Lúng túng trong thực thi

14:23, 12/11/2008

Gần đây, nhiều người lao động (NLĐ) lo lắng vì thông tin NLĐ làm việc từ đủ 12 tháng trở lên kể từ trước ngày 1-1-2009 nhưng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa đủ 12 tháng sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc khi tham gia BHTN.

Từ ngày 1-1-2009, Luật Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chính thức có hiệu lực và hiện nay các cơ quan tham mưu của Chính phủ đang tiến hành xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện BHTN.

Người lao động lo lắng

Theo Điều 81 Luật BHXH, để được hưởng BHTN, NLĐ phải có đủ 12 tháng tham gia BHTN trở lên và có thời gian làm việc 24 tháng trước khi thất nghiệp; đã đăng ký thất nghiệp với cơ quan BHXH và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp. Tiếp đó, tại khoản 6 Điều 139 Luật BHXH lại quy định: “Thời gian NLĐ đóng BHTN theo quy định tại luật này không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về cán bộ công chức”. Dựa theo hai điều khoản nêu trên, NLĐ có thể hiểu là họ làm việc từ đủ 12 tháng trở lên kể từ trước ngày 1-1-2009 nhưng thời gian đóng BHTN chưa đủ 12 tháng sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc (được quy định tại điều 17 và 42 của bộ luật Lao động) khi tham gia BHTN. Chính vì hiểu như vậy nên thời gian vừa qua, nhiều NLĐ tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tính đến phương án sẽ viết đơn xin nghỉ việc trước ngày 1-1-2009 để được nhận trợ cấp thôi việc, sau đó sẽ xin ký tiếp hợp đồng lao động với DN đó hoặc chuyển sang làm việc tại một công ty khác để bảo toàn số tiền trợ cấp mất việc và thôi việc.

Cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể

Theo Công văn số 3496/LĐTBXH-VL: Sau ngày 1-1-2009, NLĐ bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì được hưởng các chế độ BHTN đối với thời gian tham gia BHTN (sau ngày 1-1-2009) và được hưởng trợ cấp thôi việc đối với thời gian đã làm việc cho DN trước ngày 1-1-2009 mà chưa nhận được trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, nội dung trả lời như trên vẫn chưa giải thích đầy đủ những băn khoăn, thắc mắc của NLĐ, đồng thời cũng đã đặt ra một số vấn đề mới liên quan đến trợ cấp thôi việc trong luật BHTN. Cụ thể là NLĐ có thâm niên làm việc ở DN từ đủ 12 tháng trở lên kể từ trước ngày 1-1-2009 nhưng thời gian đóng BHTN chưa đủ 12 tháng mà bị thất nghiệp thì có được trả trợ cấp mất việc theo Điều 17 BLLĐ hay không? NLĐ có thâm niên làm việc tại DN từ 12 tháng trở lên trước ngày 1-1-2009 sau đó thôi việc theo điều 36, 37, 38 bộ luật Lao động thì khoảng thời gian từ 1-1-2009 trở về trước có được trả trợ cấp thôi việc theo Điều 42 không? NLĐ có thâm niên làm việc ở DN, sau khi đủ điều kiện hưởng BHTN mà DN chấm dứt hoạt động hoặc giải thể một bộ phận thì NLĐ có được hưởng trợ cấp mất việc hoặc thôi việc đối với thời gian làm việc từ ngày 1-1-2009 trở về trước không?

Theo quy định của bộ luật Lao động, NLĐ được hưởng trợ cấp mất việc làm (Điều 17) mỗi năm làm việc được trả một tháng lương, nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng lương; trong khi NLĐ được hưởng trợ cấp thôi việc (Điều 42) mỗi năm làm việc là nửa tháng lương. Ngoài ra, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người thất nghiệp phải đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp. Như vậy, việc định mốc thời gian sẽ không tính được vì nếu tính từ 1-1-2009 thì phải đến hết ngày 31-12-2009, NLĐ mới được hưởng BHTN. Như vậy, những trường hợp bị thôi việc, mất việc trong năm 2009 sẽ không nằm trong khung điều chỉnh của luật, gây thiệt thòi cho người lao động về các khoản trợ cấp thôi việc hoặc rơi vào tình trạng thất nghiệp.