Môi trường và những vấn đề đang đặt ra

16:20, 30/11/2008

Trong quá trình đẩy mạnh CNH-HĐH, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Thái Nguyên đang là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng đến sản xuất và chất lượng sinh hoạt của người dân … Vậy vấn đề đặt ra hiện nay đó là phải có những giải pháp phù hợp để vừa phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, nhưng vẫn phải bảo đảm môi trường sinh thái, ổn định và nâng cao chất lượng môi trường sống của cộng đồng cư dân, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn.

Môi trường đang bị ô nhiễm

 

Hiện trạng môi trường sinh thái ở Thái Nguyên có thể khẳng định đang bị ô nhiễm ở mức quá giới hạn cho phép, nhiều nơi bị ô nhiễm nặng. Về nguồn nước, nước mặt bị ô nhiễm khá nghiêm trọng, đặc biệt là sông Cầu, hằng năm tiếp nhận khoảng 35 triệu m3 nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa triệt để của hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai thác, chế biến khoáng sản, các bệnh viện …Ngoài ra, sông Cầu cũng còn phải tiếp nhận khoảng 15 triệu m2 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý của các khu dân cư đô thị. Theo kết quả quan trắc, hàm lượng BOD5 trong nước tại cầu Gia Bẩy, đập Thác Huống, cầu Mây vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,08- 9,5 lần; COD vượt từ 1,2-5,8 lần; NH4 vượt từ 1,34- trên 20 lần; lượng dầu mỡ đạt tới 0,195- 0,196 mg/l, trong khi giá trị tiêu chuẩn là 0. Nước sông Công và hồ Núi Cốc cũng có dấu hiệu ô nhiễm các chất hữu cơ, vô cơ, kim loại nặng, dầu mỡ và các hoá chất bảo vệ thực vật.

 

Môi trường nước dưới lòng đất cũng đã có những biểu hiện ô nhiễm, tuy nhiên chỉ mang tính cục bộ như tại một số khu vực khai thác khoáng sản Hà Thượng, Tân Linh (Đại Từ), hàm lượng Asen từ 0,068- 0,109 mg/l, vượt tiêu chuẩn cho phép từ  1,7- 8,2 lần;  phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên), Thị trấn Giang Tiên (Phú Lương), hàm lượng Xyanua vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,9- 12,9 lần …

 

Tại các khu công nghiệp và khai thác khoáng sản, qua điều tra chất thải cho thấy ước tính mỗi năm các hoạt động sản xuất công nghiệp thải ra khoảng một tỷ m3 khí, hàng nghìn tấn bụi và hàng trăm nghìn tấn chất thải rắn. Theo số liệu điều tra: Tại 20 doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản, hàng năm thải vào môi trường khoảng 450 triệu m3 khí thải; 16 doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tập trung hàng năm thải vào môi trường trên 200 triệu m3 khí thải, 160 nghìn m3 nước thải, 150.668 tấn chất thải rắn; 14 doanh nghiệp cơ khí chế tạo hàng năm thải vào môi trường trên 150 triệu m3 khí thải …

 

 Trong số các cơ cở sản xuất công nghiệp và khu công nghiệp của tỉnh, hiện có khoảng 90% cơ sở chưa có trạm xử lý nước thải và hệ thống kỹ thuật hạ tầng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Tại các khu công nghiệp, chúng tôi đã tìm hiểu tại cơ sở và được biết: Hiện nay mới có khu công nghiệp tập trung Sông Công có thiết kế quy hoạch chi tiết, nhưng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường  như: Hệ thống thoát nước bề mặt, hệ thống thu gom và xử lý nước thải riêng của từng nhà máy, hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, khu chôn lấp chất thải rắn chưa được hoàn thiện. Các chất thải rắn công nghiệp chủ yếu được thu gom và chôn lấp ngay trong khu vực sản xuất hoặc chôn cùng với rác thải sinh hoạt, đặc biệt các chất thải nguy hại chưa được quản lý, phân loại và xử lý theo đúng quy định.

