Gần 1.000 quân đã được Bộ Tư lệnh thủ đô điều đến 10 huyện trọng điểm để bảo vệ đê chiều qua. Hà Nội đã lên phương án di dân trong tình huống xấu nhất - mưa lớn làm nước tràn đê.
Theo bản tin lúc 22h của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, ngày 7/11, Hà Nội có mưa to và dông, nhiệt độ 23-26 độ C. Mưa rào sẽ diễn ra trong ngày 8/11.
Trước thời điểm dự báo mưa lớn, chiều 6/11, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có mặt tại kè Gia Thượng (phường Ngọc Thụy, Long Biên). Tuyến kè bên sông Đuống này vừa bị sạt lở, 5 nhà dân đã được di dời.
Hiện, 700 khối đá được tập kết để ứng phó trong tình huống có sự cố. "Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra chân móng, dùng máy siêu âm dò các vị trí mất an toàn của tuyến đê", ông Thảo nói.
Theo Phó chủ tịch UBND Hà Nội Trịnh Duy Hùng, từ chiều 6/11, UBND các quận, huyện phải thường xuyên theo dõi diễn biến mưa lũ, tổ chức lực lượng thường trực 24/24, đặc biệt là những nơi đã và có nguy cơ xảy ra sự cố.
"Tại điểm nóng kè Liên Trì chúng tôi đã gia cố bằng đá hộc. Trong vòng 2 ngày tới, 2.000 m³ đá và 500 rọ thép sẽ tiếp tục chuyển tới địa điểm này", ông Hùng nói.
Bộ Tư lệnh thủ đô đã huy động 900 quân tới 10 huyện trọng điểm để bảo vệ các tuyến đê và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương. "Các phượng tiện để cứu nạn như xe lội nước cũng đã dùng đến", Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh Bộ tư lệnh thủ đô cho biết.
Theo phương án di dân của Hà Nội, khi mực nước dâng quá cao, phải cho tràn qua đê bối, đê bao để bảo vệ đê chống lũ. Khi đó, các khu vực nằm trong diện có thể phải di dời gồm: đê tả Bùi ở xã Trung Hòa và Thanh Bình (Chương Mỹ), đê sông Tích (huyện Thạch Thất và Quốc Oai), đê sông Mỹ Hà (Mỹ Đức), đê sông Nhuệ tại Đồng Bông (Từ Liêm), thành phố Hà Đông và các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên.
Theo ông Hùng, việc di dời dân nếu xảy ra nhất quyết phải đi kèm với đảm bảo các nhu cầu tối thiểu cho đời sống người dân.
Báo cáo từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố cho thấy, ngày 6/11, nước trên các sông ở Hà Nội đang tiếp tục giảm. Ban chỉ huy nhận định, dù lượng mưa lên tới 200-300 mm cũng không gây nhiều nguy hiểm với tuyến đê sông Hồng đoạn qua nội đô hay sông Nhuệ.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục mưa lớn, khu vực nội đô chắc chắn sẽ gánh chịu thêm một đợt ngập úng nặng. Ngày 6/11, nội đô Hà Nội vẫn còn 3 điểm ngập úng nặng với mức ngập trên 30 cm.
Hiện tại, ngoài trạm bơm Yên Sở đang hoạt động hết công suất, Hà Nội đã vận hành được thêm trạm bơm Đông Mỹ (công suất 0,57 triệu m³ một ngày) để xả nước ra sông Hồng.