Sau ngập lụt, bệnh dịch gia tăng

08:52, 13/11/2008

Những ngày gần đây, một số bệnh viện của Hà Nội đã xuất hiện bệnh nhân chủ yếu là các bệnh liên quan đến da liễu, sốt, đau mắt, bệnh ngoài da và bệnh đường tiêu hóa.

Nước ngập lâu ngày khi rút đi là điều kiện để dịch bệnh phát triển. Ảnh: P.H
Tại Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội, từ đầu tháng 11 đến nay đã có gần 200 bệnh nhân đau mắt, 70 ca viêm da, gần 60 ca nghi sốt xuất huyết, hơn 60 trường hợp bị rối loạn tiêu hóa tới khám. Trong số các bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp đến viện thì phần lớn liên quan đến nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, ngộ độc thực phẩm.

Theo Sở Y tế Hà Nội, báo cáo nhanh từ các quận, huyện đến ngày 13/11 cho biết, số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, bệnh ngoài da... tiếp tục gia tăng ở nhiều địa phương sau ngập lụt.

TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, trong hơn 10 ngày qua, dù chưa có sự gia tăng đột biến của bất cứ loại bệnh nào, cũng chưa có dịch bệnh bùng phát nhưng các ca bệnh đã tăng hơn bình thường. Hiện nguy cơ bùng phát các dịch bệnh sau lũ là rất lớn.

Liên quan đến dịch tiêu chảy đang hoành hành ở Hà Tĩnh, này 13/11, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) khẳng định, dịch tiêu chảy cấp ở Hà Tĩnh đã cơ bản được khống chế.

Theo báo cáo giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu tháng đến nay, địa phương này đã phát hiện 45 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó 8 trường hợp đã xác định dương tính với phẩy khuẩn tả. Các ca tiêu chảy cấp được phát hiện chủ yếu ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà với 32 ca mắc và cả 8 trường hợp dương tính với tả cũng được ghi nhận ở xã này. Trong đợt cao điểm bùng phát dịch, có ngày có đến 6 bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nhập viện nhưng đến ngày hôm qua (12/11)chỉ có 1 ca mới nhập viện, hiện còn 25 ca đang được điều trị tại bệnh viện tỉnh và các trạm y tế xã.

TS Nguyễn Huy Nga nhận định, nguồn lây lan dịch bệnh này có thể từ xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An do mỗi ngày có hàng chục thuyền cá qua lại giữa 2 bến Quỳnh Phương và Thạch Kim. Ngoài ra, thói quen ăn hải sản, cá nướng chưa chín kỹ và uống nước lã khi đi trên biển cũng là nguy cơ khiến vi khuẩn gây tiêu chảy cấp có cơ hội gây bệnh trong khi chúng ta chưa có điều kiện và kinh phí để duy trì hoạt động giám sát môi trường thường xuyên.

Về dịch sốt xuất huyết (SXH), TS Nguyễn Huy Nga cho biết, từ đầu tháng đến nay, Hà Tĩnh đã ghi nhận 70 trường hợp mắc SXH, hiện còn 30 ca đang điều trị tại bệnh viện huyện và trạm y tế xã, chủ yếu tập trung ở xã Xuân Thành (huyện Nghi Xuân) và một số ca ở huyện Lộc Hà. Môi trường sau là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và làm lan truyền dịch SXH trong cộng đồng.

Còn theo báo cáo nhanh của Bệnh viện TW Huế, tính đến ngày 13/11, trên toàn tỉnh TT-Huế đã có 186 ca dịch SXH, do thời tiết thay đổi thất thường, khí hậu ẩm nên trong những ngày gần đây dịch SXH bùng phát trên diện rộng.

Trong vòng một tuần trở lại đây, tại khoa truyền nhiễm Bệnh viện Trung ương Huế đã có 9 ca dịch SXH tập trung ở các huyện Hương Trà, Phú Vang và thành phố Huế. Riêng tháng 10 có đến 11 ca SXH denguel.

Trong ngày 13/11, nhiều bệnh nhân bị SXH vẫn tiếp tục đến nhập viện tại bệnh viện này.

Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh TT-Huế cho biết, để chủ động đối phó với dịch, địa phương đã dự trữ 32,5 lít Icon; 73,7 lít Korthrin; 50,9 lít Permothrin và 5785 chai bình xịt IP Spray để tiêu độc, phun thuốc diệt muỗi đối phó trước mắt.

Ngày 13/11, đoàn thanh tra Sở Y tế do TS.BS Lê Trường Giang – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã làm việc với Quận 9 về nguy cơ quận này sẽ trở thành một trọng điểm sốt xuất huyết trong thời gian tới. Tính đến ngày 12/11/2008, tổng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Quận 9 là 577 ca (số liệu do Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM báo), Trung tâm Y tế Dự phòng Quận 9 đã điều tra và xử lý được 489 ca. Ngoài gần 90 ổ dịch nhỏ không được phát hiện, những nguyên nhân dẫn đến việc không thể dập được những ổ dịch SXH cũ trên địa bàn còn do người dân không có thông tin về tổng số bao nhiêu ca mắc bệnh sốt xuất huyết, địa chỉ cụ thể ra sao, nhân viên y tế tại địa phương không tham mưu tốt cho lãnh đạo địa phương về công tác phòng chống dịch...