 

Về nước thải, chất thải tại các khu đô thị cũng đang còn nhiều bất cập, gây ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Riêng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các khu đô thị của tỉnh ước tính khoảng 330 tấn/ngày, nhưng mới chỉ có một bãi chôn lấp tại bãi rác Đá Mài, tiếp nhận khoảng gần 100 tấn rác thu gom mỗi ngày của T.P Thái Nguyên; các thị trấn, thị xã của tỉnh chỉ có điểm chôn lấp thủ công, lượng thu gom thấp. Đây cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước, không khí ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân. Hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng còn thiếu các phương tiện kỹ thuật, thiết bị để xử lý rác thải y tế theo đúng quy định về bảo vệ môi trường, hiện tại mới có 4 bệnh viện thực hiện đốt rác thải y tế tại lò đủ tiêu chuẩn, số còn lại rác y tế vẫn chỉ chôn lấp  theo phương thức thông thường, gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường sống.

 

Khu vực nông thôn cũng bị ô nhiễm về môi trường sống do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng tăng ( khoảng 75 nghìn tấn phân hoá học và 420 tấn thuốc bảo vệ thực vật/năm). Tình trạng ô nhiễm ở các cơ sở chăn nuôi tập trung, các cơ sở giết mổ cũng gia tăng và chưa có các giải pháp khắc phục …

 

Dự báo về tình hình ô nhiễm môi trường của Thái Nguyên trong những năm tới sẽ còn nhiều phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Lý do: Tốc độ phát triển đô thị, phát triển công nghiệp ở mức cao, đến năm 2010 sẽ có khoảng trên 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và 20 đô thị các loại, dân số đô thị sẽ tăng nhanh. Vì vậy lượng khí thải, chất thải, nước thải công nghiệp và sinh hoạt đô thị ngày càng nhiều. Một số cơ sở khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng lớn đi vào hoạt động như: Mỏ sắt Tiến Bộ, Mỏ đa kim núi Pháo, Nhà máy xi măng Thái Nguyên, Dự án cải tạo, mở rộng giai đoạn 2 Khu công nghiệp Lưu Xá … sẽ là những ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường …

 

Hạn chế bằng cách nào?

 

Sớm nhận thức tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội, Thái Nguyên đã xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp để hạn chế tác hại đến môi trường, trong đó tích cực thực hiện đề án Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH giai đoạn 2007-2010 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cấp, các ngành sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực quản lý môi trường và đào tạo nguồn nhân lực cho công tác bảo vệ môi trường, tăng cường phân cấp công tác quản lý, làm rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường; tiến hành xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường, thực hiện nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ, tằng cường đầu tư cho bảo vệ môi trường; tích cực phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường …

 

Những giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường của Thái Nguyên là tích cực và kịp thời, tuy nhiên khi tìm hiểu tại nhiều cơ sở sản xuất và tại các khu đô thị, nhất là các khu công nghiệp, chúng tôi thấy một thực tế là: Về mặt văn bản, chế tài về quản lý, bảo vệ môi trường không thiếu; nhận thức của các chủ cơ sở sản xuất và không ít người dân về tác hại của ô nhiễm môi trường khá tốt, nhưng việc thực hiện lại không được chú ý, thậm chí cố tình không thực hiện để giảm chi phí sản xuất, tư tưởng vì cái lợi trước mắt đã làm lu mờ cái hại lớn hơn về sau. Chính vì vậy để tạo ra sự chuyển biến nhanh trong bảo vệ môi trường, ngoài các giải pháp đồng bộ trên thì giải pháp xử phạt nghiêm minh những vi phạm về môi trường cần phải được chú ý hơn, chế tài xử phạt phải đủ sức răn đe thì mới có tác dụng bền vững. Việc cố tình vị phạm bảo vệ môi trường cũng do yếu tố kinh tế chi phối nên việc khắc phục cũng phải có giải pháp kinh tế đủ mạnh mới có hiệu quả.

 

Về vấn đề đầu tư mới, các cơ sở sản xuất cần phải bắt buộc thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường trước khi đầu tư vào sản xuất. Các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh nên được ưu tiên đầu tư tại các khu công nghiệp tập trung, hạn chế xây dựng gần khu dân cư, xây dựng rải rác để dễ đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường và tránh ô nhiễm môi trường trên diện rộng… Thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh ta sẽ có những bước phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp với nền kinh té phát triển và chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.