Thái Nguyên: Ban hành Quy định phối hợp trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí

08:42, 26/11/2008

Ngày 29/10/2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có Quyết định số 996-QĐ/TU ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí. Dưới đây là toàn văn Quy định này.

 

 

QUY ĐỊNH

về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ,

Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông,

Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan Đảng, Nhà nước

trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí

(Ban hành kèm theo Quyết định số 996-QĐ/TU, ngày 29 tháng 10 năm 2008

của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ)

 


Điều 1. Nguyên tắc phối hợp

 

1- Phối hợp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh, các Ban xây dựng Đảng Tỉnh uỷ, cấp uỷ ở các sở, ngành, cơ quan chủ quản báo chí theo nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia.

 

2- Phối hợp trên tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện để các bên tham gia hoàn thành tốt nhiệm vụ chung cũng như nhiệm vụ của từng đơn vị (sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan chủ quản); góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý báo chí.

 

Điều 2. Các công việc chính và cơ chế phối hợp

 

1- Tham mưu xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng về công tác báo chí

 

- Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.

 

- Cơ quan phối hợp: Ban cán sự đảng UBND tỉnh; cấp uỷ Sở Thông tin và Truyền thông; cấp uỷ Hội nhà báo và các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các cơ quan chủ quản báo chí ở tỉnh.

 

Nội dung: Tham mưu xây dựng chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, cấp uỷ đảng về định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin của báo chí; định hướng phát triển báo chí; công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, công tác xây dựng Đảng; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cơ quan báo chí.

 

2- Tham mưu xây dựng pháp luật về báo chí của Nhà nước; chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí của tỉnh

 

- Cơ quan chủ trì: Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh (cấp uỷ Sở Thông tin và Truyền thông là tổ chức được uỷ quyền).

 

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh.

Nội dung: Tham mưu xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh pháp luật về báo chí của Nhà nước; chính sách, chiến lược và quy hoạch phát triển báo chí của tỉnh cho nhiều năm; cấp phép hoặc thu hồi giấy phép hoạt động báo chí (có sự tham gia của cơ quan chủ quản và Ban Tuyên giáo Trung ương); kiểm tra, thanh tra, xử lý các cơ quan báo chí và nhà báo vi phạm các quy định của pháp luật.

 

3- Tham mưu xây dựng và thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam

 

- Cơ quan chủ trì: Lãnh đạo và Thường trực Hội Nhà báo tỉnh.

 

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, cấp uỷ các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan chủ quản báo chí và tổ chức đảng cơ quan báo chí của tỉnh.

 

Nội dung: Tham mưu xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước liên quan đến hoạt động của Hội Nhà báo, quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ các cấp hội và hội viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; coi trọng việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất cách mạng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên.

 

Điều 3. Tổ chức giao ban báo chí hàng quý

 

- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

 

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Hội Nhà báo tỉnh; Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch.

 

- Cơ quan, đơn vị tham dự giao ban: Văn phòng đại diện (hoặc trạm, phòng, chi nhánh) của các cơ quan báo chí Trung ương trên địa bàn (dưới đây gọi chung là Văn phòng đại diện); Báo Quân khu I; các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí của tỉnh. Có thể mời thêm đại diện một số cơ quan, đơn vị có liên quan đến những nội dung của buổi giao ban.

 

- Nội dung :

 

+ Lãnh đạo các cơ quan báo chí báo cáo trực tiếp các nội dung hoạt động chính và các kiến nghị của đơn vị mình với cấp uỷ, chính quyền, Hội Nhà báo và các đơn vị, cơ quan, cá nhân có liên quan; đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong thời gian tới.

 

+ Sở Thông tin và Truyền thông nhận xét, đánh giá nội dung thông tin trên báo, đài của tỉnh (gồm cả báo điện tử, trang thông tin điện tử của báo) dưới góc độ quản lý nhà nước; lưu ý, nhắc nhở các lỗi vi phạm, xử lý các cơ quan báo chí vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí. Nhận xét, đánh giá công tác thực thi pháp luật, chính sách về báo chí của cơ quan chủ quản; biểu dương các cơ quan báo chí có ưu điểm, thành tích nổi bật; phê bình, nhắc nhở, nêu kết quả xử lý các cơ quan báo chí vi phạm pháp luật.

 

+ Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ nhận xét, đánh giá công tác thông tin, tuyên truyền; nhận xét, định hướng về chính trị, tư tưởng trong nội dung thông tin của báo chí; lưu ý những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong thông tin, tuyên truyền. Nhận xét, đánh giá về việc các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về hoạt động báo chí; sự phối hợp của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí với các cơ quan chủ quản báo chí...

 

+ Hội Nhà báo tỉnh tuỳ điều kiện cụ thể, phát biểu ý kiến về công tác phối hợp quản lý báo chí và một số hoạt động nổi bật của Hội; về giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; nêu kết quả phê bình, xử lý những sai phạm của tổ chức hội và hội viên; kiến nghị các cơ quan chủ quản những vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội.

