qua, bà chủ quán cầm chiếc chổi xể, chốc chốc lại ra quét nước trước cửa. Bà cứ quét được một lúc, xe máy, ô tô đi qua lại xô nước vào. Đã 3 ngày nay, quán Cây Mít thỉnh thoảng mới “vớ” được 1 khách. Dù vậy, nó vẫn còn hơn chán hàng chục quán cà phê trong khu. Ngay ở đầu ngõ, 3 quán cà phê đóng cửa im ỉm vì nước vẫn ngập đến 20-30 cm. “Ngập lụt thế này, ai còn hứng lội nước đi uống cà phê hả anh”- chị Thanh My, nhân viên 1 quán cà phê trên đường Thái Hà giải thích.
Đi dọc các tuyến phố trên địa bàn nội thành, rất nhiều cửa hàng đóng cửa. Phần lớn những quán mở cửa là quán ăn hoặc liên quan đến đồ ăn thức uống. Trên phố Đê La Thành, nhân viên nhiều cửa hàng đồ gỗ, đồ sắt tha thẩn đứng trước cửa hàng nhìn ra phố, vẻ mặt buồn rầu.
Một số chợ lớn như Đồng Xuân, Hôm, Mơ…, các trung tâm thương mại, hoạt động buôn bán cũng bị thiệt hại. Tại chợ Đồng Xuân, nhiều chủ hàng cho biết, lượng người mua hàng giảm ít nhất 1/3. Một số chủ hàng tại Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza nhận định, phải mất 1 tuần may ra hoạt động buôn bán ở đây mới trở lại bình thường. Trong khi đó, khu vực bán thực phẩm ở các chợ, siêu thị vẫn tấp nập. Tại siêu thị Fivimart trên đường Hoàng Quốc Việt, hôm qua 3-11, tuy không phải xếp hàng thanh toán tốn nhiều thời gian như ngày 31-10 và 1-11, nhưng người mua vẫn rất ít lựa chọn.
Không chỉ gặp khó khăn trong sinh hoạt, người dân khắp thành phố, còn hứng chịu cảnh ô nhiễm môi trường. Khắp các đường phố, rác và bùn đất bao phủ kéo theo mùi khó chịu. Như gia đình anh Ngô Trọng Anh ở trên, trời mưa là thế nhưng vẫn phải mở cửa cả ngày lẫn đêm, vì không mở, mùi khó thở không chịu nổi... Giờ đây, không chỉ mong chờ từng giờ từng phút cho nước xuống, trời đừng mưa thêm, người dân còn mong sớm giải quyết ngay nạn ô nhiễm môi trường sau khi cơn lụt đi qua.