Hà Nội tập trung cao độ, khắc phục hậu quả úng ngập

15:09, 01/11/2008

Mưa lũ gây thiệt hại nặng: 18 người chết, hàng trăm trường học, hàng nghìn ngôi nhà, hàng vạn héc ta gieo trồng ngập trong nước; thiệt hại vật chất ước tính gần 3.000 tỷ đồng.

Chiều 1-11, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã đi kiểm tra tiến độ thoát nước cho Hà Nội tại các điểm ngập lụt xung yếu tại quận Hoàng Mai, trạm bơm Yên Sở và huyện Phú Xuyên.

 

Tại trạm bơm Yên Sở, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo các đơn vị phải khẩn trương làm đê bao ngăn không cho nước tràn vào trạm điện, có thể làm cho điểm thoát nước quan trọng của Thủ đô bị tê liệt, đồng thời phải khẩn trương sơ tán bà con ra khỏi vùng nguy hiểm. Trạm bơm Yên Sở đang hoạt động hết công suất 4 triệu mét khối/ngày để tiêu úng cho Thủ đô, tuy nhiên cũng mới chỉ bảo đảm 25% khối lượng công việc vì lượng nước đổ về tính đến hết ngày 1-11 đã khoảng 20 triệu mét khối. Để trạm bơm Yên Sở hoạt động tốt, hơn 300 người trong đó có cả bộ đội đã được huy động.

 

Kiểm tra các điểm úng ngập tại quận Hoàng Mai, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Sở GTVT phải nhanh chóng phân luồng, cắm biển báo giao thông hướng dẫn các phương tiện lưu thông một cách thuận lợi, an toàn, tránh ùn tắc trên tuyến Quốc lộ 1A dẫn vào nội thành. Đặc biệt với các phương tiện chở lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu cho Thủ đô thì Sở GTVT và CATP phải tạo mọi điều kiện để xe vào đến điểm tập kết hàng sớm nhất. Cũng trong chuyến đi này, đồng chí Nguyễn Thế Thảo đã dành thời gian thăm hỏi bà con đang bị nước cô lập trong khu đô thị Đền Lừ, đến động viên gia đình ông Nguyễn Văn Đức, 75 tuổi ở số 10 lô 7 Đền Lừ và một số hộ dân ở tổ 36 phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai.

 

Tính đến ngày hôm qua 1-11, theo ước tính ban đầu, tổng giá trị thiệt hại do trận mưa lớn kỷ lục từ đêm 30-10 đã lên đến xấp xỉ 3.000 tỷ đồng đã có 18 người thiệt mạng. Trên 10.000 hộ dân ven đê, vùng trũng dọc theo các triền sông bị ngập nhà cửa và nhiều công trình dân sinh như trường học, trạm y tế bị ngập úng...

 

Tại cống thoát nước Thanh Liệt, điểm tiêu nước quan trọng phía Tây thành phố, trước diễn biến phức tạp mực nước sông Nhuệ dâng cao hơn nước sông Tô Lịch khoảng 14cm, Chủ tịch Thế Thảo đã chỉ đạo các đơn vị chức năng ngay trong đêm phải đắp một đập tràn nối từ cống qua đường Kim Giang ngăn không cho nước tràn ngược về phía nội đô, chỉ đạo sở GTVT phải nhanh chóng lập chốt chặn không cho phương tiện lưu thông từ cầu Linh Đàm đến cầu Bươu. Đồng thời với việc đắp con đập, Chủ tịch đồng tình với phương án của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát ngừng bơm nước từ đồng ruộng ra hệ thống sông Nhuệ và triển khai các trạm bơm tại Hà Nam và các vùng lân cận để bảo đảm nhanh chóng rút nước ở nội thành.