 

+ Các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị (theo yêu cầu cụ thể của cơ quan chủ trì, hoặc thấy có ý kiến cần trao đổi, được sự đồng ý của đơn vị tổ chức giao ban)  phát biểu, báo cáo một số vấn đề, chuyên đề liên quan đến nội dung thông tin trên báo chí, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.

 

+ Lãnh đạo các cơ quan báo chí nêu vấn đề, câu hỏi hoặc trao đổi, thảo luận, trả lời các ý kiến liên quan đến lĩnh vực của mình.

 

+ Đại diện các cơ quan chủ trì giao ban (hoặc cơ quan báo cáo chuyên đề) trao đổi, giải đáp những vấn đề được nêu ra tại cuộc giao ban.

 

+ Lãnh đạo cơ quan chủ trì giao ban kết luận.

 

* Khi có vấn đề, sự vụ đột xuất cần phải giao ban để làm rõ, thống nhất quan điểm, định hướng thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức giao ban đột xuất.

 

Điều 4. Sự phối hợp trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí của tỉnh; khen thưởng, kỷ luật cơ quan báo chí (về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chủ quản và lãnh đạo cơ quan báo chí; tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm; khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí thực hiện theo Quyết định số 75-QĐ/TW, ngày 21-8-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng).

 

- Chủ trì là cấp uỷ cơ quan chủ quản báo chí của tỉnh. Các cơ quan phối hợp là Sở Thông tin và Truyền thông; Ban Tuyên giáo; Ban Tổ chức; Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ; Sở Nội vụ; Hội Nhà báo và các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan hữu quan.

 

- Nội dung:

 

+ Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp trưởng cơ quan báo chí phải có sự trao đổi, thống nhất của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông. Nếu hai cơ quan này chưa thống nhất thì quyền quyết định thuộc về người đứng đầu cơ quan chủ quản trực tiếp (Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh). Thủ tục, quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm thực hiện theo các quy định hiện hành.

 

+ Việc khen thưởng cơ quan báo chí hoặc cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí thực hiện theo thẩm quyền và đề nghị cấp trên khen thưởng theo Luật Thi đua khen thưởng và các quy định hiện hành.

 

+ Khi cơ quan báo chí sai phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng về chính trị, tư tưởng trong nội dung thông tin, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp khẩn trương với Ban cán sự đảng UBND tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước liên quan yêu cầu cấp uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn cơ quan chủ quản báo chí xử lý kịp thời, nghiêm khắc tập thể, cá nhân sai phạm. Trong trường hợp cần thiết, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động báo chí đối với tổ chức, cá nhân sai phạm.

 

+ Việc xử lý kỷ luật đảng đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên thuộc diện quản lý của Tỉnh uỷ, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan hữu quan xem xét, xử lý theo Điều lệ Đảng và các quy định hiện hành.

 

Điều 5. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí

 

- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh khảo sát, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan làm công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; thẩm định các chương trình bồi dưỡng chính trị và theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí của tỉnh; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí của tỉnh. Cơ quan phối hợp thực hiện là Sở Thông tin và Truyền thông; Trường Chính trị tỉnh và các cơ quan hữu quan.

 

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì (giúp UBND tỉnh) khảo sát, lập kế hoạch bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chính sách của Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan đến hoạt động báo chí; tuyên truyền, phổ biến, theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật, chính sách về báo chí. Cơ quan phối hợp là Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Sở Nội vụ, Hội Nhà báo tỉnh; trường Chính trị tỉnh và các cơ quan hữu quan.

 

- Hội Nhà báo tỉnh, các liên chi hội, chi hội nhà báo chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ công tác hội, nghiệp vụ báo chí, nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, hội viên. Cơ quan phối hợp là Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan hữu quan.

 

- Việc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng phải đảm bảo chất lượng, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả.

 

Điều 6. Kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí trong việc thi hành Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng về hoạt động báo chí

 

- Cơ quan chủ trì: Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ.

 

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh và cấp uỷ các cơ quan hữu quan.

 

- Nội dung: Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ phối hợp với các Ban xây dựng đảng Tỉnh uỷ, Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo Uỷ ban Kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên trong việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là các nội dung liên quan đến sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện kỷ luật của Đảng trong các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Phát hiện kịp thời và nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới; đồng thời nhắc nhở, xử lý kỷ luật những tổ chức đảng và đảng viên chấp hành không nghiêm hoặc vi phạm kỷ luật đảng.

 

Điều 7. Phối hợp các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền

 

- Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.

 

- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông; Hội Nhà báo tỉnh; các Ban xây dựng Đảng Tỉnh uỷ; các sở, ngành, đoàn thể; các cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan báo chí của tỉnh; Văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí Trung ương trên địa bàn; Báo Quân khu I.

