Đồng Hỷ lập lại trật tự trong quản lý, bảo vệ rừng

09:51, 02/11/2008

Sau khi Luật Bảo vệ và phát triển rừng có hiệu lực, từ năm 1992 đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện Đồng Hỷ đã lập biên bản và xử lý gần 4.400 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu trên 2.500 m3 gỗ các loại, nộp ngân sách Nhà nước gần 4,5 tỷ đồng.

Đặc biệt nhờ làm tốt công tác quản lý khai thác và trồng rừng nên sau gần 16 năm, diện tích đất có rừng của huyện đã tăng từ 9.728 ha lên trên 23.000 ha, nâng độ che phủ của rừng lên  50%...

 

Đồng Hỷ là một trong những địa phương có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp tương đối lớn của tỉnh, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên (20.000 ha năm 1973), nhưng do nhiều nguyên nhân như: Khai thác theo kế hoạch (lâm trường quốc doanh trước đây); nạn đốt, phá rừng làm nương rẫy; khai thác rừng trái phép (xảy ra gần 4.400 vụ như đã đề cập ở trên)… Chính vì vậy, diện tích và chất lượng rừng tự nhiên giảm mạnh, từ 20.000 ha năm 1973 giảm còn 6.154 ha năm 2007…

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Đức Thịnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đồng Hỷ cho biết: Trong những năm gần đây, ngoài việc tranh thủ các dự án trồng rừng do Nhà nước đầu tư như Dự án Pam, Dự án 327 và tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dần từ nền lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp xã hội thì lực lượng kiểm lâm huyện đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR).

 

Đến nay, 17 xã có rừng của huyện đã thành lập được Ban QLBVR; 20 xã, thị trấn có ban chỉ đạo các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; hoàn thành xây dựng đề án QLBVR giai đoạn 2006-2010; tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện ra Nghị quyết về công tác QLBV và phát triển rừng giai đoạn 2006-2010, ký quy chế phối hợp trách nhiệm trong QLBVR với các huyện giáp gianh trong và ngoài tỉnh; thực hiện tốt công tác giao đất giao rừng. Đặc biệt, đơn vị đã chỉ đạo Ban QLBVR các xã, thị trấn xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, cùng với việc vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể và cấp ủy, chính quyền cơ sở nên về căn bản công tác QLBVR đã từng bước được xã hội hóa. Kết quả từ năm 2003 trở lại đây, tình trạng khai thác rừng trái phép, đốt phá rừng làm nương rẫy đã giảm tới hơn 80%; diện tích đất có rừng đã tăng từ 9.728 ha năm 1992 lên trên 23.000 ha trong năm nay; độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện được nâng lên 50%, về trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

 

Ngoài ra, để lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác QLBVR, trong thời gian qua, đơn vị đã 4 lần đặt chốt tại địa bàn xã Văn Lăng để ngăn chặn các đối tượng vận chuyển gỗ lậu từ khu vực xã Thần Sa (Võ Nhai) sang, đồng thời phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động của Chi cục, Hạt Kiểm lâm các địa phương giáp ranh và Công ty Ván dăm Thái Nguyên tổ chức nhiều đợt truy quét, kiểm tra, xử lý tình trạng buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Tính riêng đến hết tháng 9-2008, đơn vị đã xử lý trên 200 vụ buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép; tịch thu gần 140 m3 gỗ các loại, trong đó có trên 56 m3 gỗ quý hiếm; thu nộp ngân sách Nhà nước trên 550 triệu đồng…