Hà Nội ước thiệt hại hơn 3.000 tỉ đồng

07:52, 03/11/2008

Tại cuộc họp giao ban chiều 3/11, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương (PCLB TƯ) cho biết, đợt mưa lũ vừa qua đã gây ra tổng thiệt hại vật chất gần 5.300 tỷ đồng, trong đó nặng nề nhất là Hà Nội với ước tính ban đầu 3.000 tỷ đồng (chưa kể sản xuất công nghiệp, dịch vụ).

Thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng

Tại cuộc họp giao ban chiều 3/11, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ban chỉ đạo PCLB TƯ cho biết, mưa lũ đợt vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc. 47 người bị thiệt mạng, 7 người bị mất tích (trong đó riêng Hà Nội đã là 20 người).

Tổng thiệt hại vật chất gần 5.300 tỷ đồng, trong đó nặng nề nhất là Hà Nội với ước tính ban đầu 3.000 tỷ đồng (chưa kể sản xuất công nghiệp, dịch vụ), tiếp đến là Hưng Yên 1.300 tỷ đồng, Hà Nam 888 tỷ đồng...

Trên 250.000ha diện tích hoa màu bị ngập, có khả năng mất trắng. Hệ thống đê kè, cống thuỷ lợi hư hỏng nặng. Các địa phương xin hỗ trợ khẩn cấp 516 tỷ đồng, 5.000 tấn gạo, 800 tấn giống lúa.

Ông Trịnh Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết, toàn bộ hệ thống sông, các tuyến đê có sông của Hà Nội phải "vật lộn" để chống tràn. Người dân rất vất vả để giữ cho đê bao, đê bối cục bộ an toàn... Hà Nội đã mất 52.000 ha vụ đông, 9.500 ha nuôi trồng thuỷ sản, gần 2.000ha lúa muộn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát ước tính, trong số trên 250.000ha hoa màu bị ngập, chủ yếu là ngô và đỗ tương. Đỗ tương chỉ 3 ngày nước ngập là thối hết, khi nước rút đồng còn trống không. Cây ngô còn đỡ, cây nào khoẻ sẽ sống sót. Người Hà Nội Tết năm nay có thể sẽ không có quất để chơi. Cá cũng mất trắng.

Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV, trong 1-2 ngày tới các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ sẽ có mưa rào và dông vài nơi, đến 7/11, nhiều khả năng sẽ có một đợt không khí lạnh nữa ảnh hưởng tới các tỉnh phía Bắc. Lượng mưa sẽ giảm trong vài ngày tới, nước các sông cũng xuống.

Song, các địa phương vẫn phải chuẩn bị trước diễn biến khó lường của thời tiết, đặc biệt là vùng nội thành Hà Nội, ven sông Nhuệ, sông Hoàng Long, chỉ cần mưa thêm 100-200mm nước là công tác chống ngập vô cùng khó khăn do nay đã bị ngập rồi, nguy cơ vỡ đê rất cao.

Đối với Hà Nội, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói rằng cần nghiêm cấm các địa phương bơm nước vào sông Nhuệ, giảm áp lực cho Hà Nội bằng cách bơm sang sông Đáy, sông Hồng. Nếu không, chỉ một ngày Hà Nội dừng hoạt động cũng thiệt hại rất lớn về kinh tế, chưa kể các hoạt động về chính trị, văn hoá.

Với hệ thống Bắc Hưng Hải (khu vực Văn Giang, Khoái Châu), nơi nào không quan trọng cũng không được cho bơm nước vào hệ thống sông này để tránh nguy cơ vỡ đê.

Ông Trịnh Duy Hùng xác định, bằng mọi giá Hà Nội sẽ triển khai chống ngập úng, đảm bảo từ nay đến cuối tuần tình hình sẽ được cải thiện. Đồng thời, TP chấp nhận mất diện tích cây vụ đông, rau màu và thuỷ sản để bảo vệ đê và thoát nước cho khu vực nội thành.

Hiện chính quyền các quận, huyện tiếp tục lo di dời dân cư vùng bị nước ngập đến nơi an toàn. TP Hà Nội ban đầu đã cấp trên 8 tỷ đồng cho 5 huyện khắc phục sạt lở đê điều và 27 tấn mỳ tôm, 115 tấn gạo cho người dân.

