Những con đường nhập lậu sừng tê giác

14:34, 20/11/2008

Hàng loạt vụ buôn bán sừng tê giác đã bị phát hiện và không ít kẻ đã lĩnh án tù, nhưng nhiều người vẫn lao đầu vào món hàng quốc cấm này

Trước khi bà Đào Mộc Anh, Bí thư thứ nhất Đại Sứ quán VN tại Nam Phi, bị triệu hồi về nước vì nghi ngờ liên quan đến buôn lậu sừng tê giác mới đây, 2 năm trước, cảnh sát Nam Phi đã có văn bản thông báo với Bộ Công an về việc ông Nguyễn Khánh Toàn, tùy viên thương mại Đại sứ quán VN tại nước này, bị cáo buộc đã có hành vi buôn lậu 9 kg sừng tê giác.

 

Những vụ nổi cộm

 

Cách nay hơn 6 tháng, ngày 14-5, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện trong hành lý của hành khách Nguyễn Văn Tân (SN 1983, bay từ Hồng Kông về) 2 chiếc sừng tê giác nặng 9 kg. Trước đó, tháng 1-2008, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cũng phát hiện Trần Quốc Lập (ngụ quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) từ Singapore về mang theo 5 chiếc sừng tê giác nặng 17,66 kg. Kết luận giám định cho thấy 5 chiếc sừng này là của tê giác hai sừng châu Phi. Lập khai nhận ngày 21-8-2007, ông ta xuất cảnh đi Nam Phi để du lịch kết hợp săn bắn, số sừng tê giác này ông ta mua và săn bắn được. Ông Lập xuất trình 2 bộ giấy tờ của cơ quan chức năng ở Nam Phi cho phép xuất khẩu 4 sừng tê giác. Theo Cơ quan CSĐT, dù có giấy phép xuất khẩu của Nam Phi cấp (chưa xác định được thật hay giả), nhưng ông Lập không làm thủ tục nhập khẩu là vi phạm pháp luật.

 

Trước đó, cuối tháng 12-2005, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Linh Tùng, một sinh viên du học tại Angola, 22 tháng tù giam do buôn lậu sừng tê giác vào VN. Tháng 10-2004, Tùng bị phát hiện mang 2 sừng tê giác trắng nặng khoảng 10,75 kg qua cửa khẩu Nội Bài. Anh ta cho biết trong thời gian ở Angola có quen biết một người bạn Nam Phi và mua của người này 2 sừng tê giác.

 

Huyền thoại và sự thật

 

Vô số những vụ buôn lậu sừng tê giác với khối lượng nhỏ, xảy ra trong nước, cũng đã bị phát hiện. Một trinh sát Đội Chống buôn lậu Công an TP Hà Nội (PC15) cho biết việc buôn lậu sừng tê giác gần đây diễn ra rất phức tạp. Từ đầu năm đến nay, PC15 đã phát hiện gần chục vụ với quy mô khác nhau.

 

Theo trinh sát này, do các nước thực thi Công ước Cites về bảo vệ động vật hoang dã triệt để hơn nên giá mặt hàng này trên chợ đen đã bị đẩy lên cao. Giới buôn lậu cho biết giá 1 kg sừng tê giác tại Nam Phi khoảng 13.000 USD; xuất ra khỏi nội địa chi phí mất khoảng 10% và về đến VN có thể bán tới 20.000 USD. Nếu chỉ bán riêng phần chóp sừng, giá có thể tới 25.000 USD/kg. Song, VN cũng chỉ là điểm trung chuyển bởi sức mua không cao và giá cũng thấp hơn nhiều so với thị trường Hồng Kông.

 

Tại VN, không mấy người biết hình dạng con tê giác ra sao nhưng “thần hiệu” của nó có lẽ ai cũng đã từng nghe. Coi sừng tê giác là “thần dược chữa bách bệnh”, người mắc bệnh hiểm nghèo nghĩ ngay tới nó. Nhiều đại gia thừa tiền tìm đến sừng tê vì sự “sành điệu”...

 

Một tiến sĩ Viện Dược liệu Trung ương cho biết từ xưa, nhiều người đã coi sừng tê giác là một loại dược liệu bởi những đặc tính khác thường của nó. Người ta cho rằng đặc trưng hình thành sừng của tê giác (không phải mọc từ xương mà từ lông trên nền da) chứng tỏ nó là loài rất ưu việt. Việc sử dụng sừng tê giác như một nguồn dược liệu quý là có thật, bởi bước đầu nó đã được chuẩn hóa bằng những kiểm chứng lâm sàng y học. Tuy nhiên, tài liệu đông y cổ chỉ nói sừng tê giác là vị thuốc có tác dụng “thanh huyết, giải độc và định kinh”, thường dùng trong các trường hợp sốt quá hóa điên cuồng, thổ huyết, đau đầu, ung độc... Không sách nào nói sừng tê là loại “thần dược chữa bách bệnh”.

 

Tại VN, những công hiệu của sừng tê giác được biết đến phần lớn qua những lời đồn thổi xuất phát từ giới buôn lậu. Thậm chí, người ta còn nhấn mạnh đặc tính kỳ lạ của loài thú này là mỗi lần giao phối kéo dài 2-4 giờ. Sức mạnh thần kỳ ấy được người ta coi là tập trung ở chiếc sừng. Vì thế, chỉ việc mài sừng tê giác ra uống, người “yếu” mấy cũng trở nên “vô địch”!