Đề phòng mưa lũ sẽ còn diễn biến phức tạp

13:57, 02/11/2008

Theo Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, mưa lớn 3 ngày qua đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Dự báo trong vài ngày tới mưa lũ sẽ còn diễn biến phức tạp.

Nguy cơ tràn, vỡ đê

 

Tính đến chiều qua 2-11, theo số liệu thống kê , đã có tổng cộng 49 người chết, mất tích và bị thương.

 

Riêng tại Hà Nội, tổng số nạn nhân là 18 người (có 5 người chết do điện giật ở TP Hà Đông khi nước lũ lên cao),1 người bị thương, thiệt hại vật chất khoảng 3.000 tỉ đồng. Có 31.517 hộ dân bị ngập, 4.439 hộ dân phải di dời, 52.139 ha lúa và cây vụ đông bị ngập.

 

Hà Tĩnh cũng có 17 người chết... Mưa lũ cũng đã làm 49 nhà bị sập đổ và trôi, 54.106 ngôi nhà bị ngập, hư hại. Hơn 182.000ha lúa, hoa màu bị ngập úng, hơn 9.600 ha thủy sản bị ngập tràn. Ngoài ra, 457 cầu cống bị hư hại, 130 công trình thủy lợi và hơn 48.600m đê, kè, kênh mương bị hư hỏng, gần 84.000m³ đê, kè bị sạt lở.

 

Tại Ninh Bình, Ông Trần Văn Bách, Phó Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Ninh Bình cho biết nước lũ từ sông Hoàng Long qua tràn Đức Long-Gia Tường, mặc dù đã cứu được hạ lưu nhưng lại làm ngập khoảng 13.000 nhà dân với 40.000 nhân khẩu ở 7 xã Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân, Gia Thủy, Gia Lâm, Gia Sơn và Xích Thổ (huyện Nho Quan).

 

Trong khi đó, ở phía Đông Bắc bộ, lần thứ 2 nước sông Kỳ Cùng lại uy hiếp các huyện như Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng…Tại tỉnh miền núi Yên Bái, đến chiều 2-11 mưa vẫn rất lớn và đã xảy ra sạt lở ở một số vùng ven sông Hồng.

 

Ở khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh , Lũ sông Bưởi đang lên, sông Cả, sông Mã và sông La đều lên trở lại. Hiện tại, lũ trên sông Bưởi thuộc tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đoạn làm mái đê bị sạt lở và tràn mặt đê.

 

Nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân

 

Tối qua (2/11) UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp khẩn cấp thông báo tình hình phòng chống lũ lụt cho Hà Nội đồng thời đưa ra những phương hướng khẩn trương khắc phục hậu quả.

 

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, mưa có thể còn kéo dài tới ngày 5-11, với lượng mưa trung bình ngày từ 20-30 mm. Hiện tại việc bơm hút nước từ nội thành ra sông Nhuệ đã phải tạm dừng do mực nước trên sông Nhuệ quá cao, có nguy cơ vỡ, lở bờ. Nhà cửa của các hộ ngập sâu trong nước đang sơ tán tại chỗ...

 

Với những gia đình bị thiệt hại về người, trước mắt hỗ trợ 3 triệu đồng/người chết nhưng sau đó phải có những biện pháp đảm bảo đời sống lâu dài.

 

Để đảm bảo không xảy ra biến động về thị trường, Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo hệ thống thương mại phải tỏa rộng và huy động tối đa hàng hóa từ các nguồn, cứu trợ, hỗ trợ dân ở hững vùng bị ngập úng. Phải bám sát cơ sở và đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, không phân biệt người dân nội thành, ngoại thành. Nơi nào cần là cho không, không bán. Không cần chờ xin ý kiến chủ tịch. Ngoài mì tôm còn phải cung cấp thực phẩm rau thịt. Hệ thống thương mại phải tỏa rộng ra tìm nguồn rau, tránh tăng giá, bởi cả miền Bắc bị thiệt hại.

 

Mưa lũ sẽ còn diễn biến phức tạp

 

Theo Trung tâm DBKTTV, sáng nay, ngày 03 tháng 11, lũ trên sông Hoàng Long xuống chậm; lũ trên sông Cầu, sông Thương và hạ lưu sông Thái Bình đang ở mức đỉnh.

 

Lúc 08 giờ ngày 03 tháng 11, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,23m (trên báo động III là 0,23m); trên sông Cầu tại Đáp Cầu là 5,91m (trên báo động III là 0,11m); trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương là 5,33m (dưới báo động III là 0,47m); trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 4,33 m (dưới báo động II là 0,17m).

 

Chiều tối nay, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế có khả năng xuống mức báo động III là 4,0m; trên sông Cầu tại Đáp Cầu sẽ ở mức 6,0m (trên báo động III là 0,2m); trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương ở mức 5,5m (dưới báo động III là 0,3m); trên sông Thái Bình tại Phả Lại ở mức 4,5m (ở mức báo động II)./.