 

20h cùng ngày, có mặt tại cống điều tiết nước Hòa Mỹ, huyện Phú Xuyên cùng Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát cho biết: “Từ 16h ngày 1-11, Bộ NN & PTNT đã cho phép mở cửa cống Hòa Mỹ để đưa nước sông Nhuệ thoát xuống hạ lưu, bảo đảm nhanh chóng tiêu nước cho Hà Nội”. Bộ trưởng đánh giá cao công tác chủ động tích cực phòng, chống thiên tai của chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

 

Ngày 1-11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng cùng đoàn công tác Sở Công thương đã đi kiểm tra tình hình thị trường tại một số chợ như Hôm - Đức Viên, chợ Mơ (tạm) và siêu thị số 5 đường Lê Duẩn thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).  Đoàn công tác đã gặp gỡ bà con đi chợ và các hộ kinh doanh, cửa hàng ở các địa điểm trên, thăm hỏi và thu thập thông tin liên quan. Cụ thể, giá các loại thực phẩm chủ yếu như thịt lợn, gà, bò và thủy sản phần lớn khá ổn định, chỉ tăng khoảng 10-15% so với thời điểm trước trận mưa lớn trong 2 ngày qua. Riêng rau xanh, các loại củ quả có mức tăng cao, có lúc một mớ rau muống giá bán tới 30 ngàn đồng. Nhìn chung, thực phẩm và rau xanh đã có biểu hiện khan hiếm cục bộ so với thời điểm trước trận mưa.

 

Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng yêu cầu các doanh nghiệp, nhất là Hapro cần tăng cường các biện pháp để chủ động bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm, lương thực, rau quả cho thị trường. Mục  tiêu lớn nhất là giữ vững sự ổn định về số lượng, chất lượng hàng hóa, phòng tránh việc tăng giá tùy tiện, hoặc “đứt” hàng tại các chợ, siêu thị… Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp, tìm biện pháp cho phép xe ô tô trọng tải trên 1,5 tấn chở hàng vào các điểm tập kết để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con.

 

Được biết, khoảng 16 giờ chiều ngày 1-11, xe chở rau xanh tăng cường đầu tiên của Hapro đã về đến siêu thị và được chia lẻ ra các địa điểm khác, đồng thời đơn vị này cũng đẩy mạnh thu gom hàng từ các địa phương, bảo đảm mỗi ngày tới sẽ cung cấp  3-4 tấn rau/ngày ra thị trường.

 

Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, đến 23h00 ngày 31-10, mực nước trên kênh dẫn vào trạm bơm Yên Sở đã đạt cao độ 5,40 tương đương với cao độ của sàn máy bơm. Để các tổ bơm hoạt động an toàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi đã chỉ đạo trực tiếp tại trạm bơm, yêu cầu Công ty Thoát nước phải hoành triệt và thực hiện mọi biện pháp để nước không tràn vào trạm bơm, nhà điện và canh trực để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra khi nước dâng lên. Do mưa vẫn tiếp tục nên đến tối 1-11 mực nước tại kênh đã dâng lên 5,6 m.

 

Chiều 1-11, được sự chỉ đạo của thành phố và sự hỗ trợ của các lực lượng liên ngành, việc hoành triệt được củng cố, bảo đảm an toàn vận hành, trạm bơm vẫn tiếp tục hoạt động hết công suất với 11/11 tổ máy để đưa nước ra sông Hồng. Mặc dù mưa đã ngớt nhưng lượng nước ứ đọng trên toàn thành phố đang dồn dần về khu vực trạm bơm Yên Sở.

 

Một số điểm úng ngập cục bộ ở khu vực phía bắc TP trên địa bàn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm nước đã rút, giao thông trở lại bình thường như: Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, Thụy Khuê, Nguyễn Trường Tộ, Phan Huy Ích, Đinh Liệt, Phan Bội Châu - Lý thường Kiệt, Tông Đản, Hàng Chuối - Phạm Đình Hổ… Các điểm úng ngập khác ở phía Nam và Tây Nam TP thuộc các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy… như Lương Định Của, Phạm Ngọc Thạch, Thái Hà, Trương Định, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, đường Giải Phóng, Định Công, Trần Đăng Ninh, Chùa Hà, Nguyễn Phong Sắc… đang rút dần.

 

Tuy nhiên, do lượng mưa lớn, với công suất hiện có của Trạm bơm Yên Sở, dự kiến trong khoảng 4 ngày nữa, Hà Nội mới hết điểm úng ngập với điều kiện trời không mưa tiếp.

