Người dân nông thôn Thái Nguyên sẽ được sử dụng điện sinh hoạt với giá 550 đồng/KWh cho 100 KWh đầu tiên, khi lưới điện hạ thế ở nông thôn được bàn giao sang ngành Điện quản lý. Tuy nhiên cũng có không ít băn khoăn từ phía các hợp tác xã dịch vụ điện khi phải bàn giao theo nguyên tắc không hoàn trả giá trị tài sản còn lại…
Việc đưa điện lưới quốc gia về 180 xã, phường, thị trấn của tỉnh Thái Nguyên, trong đó có 144 xã thuộc khu vực nông thôn, đã hoàn thành từ tháng 11 năm 2003, song cho đến nay, Điện lực Thái Nguyên mới chỉ quản lý và bán điện trực tiếp đến các hộ ở 36 xã thuộc khu vực nông thôn, 108 xã còn lại do các hợp tác xã dịch vụ điện quản lý và bán điện đến tận hộ gia đình.
Hình thức kinh doanh hiện nay của các hợp tác xã (HTX) dịch vụ điện chủ yếu là hưởng chênh lệch giá từ việc phân phối điện, các HTX này mua điện của ngành Điện tại các trạm biến áp hạ thế với giá 429 đồng/KWh, sau đó đưa qua các đường dây trục do mình quản lý, vận hành, tổ chức bán điện đến tận các hộ gia đình với giá 700 đồng/KWh theo quy định của Nhà nước.
Tuy nhiên, phần lớn lưới điện hạ thế tại nông thôn do các HTX dịch vụ điện quản lý, vận hành đã quá cũ nát, một số HTX mạnh dạn huy động vốn của tập thể và nhân dân đóng góp để cải tạo lưới điện, nhưng với số vốn hạn chế nên chỉ đáp ứng được nhu cầu sửa chữa tối thiểu về mặt an toàn, chưa cải tạo được theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Công nghiệp ban hành, chính vì thế lượng tổn thất điện năng trên lưới điện rất lớn (từ 20% đến 30%, cá biệt có nơi lên đến gần 40%), chất lượng điện áp không đảm bảo, ở những nơi xa trạm biến áp, người dân phải trả đến 1.300 đồng/KWh điện, cao gần gấp đôi so với giá bán do Nhà nước quy định.
Theo tính toán của Điện lực Thái Nguyên, với mức phát triển phụ tải trên 10% năm như hiện nay thì trong 3 năm nữa, hệ thống lưới điện hạ thế ở khu vực nông thôn của tỉnh nếu không được đầu tư đúng mức sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện, chất lượng điện năng kém, giá bán điện đến các hộ dân tăng cao, đặc biệt là xảy ra nguy cơ mất an toàn lưới điện, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân.
Để đảm bảo chất lượng lưới điện, giải quyết tình trạng bất cập hiện đang diễn ra, đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đầu tháng 11 năm 2008, thực hiện chủ trương của Nhà nước, Điện lực Thái Nguyên bắt đầu triển khai dự án tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn trên địa bàn tỉnh. Dự kiến quá trình tiếp nhận kéo dài từ tháng 11-2008 cho đến hết năm 2010, toàn bộ lưới điện ở khu vực nông thôn của tỉnh sẽ được ngành Điện đứng ra hoàn thiện, đủ tiêu chuẩn bán điện tới các hộ gia đình. Người dân sẽ được hưởng lợi mà không phải đóng góp bất cứ một khoản kinh phí nào cho việc chuyển giao cũng như cải tạo lưới điện, đó là điều chắc chắn. Còn đối với Điện lực Thái Nguyên, để triển khai thành công dự án này, rất nhiều khó khăn đang chờ các cán bộ, công nhân trong đơn vị ở phía trước.
Ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc Điện lực Thái Nguyên cho biết: Việc tiếp nhận lưới điện nông thôn của tỉnh sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, Điện lực Thái Nguyên sẽ tiếp nhận nguyên trạng lưới điện hạ thế tại các địa phương, trực tiếp vận hành và áp dụng ngay giá bán điện cho các hộ theo Quyết định số 276/2006/QĐ-TTg ngày 04-12-2006 của Thủ tướng Chính phủ (mức giá này hiện đang được áp dụng cho khu vực thành phố, trong đó điện sinh hoạt tính giá theo bậc thang chưa có thuế GTGT, 100 KWh đầu tiên giá 550 đồng/KWh).Cùng với đó ngành Điện sẽ tiến hành ngay việc sửa chữa nhỏ lưới điện, thay thế các công tơ bị kẹt, bị cháy để đảm bảo vận hành an toàn. Giai đoạn 2 sẽ thực hiện đầu tư cải tạo toàn bộ lưới điện hạ thế để giảm tổn thất, nâng cao chất lượng điện năng. Giai đoạn 3 sẽ tập trung vào việc hoàn thiện lưới điện hạ thế theo tiêu chuẩn đã được các cơ quan chức năng quy định.
Theo tính toán sơ bộ, Điện lực Thái Nguyên sẽ phải chi gần 200 tỷ đồng cho việc tiếp nhận, đầu tư cải tạo lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong 3 năm (từ 2008 đến 2010) khi chưa cải tạo ngay được toàn bộ lưới điện, tổn thất điện năng trên lưới điện còn lớn, trong khi đó giá bán lại áp dụng như khu vực thành phố nên lãi suất của ngành Điện sẽ bị thụt giảm khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài việc phải đầu tư nguồn kinh phí lớn, sau khi tiếp nhận lưới điện, khối lượng đường dây phải quản lý, vận hành nhiều, lượng khách hàng tăng đột biến, trong khi đó số lượng cán bộ, CNV của đơn vị còn hạn chế chắc chắn sẽ phát sinh những khó khăn về nhân lực và các trang thiết bị vận hành lưới điện.
Tuy nhiên, ông Dương khẳng định: Khó khăn còn nhiều nhưng đó chỉ là cái khó trước mắt, còn lợi ích sẽ lâu dài, nhất là lợi ích đó rất thiết thực đối với người dân ở khu vực nông thôn, ngoài việc được đảm bảo về an toàn và chất lượng điện năng thì chi phí sử dụng điện sẽ giảm được rất nhiều. Điện lực Thái Nguyên phấn đấu đến hết tháng 12-2009 sẽ tiếp nhận xong toàn bộ lưới điện hạ thế ở khu vực nông thôn của tỉnh (sớm hơn một năm so với thời gian dự kiến), bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các hộ. Hiện nay đã có 3 xã của huyện Võ Nhai là Lâu Thượng, Phú Thượng, La Hiên bàn giao xong lưới điện về cho ngành Điện quản lý.
Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là việc giải quyết những khó khăn đặt ra với các HTX dịch vụ điện sau khi chuyển giao lưới điện ở nông thôn cho ngành điện quản lý (Khó khăn về chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh, về giải quyết các khoản nợ nếu có của các HTX…). Điều này đòi hỏi sự vào cuộc giúp đỡ của ngành chức năng và chính quyền các địa phương.