Nhiều tuyến đê phía Bắc có nguy cơ bị tràn, vỡ

15:17, 01/11/2008

- Ban Chỉ đạo PCLB TƯ cho biết, mưa lớn 3 ngày qua đã làm nhiều đoạn đê bị tràn, một số nơi bị sụt. Đến sáng 2/11, các địa phương đang huy động người dân nỗ lực chống tràn và di dời ra khỏi khu vực xung yếu.

Theo Ban Chỉ đạo PCLB TƯ, tại TP. Hà Nội, trạm bơm Yên Sở và một số đoạn đê nội đồng trên sông Nhuệ có nguy cơ bị tràn, một số nơi đã bị sụt sạt mái phía đồng.

 

Do vậy, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu Ban chỉ huy PCLB-TKCN của Hà Nội, tỉnh Hà Nam triển khai ngừng ngay việc bơm tiêu nước vào sông Nhuệ, sông Duy Tiên và vận hành các trạm bơm Vân Đình, Khai Thái, Yên Lệnh để tiêu thoát lũ ra sông Hồng, sông Đáy và giảm áp lực lũ lên đê sông Nhuệ.

 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chiều qua cũng đã thị sát một số điểm xảy ra úng ngập trên địa bàn thành phố và chỉ đạo việc bơm nước cứu nguy cho sông Nhuệ.

 

Tại tỉnh Ninh Bình, đoạn tràn Đức Long - Gia Tường, hữu sông Hoàng Long đã bị tràn phần mềm, địa phương tập trung chống tràn nhưng đến 5h chiều ngày 1/11 không chống được. Tỉnh phải huy động các lực lượng di dời dân cùng tài sản đến nơi an toàn.

 

Ngoài ra, tại tràn Lạc Khoái, hữu Hoàng Long cũng xấp xỉ tràn qua phần mềm. Do toàn dân địa phương nỗ lực chống tràn nên đến nay vẫn bảo vệ được đê. Song, mực nước cũng chỉ cách mặt đê từ 20-30cm.

 

Ban Chỉ đạo PCLB TƯ đã cử đoàn công tác do Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đến Ninh Bình cùng địa phương chỉ đạo công tác chống lũ sông Hoàng Long và khắc phục hậu quả tại vùng ngập lũ. Tỉnh đã huy động hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ và lực lượng xung kích, cùng 7.000 bao nilon, 2.000m2 bạt chống sóng để cứu hộ tràn Lạc Khoái, Đức Long - Gia Tường hữu Hoàng Long.

 

Lãnh đạo tỉnh hỗ trợ ngay 1.000 thùng mỳ tôm, 200 thùng lương khô, 300 lít dầu hỏa cùng nhiều thuốc chữa bệnh và hóa chất xử lý nước ClomilB cho 2 huyện Nho Quan, Nho Viễn. Đến nay, tổng số tiền hỗ trợ cho nhân dân 7 xã vùng lũ là 550 triệu đồng.

 

Với hệ thống đê nội đồng tỉnh Vĩnh Phúc, đê Bờ Đáy đoạn hạ lưu sông Tranh (nhánh của sông Cà Lồ, thuộc thị trấn Hương Canh) bị tràn trên chiều dài 2km. Đê Sáu Vó mực nước hiện còn cách mặt đê 0,4-0,5m.

 

Vĩnh Phúc ngay lập tức đã huy động 600 người (500 bộ đội, 100 lực lượng địa phương) và phương tiện để chống tràn, đồng thời tổ chức di dời 200 hộ dân vùng thị trấn Hương Canh đến nơi an toàn. Tuy nhiên, do lũ tiếp tục lên nên đến 2 sáng ngày 2/11 đoạn đê Bờ Đáy đã bị vỡ.

 

Một đoàn công tác do lãnh đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB TƯ và Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cũng đã có mặt tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ để cùng địa phương kiểm tra, đôn đốc việc cứu hộ đê nội đồng trên các sông nhánh của sông Cà Lồ và công tác tiêu thoát úng, ngập, kiểm tra an toàn đập của hồ chứa nước.

 

Riêng con số thống kê về tình hình thiệt hại do mưa, lũ đến sáng 2/11 của Ban Chỉ đạo PCLB TƯ khác với số liệu mà VietNamNet có được. Theo cơ quan này, những trận mưa kinh hoàng 3 ngày qua đã làm 22 người ở các tỉnh phía Bắc và Trung Bộ thiệt mạng.

 

Trong đó có 17 người chết do lũ cuốn trôi, 2 người chết do sét đánh, 3 người chết do điện giật, cụ thể là Hà Nội 9 người (5 người chết do lũ cuốn trôi, 3 người chết do điện giật và 1 người chết do sét đánh); Ninh Bình 1 người; Hoà Bình 2 người bị lũ cuốn trôi; Vĩnh Phúc 2 người cũng do lũ cuốn khi đi qua suối; Phú Thọ 1 người; Bắc Giang 3 người; Nghệ An 2; Hà Tĩnh 1 người; Quảng Bình 1 người.

 

Ngoài ra, tại Thái Nguyên có 1 người bị mất tích và 2 người ở Vĩnh Phúc bị thương do sét đánh và điện giật.

 

Tổng số nhà bị ngập, hư hại hoặc sập, đổ trôi lên tới gần 54.150 cái. Diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng 182.938ha; diện tích thuỷ sản bị ngập 9.661ha. 457 cầu cống bị hư hại và trên 48.617m đê, kè, kênh mương hư hỏng. 83.825 m3 đê, kè bị sạt lở.