 

- Nội dung: Định kỳ tại các Hội nghị giao ban báo chí hàng quý hoặc đột xuất, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ có ý kiến chỉ đạo hoặc ra văn bản định hướng công tác tuyên truyền; đánh giá công tác thông tin, tuyên truyền trong thời gian qua, chỉ rõ mặt mạnh, mặt yếu, bàn giải pháp nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, tăng tính định hướng, tính hấp dẫn, tăng số lượng phát hành, phạm vi phủ sóng, thực sự làm chủ trận địa tư tưởng. Các cơ quan báo chí của tỉnh và Văn phòng đại diện các cơ quan báo chí của Trung ương có sự chia sẻ thông tin, đảm bảo tính chính xác của thông tin, thực hiện nghiêm chỉnh Luật báo chí và các quy định về đạo đức người làm báo.

 

Điều 8. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính với các loại hình báo chí; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện

 

- Cơ quan chủ trì: Sở Tài chính.

 

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Sở Thông tin và Truyền thông; Kiểm toán Nhà nước khu vực; Văn phòng Tỉnh uỷ; Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan hữu quan.

 

- Nội dung: xây dựng, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính; kiểm tra, thanh tra công tác quản lý tài chính đối với các loại hình báo chí, các cơ quan báo chí.

 

Điều 9. Tổ chức Hội báo Xuân của tỉnh

 

- Cơ quan chủ trì: Hội Nhà báo tỉnh.

 

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Sở Thông tin và Truyền thông; các cơ quan báo chí của tỉnh, Văn phòng đại diện các cơ quan báo chí Trung ương trên địa bàn; Báo Quân khu I, các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành, thị và các cơ quan hữu quan.

 

- Nội dung: Triển lãm, trưng bày các ấn phẩm báo chí, báo Xuân trong và ngoài tỉnh, nhằm tuyên truyền, quảng bá, tạo điều kiện cho người dân được tiếp xúc, giao lưu với người làm báo và hưởng thụ các sản phẩm báo chí; là một trong những hoạt động văn hoá nhân dịp vui Tết, đón Xuân. Lựa chọn các tác phẩm báo chí chất lượng cao tham dự giải báo chí quốc gia hàng năm.

 

Điều 10. Quản lý văn phòng đại diện cơ quan báo chí, phóng viên báo chí thường trú tại địa phương

 

- Cơ quan chủ trì: Uỷ ban nhân dân tỉnh (đơn vị được uỷ quyền là Sở Thông tin và Truyền thông).

 

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan hữu quan.

 

- Nội dung: Thực hiện theo quy chế cơ quan đại diện, phóng viên thường trú báo chí tại các địa phương. Định kỳ hàng quý (hoặc đột xuất) Sở Thông tin và Truyền thông mời dự giao ban báo chí. Nhắc nhở, phê bình, xử lý kịp thời các sai phạm, yếu kém, khuyết điểm. Tổng kết cuối năm có biểu dương, khen thưởng các Văn phòng đại diện, phóng viên, hội viên thường trú có thành tích nổi bật trong phối hợp tuyên truyền và thông tin nhanh nhạy, kịp thời về các hoạt động trên địa bàn tỉnh.

 

Trường hợp cần bàn riêng về việc phối hợp quản lý hoạt động của Văn phòng đại diện, phóng viên, hội viên thường trú của cơ quan báo chí tại địa phương; những vấn đề nhạy cảm; những vấn đề cụ thể mà các cơ quan đại diện, phóng viên thường trú chưa có sự thống nhất về quan điểm, chủ trương tuyên truyền thì Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ động mời gặp và trao đổi.

 

Điều 11. Quy định về quan hệ công tác và lề lối làm việc

 

1- Tại cuộc họp giao ban báo chí 6 tháng đầu năm (hoặc đột xuất khi có nội dung quan trọng, cấp bách), Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đánh giá, nhận xét việc thực hiện Quy định này. Sau cuộc họp, có thông báo về nội dung, kết quả; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, quản lý báo chí cho thời gian tiếp theo. Thông báo được gửi cho tất cả các cơ quan tham gia.

 

2- Các vấn đề cần trao đổi để đi đến thống nhất mà chưa làm rõ hoặc kết luận tại các hội nghị (họp, giao ban) thì các đơn vị có văn bản gửi cơ quan chủ trì. Cơ quan được hỏi ý kiến phải có văn bản trả lời trong thời hạn không quá 15 ngày, nếu không thể trả lời đúng thời hạn thì có công văn phúc đáp, nêu rõ lý do, đề xuất ý kiến. Những trường hợp cần thống nhất ý kiến xử lý nhanh, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chỉ đạo để trao đổi trực tiếp hoặc bằng hình thức thông tin phù hợp.

 

3- Các cơ quan tham gia thực hiện Quy định này trao đổi các văn bản do cơ quan mình ban hành liên quan đến nội dung Quy định để các bên cùng biết và phối hợp thực hiện.

 

4- Lãnh đạo các đơn vị tham gia thực hiện Quy định có chế độ liên hệ, trao đổi, thông báo kịp thời các vấn đề cần phối hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, quản lý báo chí.

5- Tại Hội nghị giao ban và tổng kết cuối năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quy định, xác định nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tiếp theo.