Hội Chữ Thập đỏ ngày 4/11sẽ triển khai cứu trợ trực tiếp cho các tỉnh, đặc biệt là Hà Nội và Ninh Bình, chăn màn, đồ nấu ăn, thực phẩm (gạo, mỳ tôm). Hội cũng hỗ trợ gia đình có người chết 2 triệu đồng.

Bài học cho Hà Nội

Về phần mình, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, con số 3.000 tỷ đồng của riêng Hà Nội mới là thiệt hại ban đầu. Những thiệt hại gián tiếp khác sẽ còn lớn hơn và kéo dài, về sau cũng phải được tính đến.

Liên quan đến việc đảm bảo tiêu thoát nước cho Hà Nội và 10 địa phương khác bị ảnh hưởng của mưa lớn, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần đảm bảo an toàn hồ đập, đê triền sông, không vì lợi ích cục bộ mà đổ xô tiêu thoát nước. Trước mắt, Chính phủ đồng ý hỗ trợ 200-300 tỷ đồng để kè lại đê Hoàng Long - đây là nhiệm vụ cấp bách cần xử lý ngay.

Mặt khác, cần đảm bảo đời sống cho người dân ở Hà Nội và các vùng lân cận bị chia cắt, giao thông đi lại và xác định lại số lượng khu dân cư bị chia cắt để sơ tán dân khi cần thiết; song song đó, cung cấp lương thực, nước sạch, y tế. Phó Thủ tướng lưu ý cần ưu tiên hỗ trợ những gia đình có người thiệt mạng, bị thương, những người già, trẻ em và phụ nữ cần giúp đỡ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương đi kiểm tra ngay 11 địa phương để đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong dân, tránh tăng giá trong khi chúng ta đang nỗ lực hạn chế lạm phát.

Bộ Y tế kiểm tra từng địa phương, khu vực ngập, không chỉ cung cấp thuốc men mà hỗ trợ người dân khi thời tiết chuyển lạnh, dễ ốm. Bộ NN-PTNT tập trung khôi phục sản xuất và lập đánh giá về thiệt hại ở các vùng bị thiệt hại.

Phó Thủ tướng đánh giá, mỗi lần mưa lũ như thế này là một bài học cho Hà Nội và các tỉnh, bởi đây cũng là do tác động của biến đổi khí hậu. Việc quy hoạch phát triển Hà Nội không nên dựa theo chuỗi số liệu đã cũ mà cần thay đổi cho phù hợp với diễn biến mới của thời tiết. Bên cạnh đó, Hà Nội cần đặt trong quy hoạch mới của một Hà Nội mở rộng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị, qua đợt mưa lớn này cần rút kinh nghiệm trong việc hỗ trợ người dân tại những nơi bị ngập lụt, như bố trí dân quân canh gác, hỗ trợ người dân khi tham gia giao thông, nhất là xe cứu thương, người có việc quan trọng. Bản thân ông đi họp điều hành tháng 10 của Chính phủ cũng mất 2 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Đó là chưa kể những chung cư đã mất điện vài ngày nay và diễn biến dịch bệnh rất phức tạp.

Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu ngành điện cần nhanh chóng khôi phục hệ thống điện trong thành phố, tránh tình trạng mất điện kéo dài. Ngành y tế cần khẩn trương tiến hành các biện pháp đề phòng dịch bệnh ở Hà Nội.

“Trước mắt Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc bằng mọi giá phải đảm bảo lương thực cung cấp đến cho người dân. Cần kiểm tra tất cả Hà Nội, ở đâu giá cả tăng phải chở gạo vào đến tận nơi, kể cả những vùng bị ngập nặng đến đâu, không để dân bị đói cũng như không để xảy ra tình trạng lợi dụng tăng giá, trục lợi” - Bộ trưởng Phát nhấn mạnh.

Do đã mất một nửa diện tích vụ đông nên khi nước rút, các địa phương triển khai ngay việc trồng rau, trồng khoai tây ở những vùng có điều kiện. Trong vòng bán kính 20 km quanh trung tâm TP, các vùng trồng rau đều đã bị ngập nặng, phải mất ít nhất 1 tháng mới có rau cung cấp trở lại. Để tránh khan hiếm, giá tăng, Hà Nội cần sớm liên hệ với các tỉnh xa hơn để được hỗ trợ nguồn rau xanh.