Không còn là cảnh báo

15:06, 08/11/2008

Mới đây, hàng loạt các vụ xả nước thải, khí thải ra môi trường tự nhiên tại một số cơ sở sản xuất công nghiệp trong nước đã gây chấn động dư luận. Với Thái Nguyên - một tỉnh có tới gần chục cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng theo Quyết định của Chính phủ thì vấn đề này không còn đơn thuần là cảnh báo nữa, nhất là từ sau vụ xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra sông Cầu của Công ty cổ phần Giấy xuất khẩu Thái Nguyên bị phát hiện.

Nếu nhìn vào bảng đánh giá hiện trạng nguồn nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ra sông Cầu của Uỷ ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu thì chắc hẳn nhiều người sẽ không khỏi giật mình. Riêng ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tại các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai mỗi năm xả ra sông Cầu hàng trăm nghìn mét khối nước thải. Điều đáng quan tâm là hầu hết các mỏ khai thác khoáng sản ở những địa phương nói trên đều chưa có hệ thống xử lý nước thải. Lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh hàng ngày còn phải oằn mình hứng chịu tới khoảng 16.000m3 nước thải từ các khu công nghiệp (KCN) luyện kim, cán thép, chế tạo thiết bị máy móc. KCN Gang Thép có mức độ ảnh hưởng lớn nhất đến chất lượng nguồn nước sông Cầu. Mặc dù đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhưng mức độ ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất gang thép của KCN này vẫn rất đáng kể, lưu lượng nước thải ước tính khoảng một triệu mét khối/năm. Sản xuất giấy cũng có những tác động không nhỏ đến môi trường lưu vực sông Cầu. Ước tính mỗi ngày, sông Cầu phải tiếp nhận khoảng 3.500m3 nước thải từ các nhà máy giấy. Đặc biệt, nguồn nước thải từ sản xuất giấy có chứa các chất ô nhiễm vô cơ, khó lắng, độ kiềm cao, bốc mùi hôi khó chịu. Ngoài ra, nước thải từ các hoạt động chế biến thực phẩm, sản xuất tấm lợp fibrô-ximăng, từ các làng nghề… cũng có những tác động xấu đến nguồn nước sông Cầu.

Thiệt hại từ ô nhiễm môi trường nguồn nước sông Cầu là rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khoẻ cộng đồng mà còn tác động xấu tới tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh và các địa phương trong toàn lưu vực. Vấn đề ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu đã được cảnh báo rất nhiều, một số cơ sở công nghiệp trong tỉnh đã có những biện pháp hạn chế ô nhiễm, nhưng hiệu quả đạt được trong thực tế vẫn chưa thấm vào đâu.

Để làm rõ thêm mức độ ảnh hưởng tới môi trường từ các hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn, xin lấy ví dụ từ KCN Sông Công. Thời gian qua, Sở Tài nguyên - Môi trường đã nhiều lần tiến hành giám định kỹ thuật về môi trường nước tại KCN này và gần đây nhất đã có kết luận: “Nước thải của KCN Sông Công bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước mang tính axit và có hàm lượng một số kim loại nặng, độc hại cao”. Tại KCN Sông Công hiện có gần 20 đơn vị hoạt động sản xuất với nhiều loại hình, ngành nghề khác nhau. Tất cả các đơn vị này đều có nguồn nước thải với lưu lượng và đặc thù gây ô nhiễm khác nhau. Theo khảo sát thì mới có 1/4 số đơn vị thực hiện đấu nối hệ thống thoát nước vào hệ thống cống thải chung của KCN. Số còn lại đều thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên mà chưa qua xử lý. Sở Tài Nguyên - Môi trường đã tiến hành lấy mẫu nước thải tại bãi lưu giữ nước thải tạm thời của KCN và tại cửa xả nước mưa của KCN ra tự nhiên thì thấy mức độ ô nhiễm nguồn nước là rất lớn. Nước thải mang tính axit cao, hàm lượng một số kim loại nặng trong nước như kẽm, magiê, sắt… vượt nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, nguồn nước thải còn thể hiện bị ô nhiễm Nitơ, Amoni. Có thể thấy, việc nhiều doanh nghiệp tại KCN này gây ô nhiễm môi trường là rõ ràng, nhưng cũng phải thừa nhận một phần trách nhiệm ở đây thuộc về phía các nhà quản lý KCN và việc đầu tư của tỉnh. Mặc dù đưa vào hoạt động hơn 10 năm nay, nhưng hiện tại KCN Sông Công vẫn chưa có trạm xử lý nước thải tập trung và khu xử lý chất thải rắn đảm bảo. Toàn bộ nước thải đều xả thẳng ra môi trường qua hệ thống cống thoát nước thải và thoát nước mưa của KCN.

Qua đây có thể khẳng định, ô nhiễm môi trường công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trở nên khá nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên và sức khoẻ cộng đồng. Từ thực trạng này đỏi hỏi các ngành chức năng phải thực sự nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất công nghiệp và ngăn chặn kịp thời những hành vi cố tình vi phạm những quy định về bảo vệ môi trường.