Thành phố Thái Nguyên ‘‘khan hiếm’’ rau

14:25, 17/11/2008

Sau đợt mưa kéo dài gây úng ngập nhiều nơi khiến rau xanh vụ đông bị thiệt hại nặng nề. Nước rút, chợ "khan" rau khiến giá thành tăng gấp 2,5 đến 3 lần so với thường ngày. Tại thời điểm ngày 16-11, giá rau xanh trong chợ Thái Nguyên vẫn cao gấp hơn 2 - 3 lần so với mọi ngày.

Theo thống kê của UBND thành phố Thái Nguyên, diện tích rau màu thiệt hại, mất trắng lên đến gần 148ha. Khó khăn lớn nhất đối với người trồng rau hiện nay là thời vụ bị lỡ, không kịp cung ứng rau cho dịp Tết Nguyên đán.

 

Xã Đồng Bẩm là một trong những địa bàn trồng rau cung ứng chủ yếu cho T.P Thái Nguyên, năm nay bị thiệt hại trên 16ha, hiện nay bà con nông dân đang tập trung gieo trồng lại bằng các loại rau ngắn ngày hoặc trồng đón vụ xuân. Gia đình ông Lương Văn Tiến, ở xóm Đồng Bẩm bị thiệt hại toàn bộ 4 sào cà chua lai, bắp cải, nay chỉ còn cách chấp nhận mua giống giá cao để đón vụ rau sau Tết. ông Tiến cho biết: “Bình thường đầu vụ, giá giống chỉ 7.000-8.000đ/100cây su hào, cải bắp, súp lơ… lên đến gần 20.000đ/100cây giống, mà không có sẵn để mua, phải đi tìm rất vất vả”. Gia đình bà Trịnh Thị Thân thì mất 4 sào rau, dưa chuột, nay vẫn lúng túng chưa biết chọn giống cây gì cho phù hợp do đã quá thời vụ. Bà Thân cho biết: “Năm 2007, 4 sào rau của gia đình cho thu lãi gần 20 triệu đồng, thoải mái chi tiêu Tết”.

 

Được biết, hiện nay UBND thành phố Thái Nguyên đã có chính sách hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả lụt bằng cách cung cấp giống khoai tây cho những hộ dân có nhu cầu làm tiếp vụ đông, theo tỷ lệ: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 60%, nông dân đối ứng 40%, lượng phân bón được hỗ trợ tương ứng theo tỷ lệ: Ngân sách Nhà nước 40%, nông dân đối ứng 60%. Tuy nhiên, một số vùng rau chuyên canh không thực sự “mặn mà” tiếp nhận chính sách này. Nguyên nhân chính là do tập quán canh tác bị thay đổi, khung thời vụ quá gấp, độ an toàn về hiệu quả kinh tế không cao.

 

Chị Đào Thị Hòa, ông Tiến, bà Thân cùng ở xã Đồng Bẩm cho biết: “Chưa bao giờ cây khoai tây được trồng đại trà trên đồng đất Đồng Bẩm, chúng tôi chỉ chuyên trồng rau, bây giờ thay đổi sang khoai tây là rất khó, muốn thay đổi phải có ô mẫu thí nghiệm”. Qua khảo sát tại vùng rau Đồng Bẩm cho thấy, đa số nông dân khắc phục bằng cách trồng lại rau đón vụ sau Tết. Các cây rau ngắn ngày như rau cải thì dễ làm nhưng lại không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo kinh nghiệm của bà con, nếu gieo rau cải thời điểm này thì phải phun thuốc trừ bọ chó liên tục, từ khi nẩy mầm đến khi thu hái. Cũng vì sự e ngại, chưa mạnh dạn chuyển đổi sang trồng khoai tây, nên đến nay toàn xã mới chỉ có một số hộ dân đăng ký trồng khoai tây với diện tích 2,1 ha trên tổng số hàng chục héc- ta bị thiệt hại. Ông Đỗ Minh Dần, Trưởng xóm Đồng Bẩm cho biết: Ban đầu xóm đăng ký là 14 hộ tham gia, nay rút lại chỉ còn 4 hộ nhận tham gia.

 

Sau thiệt hại do úng lụt, vấn đề quan trọng nhất là khắc phục, tránh để tình trạng bỏ đất trắng và cần phải có cơ chế hỗ trợ phù hợp, mới giải quyết được một phần tình trạng “khan” rau trong thành phố như hiện nay. Bài toán trồng cây gì, ở đâu và bán cho ai lúc này đang cần các cơ quan chuyên môn hợp sức với nông dân tìm lời giải nhanh chóng, kịp thời vụ. Trước mắt là để cung ứng rau kịp thời cho thành phố sau những ngày úng lụt, tiếp theo là Tết Nguyên đán.