 

Hai ngày đêm vừa qua trời mưa tầm tã đã làm ảnh hưởng nhiều tới công tác khám, điều trị bệnh của người dân Thủ đô. Ghi nhận của phóng viên Hànộimới, lượng nước ngập sâu trên các tuyến đường đã cản trở nhiều  bệnh nhân trong quá trình đến các bệnh viện  điều trị. Riêng hệ thống vận chuyển cấp cứu 115 của Hà Nội đã bị tê liệt ở tuyến Từ Liêm, Hà Đông.

 

Theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nước ngập trong nhiều ngày, đặc biệt là nguồn nước thải từ cống rãnh, sông ngòi theo vào ngõ xóm, nhà dân sẽ là môi trường rất thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển. Điển hình là dịch tiêu chảy cấp do nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm, sốt xuất huyết do muỗi sinh nở nhanh, bệnh ngoài da... Vì thế, người dân rất cần phải chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đó, khi nước rút đến đâu, người dân cần vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay đến đó; ăn chín, uống sôi; vệ sinh chân tay sạch sẽ; ngủ dùng màn... Ông Nga cũng cho biết, Cục Y tế dự phòng đã chỉ đạo các đơn vị y tế cơ sở chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, hóa chất để phòng dịch bệnh lớn xảy ra. Hiện lực lượng cán bộ y tế dự phòng trung ương và Hà Nội đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng từng địa bàn phun thuốc khử khuẩn vệ sinh môi trường...

 

* Nhiều đoàn tàu không thể đi, đến ga Hà Nội

 

Chiều ngày 1-11, trao đổi với phóng viên báo Hànộimới, đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết: Mặc dù mưa lớn, nước ngập sâu nhưng do là loại hình hoạt động công ích nên hệ thống xe buýt vẫn phải hoạt động. Chỉ có những tuyến phố theo khảo sát thực tế là bất khả kháng thì xe mới không vào. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các trục đường chính của thành phố, xe buýt vẫn hoạt động bình thường nhưng có lẽ do là ngày cuối tuần nên lượng hành khách đi lại cũng ít. Một số lái xe buýt cho biết, thời tiết quá xấu, giao thông thành phố gần như tê liệt nên anh em lái xe, phụ xe phải rất cố gắng chạy để bảo đảm  phục vụ hành khách. Trong khi đó, hệ thống taxi thì hoàn toàn tê liệt. Những xe đã lỡ chạy thì hầu hết bị chết máy, xe ngập trong nước tới sát cửa kính. Chiếc taxi mang biển số 29V-6197 khó khăn lắm mới bò lên được vỉa hè trên đường Phạm Hùng thì chết máy. Bác tài có tên là Tuấn Anh cùng khách loay hoay một lúc, máy vẫn không chịu nổ. Cách đó một đoạn, chiếc taxi của hãng Mỹ Đình mang biển số 30L-4436 may mắn hơn là chạy được vào sân của khu đô thị Nam Trung Yên liền “cố thủ” luôn tại đó không đi nữa. Tổng đài các hãng taxi thì luôn trong tình trạng nghẽn mạch hoặc nếu có thông máy thì nhân viên trực tổng đài cũng nhã nhặn xin lỗi khách hàng vì không thể phục vụ. Không chỉ tổng đài taxi nghẽn mạch mà ngay cả tổng đài của các hãng cứu hộ giao thông như Cứu hộ 116, Cứu hộ giao thông Hà Nội, Cứu hộ Giải Phóng, Cứu hộ Mạnh Tường... cũng trong tình trạng tương tự. Các nhân viên cứu hộ cho biết lượng xe yêu cầu cứu hộ dù rất lớn nhưng không hẳn bị quá tải mà chủ yếu là do tắc đường, ngập nên xe cứu hộ rất khó đến đúng chỗ khách hàng báo có xe cần cứu hộ. Do đó, thực tế, lượng xe mà lực lượng cứu hộ cứu được cũng không được bao nhiêu.

 

Ngày 1-11, Trưởng ga Hà Nội Vũ Đình Rậu cho biết, mưa lớn đã làm khu vực ga Giáp Bát bị ngập nặng khiến nhiều đoàn tàu không thể đến và đi theo kế hoạch. Được biết, có 6 đoàn tàu phải dừng, trả khách tại ga Văn Điển, bởi không thể vượt qua khu vực ga Giáp Bát. Ngành Đường sắt đã lập đoàn tàu xuất phát từ ga Văn Điển đi phía Nam thay cho xuất phát tại ga Hà Nội và phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội bố trí gần 30 chuyến xe khách vận chuyển hơn 1.000 hành khách từ ga Hà Nội đến ga Văn Điển và ngược lại.

 

Một số khu vực tiếp tục bị cắt điện do ngập úng

 

Do mưa lớn vẫn liên tục diễn ra trên địa bàn làm ngập úng nhiều khu vực, để bảo đảm an toàn cho khu vực dân cư và khách hàng, ngoài các khu vực đã tạm ngừng cung cấp điện từ chiều 31-10, sáng 1-11 các lực lượng ứng trực đã chủ động cắt điện nhiều khu vực dân cư khác như Ngọc Lâm, Phú Viên, Bồ Đề, Yên Sở, Tân Mai, Đại Kim, Thịnh Liệt, Giáp Bát, Mai Động, Thượng Đình, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Bắc, Nguyễn Trãi, Vĩnh Hồ, Phùng Khoang, Quỳnh Đô, Đại Áng, Cầu Bươu, Thành Công, Kim Liên, Trung Tự, Nam Đồng, Trung Yên, Trung Kính, Minh Khai, Quỳnh Lôi, Mỹ Đình, Quan Nhân, Định Công, Khương Mai, Kim Giang, Từ Liêm, Hàng Chuối, Nguyễn Công Trứ, Trần Cao Vân, Phố Huế, Bà Triệu, Trần Quốc Toản, Nguyễn Du, Lương Yên, Chợ Mơ… Trạm biến áp 220kV Hà Đông vẫn bị ngập sâu trong nước nên TP Hà Đông và một số huyện như Chương Mỹ, Thường Tín, Đan Phượng, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Hoài Đức và Mỹ Đức vẫn tiếp tục bị cắt điện.

 

Ở một số khu vực nước tạm thời rút, bộ phận ứng trực thuộc  các Điện lực, Xí nghiệp 110kV, đội thí nghiệm và các phòng ban liên quan đã khẩn trương làm vệ sinh và thí nghiệm thiết bị để cấp điện lại cho nhiều phụ tải ở khu vực quận Hai Bà Trưng, Ba Đình…

 

Nhiều tuyến giao thông ngoại thành vẫn tê liệt

 

Tính đến 17 giờ ngày hôm qua (1-11) nhiều tuyến đường giao thông ngoại thành Hà Nội vẫn bị tê liệt do mưa lớn kéo dài. Tại Quốc lộ 32, khu vực đập tràn thị trấn Phùng bị ngập sâu từ 1,5-2m. Quốc lộ 21B tại Xốm ngập 1,1m, Thạch Bích và Bình Đà ngập 0,4m. Đường 421 ngập tại cầu Bãi Tích 1,2m. Đường 424, đập tràn cầu Dậm ngập 1,2m. Đường 423, ngập tại cầu Thanh Quang 1,2m. Đường 422 ngập tại cầu Yên Sở, Trũng Vỡ 0,6-1,1m, ngã tư Sơn Đồng 0,6m. Đường 430 ngập từ Viện 103 đến Ngã tư Cầu Trắng từ 0,3-1,2m; đoạn Vạn Phúc-Ngọc Trục ngập 0,6m. Đường 417, tại xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ) ngập 0,4m. Quốc lộ 1 tại km 207 ngập từ 0,3-0,5m. Đường 422B đoạn Sơn Đồng- Vân Canh ngập 0,6m. Đường 446 đoạn qua 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung ngập tràn, phương tiện giao thông không thể lưu thông. Quốc lộ 6 đoạn xã Yên Nghĩa - Hà Đông ngập từ 1,2-1,5m. Lực lượng chức năng đã lập chốt và hướng dẫn giao thông.